Xung quanh chuyện cấm xe máy, người bàn cứ bàn, cứ ra thông điệp, ra nghị quyết giảm,cấm xe máy… còn xe máy cứ tiếp tục được đua nhau sản xuất.

Từ năm 2012 đến nay chúng ta đã quá nhiều lần nghe đến thông điệp, thậm chí có lộ trình 7 hay 10 năm hẳn hoi, cấm xe máy ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Mới đây nhất, 27/6/2016 Ban chấp hành đảng bộ Hà Nội đã họp định hướng đến năm 2025 sẽ dừng hoạt động xe máy cá nhân trong nội đô.

Vấn đề ở chỗ, người bàn cứ bàn, cứ ra thông điệp, ra nghị quyết giảm,cấm xe máy… còn xe máy cứ tiếp tục được đua nhau sản xuất. Người dân mua xe máy, ô tô cứ tiếp tục tăng. Dân số cũng tiếp tục tăng chóng mặt: 200.000 người/năm. Hà Nội đã có khoảng 7,5 triệu người gây một sức ép khủng khiếp lên cơ sở hạ tầng đô thị quá yếu kém của đô thị này.

Theo thống kê chưa đầy đủ năm 2015 đã có khoảng 200.000 xe máy và ô tô được đăng ký mới, nâng tổng số xe ở thủ đô lên tới 5,435 triệu chiếc (0,535 triệu ô tô và 4,9 triệu xe máy). Với 7,5 triệu dân - trừ 2 triệu các cụ già và trẻ em từ mới sinh đến dưới 15 tuổi - thì mỗi người dân Hà Nội đang sở hữu một xe máy hay một ô tô. Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đưa ra dự báo đến năm 2020 Hà Nội sẽ có khoảng 1 triệu ô tô và 7 triệu xe máy (!)

{keywords}

Người bàn cứ bàn, cứ ra thông điệp, ra nghị quyết giảm, cấm xe máy… còn xe máy cứ tiếp tục được đua nhau sản xuất. Người dân mua xe máy, ô tô cứ tiếp tục tăng. 

Các câu hỏi cần được nghiên cứu và giải đáp: Vì sao người dân Hà Nội cứ phải mua phương tiện giao thông cá nhân - đặc biệt là xe máy - trong khi mà hàng trăm ngàn gia đình khốn khổ với chỗ để xe máy vì nhà quá chật chội, thậm phải đẩy xe máy lên tầng cả tầng 4, tầng 5. Sự thật không thể phủ nhận là xe máy không chỉ là phương tiện giao thông đơn thuần là còn là phương tiện lao động đảm bảo cuộc sống của cả triệu người.

Có phải ách tắc giao thông là lỗi của người dân? Câu trả lời: Không! Sự hỗn loạn ách tắc giao thông hiện nay ở Hà Nội là lỗi hệ thống từ hàng chục năm nay của Chính phủ và lãnh đạo thành phố này chứ không phải lỗi của người dân. Đây là hệ quả của chính sách phát triển kinh tế và quy hoạch đô thị yếu kém của Hà Nội.

Nguyên nhân khách quan

Về kinh tế xã hội: Trước năm 1975 Hà Nội là một ốc đảo so với tất cả các thành phố và các địa phương khác ở miền Bắc về đời sống vật chất và văn hóa. Thực tế cho thấy hiện nay sức hút dân số ngoại tỉnh về Hà Nội là quá lớn và không thể ngăn chặn bằng biện pháp cơ học hay hành chính.

Câu“ Giàu nhà quê không bằng ngồi lê thành phố” thực ra là ám chỉ đời sống khác biệt ở nông thôn với Hà Nội.

Với tốc độ tăng dân số như hiện nay, Hà Nội chắc chắn sẽ trở thành một Megacity (siêu đô thị) có 10 triệu dân trong 10 năm tới. Sức ép về giao thông sẽ còn lớn hơn rất nhiều.

Nguyên nhân chủ quan

Quy hoạch thủ đô: Năm 1977, thời điểm đất nước vừa thoát khỏi cuộc chiến tranh khốc liệt và nền kinh tế đang kiệt quệ, vài kiến trúc sư quy hoạch của Hà Nội đã đòi bỏ đường sắt cũ và bỏ ga Hà Nội, mở rộng đường sắt và chuyển ga Hà Nội ra Hà Đông rồi xây dựng ngay tàu điện ngầm.

Tôi còn nhớ 1977 trong một cuộc họp ở Bộ Xây dựng do Phó chủ tịch HĐBT Kts Huỳnh Tấn Phát chủ trì bàn về quy hoạch tổng thể Hà Nội trong điều kiện đất nước vừa thoát khỏi chiến tranh khốc liệt và nền kinh tế đang kiệt quệ thì một vài kiến trúc sư quy hoạch của Hà Nội chắc lây cái hơi men thống nhất đất nước đòi bỏ đường sắt cũ và bỏ ga Hà Nội, mở rộng đường sắt và chuyển ga Hà Nội ra Hà Đông! Rồi Hà Nội cần xây dựng ngay tàu điện ngầm!?

Là một thành viên tham gia cuộc họp này, tôi hỏi họ đã từng tham gia thiết kế trong một văn phòng kiến trúc về tàu điện ngầm nào hay chưa và có biết suất đầu tư cho 1km tàu điện ngầm đặc biệt ở nền đất rất yếu như Hà Nội là bao nhiêu tiền và việc xây dựng phức tạp như thế nào? 

Không có câu trả lời! 

Đó là tư duy thơ quy hoạch rất Việt Nam: Đã hơn 40 năm từ ngày thống nhất đất nước mà đến giờ Hà Nội hiện vẫn đang phải lao đao đánh đu với đường sắt trên cao Hà Đông. Hà Nội do Trung Quốc xây. Qua đó chúng ta thấy phát triển cơ sở giao thông hiện đại khó khăn đế mức nào.

(Còn nữa)

KTS Lý Trực Dũng