Thế cho nên mới có chuyện bổ nhiệm cán bộ sai nhưng lỗi lại thuộc về tập thể.
Sớm khắc phục tình trạng cục bộ khép kín, chạy chức chạy quyền trong công tác cán bộ. Muốn làm được điều này phải đổi mới công tác tuyển chọn cán bộ, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo quản lý, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đã khẳng định như vậy trong cuộc làm việc với Bộ Nội vụ hôm 24/5.
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Cán bộ là gốc của mọi công việc. Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Muốn có cán bộ tốt, đặc biệt là cán bộ quản lý đương nhiên công tác tuyển chọn phải là khâu quan trọng nhất của công tác cán bộ. Ý thức điều này, rất nhiều nghị quyết, quy chế về công tác tuyển chọn cán bộ đã được Đảng, Nhà nước ban hành một cách bài bản với mong muốn: Chọn được người đủ đức đủ tài cho đất nước. Tuy nhiên, dư luận vẫn quan ngại, có quá nhiều công chức “cắp ô” trong bộ máy và có hiện tượng “chạy chức, chạy quyền” rồi tình trạng cục bộ “nhất thân, nhì quen” trong công tác bổ nhiệm cán bộ.
Vì sao hiện tượng này vẫn xảy ra dù quy trình tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ rất khắt khe như Kết luận số 24-KL/TW, ngày 05-6-2012 của Bộ Chính trị (khoá XI) về đẩy mạnh công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đến năm 2020 và những năm tiếp theo chỉ rõ: “Đánh giá, lựa chọn cán bộ thông qua cơ chế thi tuyển, sát hạch hằng năm đối với cán bộ từ cấp cục, vụ và tương đương trở xuống theo phương châm: Làm cái gì thi cái đó; xây dựng phương thức đánh giá cán bộ trong mối quan hệ biện chứng giữa kết quả thi, sát hạch và năng lực, thành tích công tác, uy tín, sự tín nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân”... Nếu cứ tuân thủ đúng hướng dẫn của Trung ương thì làm gì “hội chứng chạy” vẫn cứ tồn tại gây bức xúc trong dư luận.
Để xảy ra tình trạng cán bộ “ngồi nhầm” chỗ trong nền công vụ là bởi, rất nhiều cơ quan, đơn vị nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng của việc thực hiện đúng quy trình, thậm chí còn nhầm lẫn giữa công tác tuyển dụng và công tác bổ nhiệm cán bộ. Trong khi đó, người thuộc diện bỏ phiếu tín nhiệm không được trực tiếp đối thoại hoặc lắng nghe đầy đủ từ người giới thiệu làm quy trình bổ nhiệm. Do vậy, chưa đánh giá được một cách xác thực, chính xác về phẩm chất, trình độ, năng lực của người dự tuyển trước khi bỏ phiếu tín nhiệm. Tuy nhiên, lỗ hổng quan trọng nhất là chưa gắn trách nhiệm và thẩm quyền của người đứng đầu hoặc cấp trên trực tiếp quản lý cơ quan, đơn vị cho việc bổ nhiệm vị trí mới. Thế cho nên mới có chuyện bổ nhiệm cán bộ sai nhưng lỗi lại thuộc về tập thể.
Một lý do khác khiến công cuộc tìm người tài trở nên khó khăn hơn là bởi, việc áp dụng các quy định vào tình hình cụ thể của từng cơ quan, đơn vị có phần rập khuôn, cứng nhắc, bị động; còn coi trọng văn bằng, chứng chỉ trong đánh giá cán bộ, mà chưa chú trọng đến năng lực, kinh nghiệm công tác, chưa gắn với kết quả, hiệu quả công việc... Không gắn với kết quả công việc thì lấy tiêu chí gì đánh giá năng lực của cán bộ lãnh đạo?
Nhận thấy những điểm trũng này, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính yêu cầu ngành Nội vụ cần tiếp tục đổi mới công tác tuyển chọn cán bộ lãnh đạo quản lý nhằm tiếp tục đổi mới công tác cán bộ theo hướng công khai, minh bạch, tuyển chọn được những người có đức, có tài để nắm giữ những vị trí quan trọng. Đặc biệt phải sớm hoàn thiện Đề án “Đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, sở, phòng” mà nhiều bộ ngành, địa phương như Bộ Tư pháp, Bộ Giao thông -Vận tải; TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng; các tỉnh Quảng Ninh, Ninh Bình, Phú Thọ, Bắc Giang, Long An, Bình Dương… đã thực hiện thí điểm thời gian qua.
Rõ ràng có sự “phá cách”, khi mà “muốn làm lãnh đạo phải thi” trong thời gian qua của một số bộ, ngành, địa phương đã ít nhiều mang lại mầu sắc mới trong công tác cán bộ để loại bỏ dần tư duy “sống lâu lên lão làng”, vấn nạn “chạy chức, chạy quyền” trong nền công vụ. Vấn đề cần làm lúc này là phải nhân rộng mô hình thi tuyển cạnh tranh, công khai minh bạch để những chiếc ghế trong nền công vụ tìm được chủ nhân xứng đáng. Chính năng lực được chứng minh bằng thực tiễn công việc của người lãnh đạo sẽ là câu trả lời sinh động nhất rằng, cán bộ đó có đủ đức, đủ tài đảm trách những nhiệm vụ khó hay không?
Nhiều chuyên gia đề nghị, để tiếp tục đổi mới nội dung thi tuyển lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng cần quy định rõ, cụ thể hơn về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị hoặc cấp trên trực tiếp quản lý. Điều này cần thể hiện được chính kiến của cấp trên trực tiếp trong việc giới thiệu nhân sự cụ thể tham gia vào danh sách thi tuyển lãnh đạo, quản lý. Theo đó, người đứng đầu được giao thẩm quyền giới thiệu, đề xuất nhân sự sẽ phải chịu trách nhiệm chính về nhân sự đó nếu ứng viên đó được bổ nhiệm.
Đặc biệt, cần bổ sung thêm vào quy trình người dự thi tuyển phải “trình bày chương trình hành động” nếu được bổ nhiệm vào chức danh đó hoặc tham gia thi viết bài kiểm tra kiến thức và năng lực lãnh đạo, quản lý trước khi lấy phiếu tín nhiệm trong hội nghị cán bộ, công chức, viên chức hoặc cán bộ, viên chức chủ chốt. Cách làm rất thực tế này giúp người dự thi thể hiện được năng lực trải nghiệm thực tiễn, bộc lộ khả năng lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Việc này giúp cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, tổ chức có thêm cơ hội và điều kiện hiểu rõ hơn về trình độ, năng lực và khả năng, phẩm chất và kỳ vọng về khả năng hoàn thành nhiệm vụ của người được giới thiệu hoặc thi tuyển nếu được bổ nhiệm.
Tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ, đặc biệt là cán bộ cấp quản lý, lãnh đạo rất cần sự công khai, minh bạch, cạnh tranh để người thực tài đều có cơ hội như nhau. Nếu làm được điều này mới dần loại bỏ được vấn nạn công chức “cắp ô” và dẹp được nạn “chạy chức, chạy quyền” gây bức xúc suốt thời gian qua.
Theo Lục Bình/ Đại Đoàn kết
*Tiêu đề bài viết do Tuần Việt Nam đặt