Bệnh nhân có tiền sử khỏe mạnh, được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An trong tình trạng ý thức ngủ gà, liệt nửa người trái.
Tại đây, bệnh nhân được khám, hội chẩn và chẩn đoán nhồi máu não cấp giờ thứ 1 do tắc động mạch cảnh trong - não giữa bên phải, lóc tách động mạch trong phải đoạn gốc (bắt đầu từ đoạn gốc động mạch cảnh trong).
Hình ảnh gốc động mạch cảnh trong phải bị tắc (trái) và tái thông hoàn toàn sau can thiệp (phải). Ảnh: BVCC
Ngay lập tức, bệnh nhân được bác sĩ Trung tâm Đột quỵ chỉ định điều trị bằng phương pháp can thiệp lấy huyết khối động mạch não bằng dụng cụ cơ học, đặt stent động mạch cảnh gốc. Thời gian can thiệp khoảng 30 phút cho kết quả tái thông hoàn toàn.
Ngay sau can thiệp, bệnh nhân tỉnh và cử động khá tốt nửa người trái. Tới ngày 31/12, sau gần 1 tuần điều trị, bệnh nhân đã tỉnh táo bình thường và được ra viện, trở lại cuộc sống bình thường.
Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 200.000 - 225.000 ca đột quỵ. Căn bệnh này ngày càng gia tăng và trẻ hóa. Nhiều người đã tử vong khi đang làm việc hoặc trên đường đi cấp cứu. Kết quả nghiên cứu trước đó tại 10 trung tâm đột quỵ trên toàn quốc với hơn 2.500 bệnh nhân cho thấy người trẻ (dưới 45 tuổi) chiếm 7,6% số ca mắc đột quỵ.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Lê Quang Toàn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, người bệnh thường chưa phát hiện các bệnh lý nền trước đó, đột ngột xuất hiện các triệu chứng như méo miệng, yếu tay và chân một bên, nói khó, khó phát âm, khó diễn đạt lời nói, rối loạn ý thức hoặc giảm ý thức, đột ngột đau đầu dữ dội, rối loạn thăng bằng, đột ngột nhìn mờ hoặc mất thị trường một vùng.
PGS.TS Hoàng Bùi Hải, Trưởng khoa Hồi sức - Cấp cứu, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho hay trước đây, khi nhắc tới đột quỵ, chúng ta hay nói về vấn đề của tim, nhưng ngày nay tập trung vào vấn đề của não, với 2 thể đột quỵ là xuất huyết não và nhồi máu não. Trong đó, nhồi máu não thường gặp nhiều hơn.
Nguyên nhân sơ bộ của đột quỵ do thiếu oxy lên cung cấp cho các tế bào não trên hệ thần kinh trung ương. Nguyên nhân sâu xa do tắc nghẽn mạch máu dẫn máu từ động mạch từ tim lên các động mạch lớn, lên động mạch não; hoặc do chảy máu, các mạch máu trong não bị vỡ và chảy máu vào các mô não.
Hai việc cần thực hiện ngay lập tức khi phát hiện một người có dấu hiệu đột quỵ là sơ cứu và gọi đội cấp cứu để chuyển bệnh nhân tới bệnh viện càng sớm càng tốt.
Theo vị chuyên gia về đột quỵ, người nhà không nên làm những việc sau: cố gắng đo huyết áp người bệnh, dùng những thuốc truyền miệng, thuốc không được bác sĩ khuyến cáo, thuốc trôi nổi trên thị trường; chích máu đầu ngón tay, xoa dầu, bấm huyệt nhân trung hay tất cả những biện pháp truyền miệng dân gian khác mà không có khuyến cáo của bác sĩ.