Thông tin được PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, cho biết tại lễ thành lập Chương trình Bệnh phổi kẽ vào sáng 19/12 ở Hà Nội. Đây là chương trình chuyên sâu chẩn đoán và điều trị bệnh phổi kẽ cho người bệnh trên toàn quốc.
Theo các chuyên gia, phổi kẽ là nhóm bệnh lý rất phức tạp, mặc dù không phải nhóm bệnh mới xuất hiện nhưng thực tế chưa được quan tâm và hiểu biết cặn kẽ ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.
Theo PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, về mặt dịch tễ, tỷ lệ mắc của từng bệnh phổi kẽ không cao, nhưng tổng hợp chung cả nhóm bệnh cũng gây ảnh hưởng lên một số lớn người bệnh với tần suất mắc 76/100.000 dân tại Châu Âu và 74,3/100.000 dân ở Mỹ.
Hiện nay, Việt Nam chưa có thống kê số ca mắc. Tại Khoa Hô hấp, Bệnh viện Phổi Trung ương, hàng ngày, các bác sĩ điều trị cho 70-100 bệnh nhân. Tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh phổi mô kẽ khoảng 6-7% tổng số bệnh nhân trong khoa.
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung thông tin thêm bệnh phổi kẽ rất khó chẩn đoán, dễ nhầm lẫn. “Người ta nói hầu hết bệnh nhân mắc phổi kẽ đều bị chẩn đoán nhầm ít nhất một lần để nói mức độ khó của căn bệnh này”, PGS.TS Nhung nói.
Một số bệnh phổi kẽ, nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng cách, tổn thương phổi có thể không hồi phục và tiến triển thành mạn tính, gây xơ phổi và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng hô hấp, cuộc sống của người bệnh.
Đặc biệt, chuyên gia này cảnh báo các trường hợp bệnh đều tiến triển nhanh, tiên lượng còn xấu hơn ung thư. PGS.TS Nhung giải thích thêm bệnh phổi kẽ thời gian sống thêm từ lúc chẩn đoán trung bình chỉ 2,5 năm. Trong khi đó, người bệnh ung thư phổi nếu được phát hiện sớm, tỷ lệ sống thêm 5 năm đến 80%. Nhiều bệnh trường hợp ung thư ở gia đoạn muộn nhưng được điều trị đích, có thể sống 3 năm, thậm chí nhiều hơn.
Việc chẩn đoán sớm, bệnh phổi kẽ có tiên lượng tốt điều trị cải thiện rõ rệt. Do đó, việc chẩn đoán sớm, chính xác giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh, tăng hiệu quả điều trị và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh là rất cần thiết.
PGS.TS Nhung thông tin thêm bệnh có thể gặp ở trẻ nhỏ (bẩm sinh như xơ nang phổi) nhưng đa số bệnh nhân từ 40 tuổi. Vì vậy, những người có tình trạng khó thở nhưng không rõ nguyên nhân cần lưu ý và đến cơ sở y tế thăm khám kịp thời. Bởi đây là triệu chứng chỉ điểm của bệnh phổi kẽ.
“Chẩn đoán hình ảnh rất quan trọng trong xác định bệnh phổi kẽ. Chẩn đoán hình ảnh ban đầu (chẩn đoán trên phim thông thường) cũng có thể phát hiện bệnh. Nhưng muốn xác định cần là phim cắt lớp và các chỉ định các kỹ thuật sâu hơn để xác định bệnh phổi kẽ và ở giai đoạn nào”, PGS.TS Nhung nói.
Vì vậy, Chương trình bệnh phổi kẽ được xây dựng triển khai dựa trên mạng lưới phòng chống lao và bệnh phổi để người dân tiếp cận với dịch vụ chẩn đoán và điều trị bệnh. Bên cạnh đó, đào tạo, chuyển giao công nghệ cho bệnh viện thuộc mạng lưới, thúc đẩy hợp tác quốc tế, đánh giá tình tình dịch tễ bệnh phổi kẽ của Việt Nam.
Chương trình cũng vận động chính sách, truyền thông và huy động xã hội để người dân biết tiếp cận bệnh phổi kẽ và bảo hiểm y tế hỗ trợ cho các kỹ thuật chẩn đoán và thuốc điều trị bệnh phổi kẽ.