Tâm tư của đầu tầu kinh tế TP.HCM

Chủ tịch TP.HCM, ông Phan Văn Mãi rất tâm tư khi nói về việc hàng trăm văn bản mà Thành phố phải gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tham vấn một năm.

Hôm qua, ông cho biết có 4 nhóm vấn đề mà TP.HCM “phải hỏi”.

Đó là có những vấn đề thực tiễn phát sinh tại địa phương, quy định pháp luật chưa có; có những vấn đề đã có quy định nhưng luật này khác, luật kia khác; có quy định rồi nhưng cách hiểu khác nhau, sau này, các cơ quan thanh tra, kiểm tra vào thì mỗi bên nói một kiểu; có các vấn đề đã rõ rồi, cán bộ thành phố nghiên cứu nhưng cảm thấy chưa chắc ăn.

“Trong các văn bản trả lời từ Bộ KH&ĐT, cũng có rất nhiều văn bản nội dung không rõ, căn cứ vào nội dung trả lời thì thành phố cũng không biết sao để làm với thẩm quyền theo quy định pháp luật. Đây là vấn đề cần chia sẻ thẳng thắn”, ông nói.

Đường hầm Thủ Thiêm, thành phố Hồ Chí Minh

Chia sẻ của Chủ tịch TP.HCM gợi ra nhiều điều liên quan đến hệ thống luật pháp và thực thi luật pháp hiện nay. 

Nếu thấu hiểu sự bất cập của hệ thống văn bản pháp luật hiện hành và đặt nó trong bối cảnh hiện nay sẽ lý giải được tâm lý của cán bộ, công chức của Thành phố Hồ Chí Minh, của Bộ KH&ĐT và nhiều nơi khác.

Thử tìm nguyên nhân nỗi sợ

Trong cuộc sống, ở mức độ khác nhau hầu hết ai cũng muốn khẳng định giá trị của bản thân trước cộng đồng và xã hội. Với đội ngũ công chức, viên chức thì đặc tính này càng nổi trội. Khi được đảm nhiệm cương vị công tác, hầu hết cán bộ đều được truyền cảm hứng, đó là nguồn năng lượng mạnh mẽ thúc đẩy họ phát huy nhiệt tình và trí tuệ trong thực thi công vụ để thỏa mãn mong muốn, khát vọng cống hiến, qua đó tự khẳng định bản thân.

Vậy tại sao họ lại sợ? Phải chăng nguyên nhân là còn nhiều lỗ hổng pháp lý? Phải chăng hệ thống văn bản pháp luật hiện hành còn nhiều bất cập, làm cho cán bộ vô cùng bối rối, lúng túng khi thực thi công vụ?

Để minh họa, xin nêu một số dẫn chứng về sự chồng chéo, rối rắm, mâu thuẫn, xung đột lẫn nhau trong hệ thống văn bản pháp luật hiện hành.

Khi các quy định chồng chéo

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường để hướng dẫn thực hiện Luật Đất đai 2013, Chính phủ đã ban hành đến 25 nghị định. Trong đó, có 16 nghị định ban hành mới, 7 nghị định sửa đổi bổ sung, 2 nghị định ban hành thay thế; cấp bộ ngành ban hành tới 56 thông tư và thông tư liên tịch, riêng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành tới 46 Thông tư.

Nhưng đâu chỉ có vậy, khi cấp một giấy phép đầu tư không chỉ căn cứ vào Luật Đất đai mà còn phải căn cứ vào hàng loạt văn bản pháp luật khác như Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Tài Chính, Luật Môi trường... 

Thử hỏi chính quyền địa phương và các bộ ngành khi cấp một giấy phép đầu tư phải đánh vật với một “núi” văn bản quy phạm pháp luật như vậy sẽ mất thời gian trong bao lâu, doanh nghiệp tốn kém như thế nào về thời gian, tiền bạc và cơ hội?

Vấn đề là sự chồng chéo, mâu thuẫn, xung đột giữa các luật, các nghị định, thông tư còn khó khăn, phức tạp gấp bội phần.

Theo Tờ trình số 423/TTr-CP về cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2026 ngày 18/10/2021 của Chính phủ, qua rà soát kiến nghị của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các quy định pháp luật hiện hành chưa thống nhất, chưa phù hợp với thực tế, gây vướng mắc, khó khăn cho đầu tư sản xuất, kinh doanh có liên quan đến 79 luật, 3 nghị quyết của Quốc hội, 188 nghị định của Chính phủ, 20 quyết định của Thủ tướng, 135 thông tư của bộ ngành.

