Nhận diện những vấn đề nổi cộm

“Trong những năm gần đây, công tác báo chí đã có thành tựu rất lớn trong hoạt động truyền thông chính sách, từ chính sách ở tầm vĩ mô cho đến những chính sách ở mức độ thấp hơn. Đã có sự chuyển biến rất lớn về nhận thức của các cơ quan báo chí, của các nhà báo trong vai trò, sứ mệnh với truyền thông chính sách”, bà Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam nhìn nhận. 

Nhiều chương trình, dự án nâng cao năng lực của báo chí trong truyền thông chính sách đã phối hợp với các cơ quan báo chí để tổ chức các hội thảo và sau đó in những cuốn tài liệu để tác động vào việc nâng cao kiến thức, năng lực truyền thông chính sách của lực lượng báo chí. Từ đó tạo ra cách nhìn, phương thức hành động một cách bài bản, góp phần giúp hoạt động truyền thông chính sách những năm gần đây đã có những bước tiến mới.

anh 15.jpg
Cơ quan báo chí đã và đang phát huy vai trò chủ công trong truyền thông chính sách. Ảnh: B.M

Cơ quan báo chí đã và đang phát huy vai trò chủ công trong truyền thông chính sách, từ hoạch định, thực thi cho đến đánh giá những tác động của chính sách nhằm xây dựng đồng thuận xã hội, tạo sự ổn định chính trị để phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội.

Tuy nhiên, đại diện Hội Nhà báo Việt Nam cũng nêu rõ thực trạng vẫn còn một số vấn đề đặt ra cần giải quyết đối với hoạt động truyền thông chính sách của báo chí.

Đáng chú ý là chưa có tính nhất quán và tính hệ thống của các cơ quan báo chí trong truyền thông chính sách. “Các cơ quan báo chí cũng rất nỗ lực trong truyền thông chính sách, nhưng sự nhất quán trong hệ thống các cơ quan báo chí trong nước và báo chí đối ngoại - truyền thông quốc tế không phải khi nào cũng nhất quán (trừ các chương trình truyền thông lớn - mà số lượng các chương trình truyền thông lớn này thì không nhiều). Sự phối hợp thống nhất về mục tiêu, đối tượng, nội dung, các loại hình, nền tảng chưa thể hiện rõ”, bà Hằng phân tích.

Sự thiếu nhất quán về thông điệp chỉ đạo còn là vấn đề nổi cộm tại các cơ quan chủ thể của chính sách, thường là các bộ, ngành và địa phương khi làm truyền thông chính sách. Việc những thông điệp chủ đạo chưa được xác định rõ ràng, cùng với sự phối hợp chưa đồng đều đã khiến sự hiểu biết lẫn nhau giữa người ra chính sách và người thực thi chưa được nhuần nhuyễn ăn ý, từ đó dẫn tới những thiếu sót trong hoạt động thông tin báo chí. 

Một vấn đề cần lưu ý nữa, theo bà Hằng, là vẫn chưa có sự đổi mới mạnh mẽ trong sáng tạo nội dung, tổ chức sản xuất nhằm có các dòng sản phẩm báo chí truyền thông chính sách hấp dẫn. Thông điệp truyền thông chính sách nhiều khi còn khô cứng, thiếu hấp dẫn.

Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do nguồn lực truyền thông chính sách và quản lý truyền thông chính sách của cơ quan báo chí còn thiếu và yếu. Tỷ lệ nhân lực sử dụng thực thi báo chí đa loại hình, đa nền tảng còn mỏng. Nền tảng số và công cụ số ở các cơ quan báo chí bộ ngành và địa phương về cơ bản chưa nhiều. Dù rất nỗ lực, chuyển đổi số, công nghệ, công tác dữ liệu ở các cơ quan báo chí chưa đồng bộ và tỷ lệ cơ quan báo chí đạt yêu cầu còn chưa cao.

Cần tăng hiệu quả truyền tải thông điệp truyền thông chính sách tới công chúng

Để khắc phục hiện trạng nêu trên, bà Hằng đề xuất, cần phải có nhận thức thật rõ ràng và nhất quán giữa tất cả các bên, giữa những người lãnh đạo và người làm công tác báo chí truyền thông đến các chủ thể của chính sách, đảm bảo thông điệp truyền thông chính sách phải được truyền tải đến công chúng chính xác, rõ ràng, toàn diện, đa chiều, có những cơ chế để lắng nghe ý kiến phản hồi và thúc đẩy việc giám sát, toàn diện chính sách một cách tích cực. 

Về mô hình truyền thông chính sách, đại diện Hội Nhà báo Việt Nam khuyến nghị, cần sớm có đề tài nghiên cứu cấp bộ và cấp Nhà nước để xây dựng mô hình truyền thông chính sách trong bối cảnh chuyển đổi số, trong đó nhất thiết phải chỉ rõ lực lượng truyền thông chính sách ở các cơ quan báo chí và các phương tiện truyền thông khác, lực lượng quản lý, giám sát và đánh giá truyền thông chính sách từ Trung ương đến địa phương.

“Hiện tại, công chúng, đặc biệt là công chúng trẻ ít tiếp cận thông tin về chính sách trên báo chí. Nghiên cứu của Nguyễn Đống Anh (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) tháng 9/2022 cho thấy: Trên 80% công chúng thế hệ Z không đọc báo in và không nghe radio. Trên 45% công chúng trẻ thông qua mạng xã hội mới tiếp cận với báo mạng điện tử. Trong khi các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới thì thay đổi thuật toán để giảm ở mức cao nhất sự hiển thị của nội dung báo chí, thì tỷ lệ công chúng, đặc biệt là công chúng trẻ có tỷ lệ tiếp cận thông điệp truyền thông chính sách là rất thấp”, bà Hằng làm rõ hơn lý do cần phải xây dựng mô hình truyền thông chính sách trong bối cảnh chuyển đổi số.