Vừa qua, Vụ Pháp chế - Ủy ban Dân tộc đã hoàn thiện chuyên đề “Kỹ năng truyền thông dự thảo chính sách cho người dân vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, ven biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”.

Trong đó nhấn mạnh, truyền thông dự thảo chính sách đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của các đối tượng thụ hưởng, trong đó có người dân ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, ven biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn về các dự thảo chính sách, quyền và nghĩa vụ pháp lý của mình. Từ đó, người dân có ý thức hơn trong việc tham gia ý kiến, đóng góp, hiến kế hoặc kiến nghị, đề xuất với cơ quan soạn thảo, cơ quan có thẩm quyền các nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo xây dựng, ban hành các chính sách phù hợp với thực tiễn cuộc sống, tâm tư, nguyện vọng, văn hóa, tập quán tốt đẹp của các dân tộc để tạo ra nguồn lực lớn, sức mạnh tổng hợp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vùng miền trên phạm vi cả nước… đem lại kết quả phát triển bền vững cho cộng đồng, xóa đói giảm nghèo, góp phần ổn định xã hội.

Với đối tượng truyền thông là người dân tộc thiểu số, cần có cách tiếp cận cũng như phương pháp truyền thông dự thảo chính sách với những đặc thù riêng trên cơ sở tôn trọng, vận dụng và phát huy đa dạng văn hóa, tri thức bản địa và giá trị đặc sắc của từng tộc người. 

anh 13.jpg
Người dân tộc thiểu số thường cư trú không tập trung ở những nơi giao thông cách trở, trình độ học vấn không đồng đều, đời sống kinh tế còn khó khăn. 

“Truyền thông sẽ kém hiệu quả nếu không hiểu biết sâu sắc đối tượng, đặc biệt là đối với người dân tộc thiểu số, những người cư trú không tập trung ở những nơi giao thông cách trở, trình độ học vấn không đồng đều, đời sống kinh tế còn khó khăn, sở hữu nền văn hóa, tri thức bản địa phong phú, đa dạng”, Vụ Pháp chế nhận định.

Cũng theo nghiên cứu chuyên đề của Vụ Pháp chế, mặc dù đã có sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, song đến nay, khoảng cách hưởng thụ thông tin giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với các khu vực khác vẫn còn khá xa.

Các phương tiện truyền thông như báo in, phát thanh, truyền hình chưa đáp ứng được yêu cầu truyền thông, trong khi việc ứng dụng công nghệ thông tin chưa được tận dụng hiệu quả trong truyền thông…, thì việc triển khai các hoạt động truyền thông trực tiếp sẽ có ý nghĩa rất quan trọng.

Nghiên cứu của Vụ Pháp chế khuyến nghị: Để thực hiện truyền thông dự thảo chính sách trong đồng bào dân tộc thiểu số, cần lưu ý mỗi cộng đồng có truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán khác nhau. Ví dụ, vùng người Dao thì người truyền thông có uy tín thường là thầy cúng; ở vùng người H’Mông, người có uy tín thường là ông trưởng dòng họ; còn ở vùng người Khmer là nhà sư... 

Như vậy, người làm truyền thông cần tìm hiểu kỹ ở vùng đó, phong tục, tập quán, thông lệ như thế nào, và phải biết dựa vào dân chúng, phải chọn lựa đối tượng có uy tín thực sự để truyền tải thông điệp. 

Người làm truyền thông phải tìm hiểu kỹ về đối tượng truyền thông: Tên, tuổi, hoàn cảnh gia đình, học vấn, sở trường. Tiếng nói của họ ảnh hưởng đến đâu trong cộng đồng? Nếu họ biết chữ thì kết hợp với giới thiệu tài liệu, còn nếu đối tượng chưa biết chữ thì nên dùng hình ảnh trực quan sống động.

Buổi gặp đầu tiên hãy gợi chuyện, tạo cơ hội để người có uy tín thể hiện bản thân, những thành công, hiểu biết của họ. Người làm truyền thông cần có thái độ khiêm nhường, cầu thị từ cách xưng hô, ứng xử, hành vi, đề cao, trân trọng, học hỏi những tri thức của họ, tránh tỏ ra cái gì cũng biết, dạy khôn người khác. 

Đặc biệt cần tìm hiểu đặc điểm tâm lý dân tộc, ví dụ người H’Mông rất thẳng tính, bộc trực nhưng với người Dao lại phải nói khéo. Thường thì thông điệp dễ được người dân tộc thiểu số đón nhận khi nó liên quan trực tiếp đến quyền lợi của bản thân họ hoặc có tác động đến văn hóa, tập quán truyền thống của họ. Người làm truyền thông cần phân tích cho họ tự nhận thấy, làm việc đó đem lại quyền lợi cho cá nhân và cho chính cộng đồng mình.

Truyền thông chính sách có hiệu quả sẽ giúp người dân có ý thức hơn trong việc tham gia ý kiến, đóng góp, hiến kế hoặc kiến nghị, đề xuất với cơ quan soạn thảo, cơ quan có thẩm quyền để ban hành các chính sách phù hợp với thực tiễn cuộc sống, tâm tư, nguyện vọng, văn hóa, tập quán tốt đẹp của các dân tộc, qua đó đảm bảo tính khả thi, hiệu lực, hiệu quả của chính sách.

Bình Minh và nhóm PV, BTV