Trong các lĩnh vực đầu tư, xây dựng, đất đai có 25 văn bản quy phạm pháp luật chồng chéo lẫn nhau. Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), trong lĩnh vực bất động sản có 12 luật liên quan, nhưng nhiều vấn đề quan trọng không luật nào tương thích với luật nào.

Phải chăng hệ thống văn bản pháp luật còn nhiều bất cập, làm cho cán bộ bối rối, lúng túng khi thực thi công vụ?

Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành quy định: “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn” (điểm 2); “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau” (điểm 3).

Như vậy có thể thấy, quy định về việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật trong trường hợp có quy định khác nhau giữa các VBQPPL về cùng một vấn đề theo nguyên tắc “ cao - thấp” (khoản 2) hoặc nguyên tắc “trước - sau” (khoản 3).

Quy định này tạo cơ sở pháp lý để xử lý những tình huống phát sinh từ thực tiễn (ngoài ý muốn của nhà làm luật) khi có sự thiếu thống nhất, đồng bộ giữa các VBQPPL về cùng một vấn đề. Luật A được Quốc hội thông qua ngày 01/01/2020; Luật B được Quốc hội thông qua ngày 01/01/2021 mà có quy định khác nhau về cùng 1 vấn đề thì áp dụng theo quy định tại Luật B.

Nêu vấn đề trên đây để dẫn đến câu hỏi, vì sao 25 văn bản quy phạm pháp luật chồng chéo lẫn nhau trong các lĩnh vực đầu tư, xây dựng, đất đai lại không áp dụng tinh thần của hai khoản 2 và 3 nêu trên?

Một giải pháp căn cơ

Báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2019, đã nêu lên 20 vấn đề chồng chéo lớn, cấp bách cần được sửa đổi trong các văn bản pháp luật thuộc các lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường, nhà ở, kinh doanh bất động sản và đấu thầu.

Các xung đột, chồng chéo trong hệ thống văn bản pháp luật không chỉ cản trở quá trình thực thi trong thực tiễn, phát sinh chi phí lớn và rủi ro cao cho doanh nghiệp, nhà đầu tư mà còn làm cho lãnh đạo các cấp các ngành hết sức lúng túng khi xem xét, quyết định cấp giấy phép đầu tư.

Công cuộc phòng chống tham nhũng đã và đang diễn ra ngày càng quyết liệt; nhiều cán bộ bị truy cứu hình sự, phần đông là do lòng tham, họ cấu kết với doanh nghiệp cố tình làm trái pháp luật để tham nhũng. 

Nhưng bên cạnh đó, một bộ phận không ít cán bộ do không nắm vững văn bản pháp luật hoặc vận dụng theo luật này thì đúng nhưng lại sai so với luật khác; hoặc cán bộ không dành thời gian, không đủ thời gian nghiên các văn bản pháp luật nên ủy thác hết cho cơ quan và bộ phận giúp việc thẩm định trước khi hạ bút ký các dự án. Khi vụ việc vỡ lở, họ phải vào tù với tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” (quy định ở Điều 360 Bộ luật Hình sự 2017).

Nếu thấu hiểu sự bất cập của hệ thống văn bản pháp luật hiện hành và đặt nó trong bối cảnh hàng loạt quan chức phải vào tù vì tội danh này sẽ lý giải được vì sao cán bộ sợ trách nhiệm.

Muốn cán bộ không lâm vào trạng thái “sợ trách nhiệm”, muốn doanh nhân không mang tâm lý nơm nớp sợ thì không chỉ xử lý nghiêm minh những phần tử tham nhũng mà vấn đề cơ bản, cốt lõi mang tính quyết định là lấy cải cách hệ thống pháp luật làm nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách.

Khi hệ thống pháp luật khoa học, rạch ròi thì công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực mới căn cơ, hiệu quả, bền vững. Và cũng chỉ có như vậy mới phát huy được sự tự tin và tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu nhiệm của đội ngũ cán bộ các cấp; mới phát huy được nhiệt huyết của đội ngũ doanh nhân toàn tâm toàn ý tập trung vào sản xuất, kinh doanh tạo ra việc làm và sản phẩm cho xã hội. Đây là những vấn đề mang tính nền tảng để xây dựng quốc gia hùng cường, văn minh.

Tại phiên họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày 10/5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo kiểm tra làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, người đứng đầu trong xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách, pháp luật có nhiều sơ hở, bất cập để tổ chức, cá nhân lợi dụng trục lợi; kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, không để cài cắm “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” trong ban hành chính sách, pháp luật, gây thiệt hại cho Nhà nước và xã hội.

Nguyễn Huy Viện