Ảnh: Hải quân Mỹ/BBC

Cỗ máy có thể làm những việc phi thường này là Hệ thống trục vớt đại dương sâu (FADOSS) của hải quân Mỹ. Hiện, hệ thống này đang hiện diện ở St John, Canada và đợi một robot điều khiển từ xa (ROV) khả dụng để có thể triển khai tới khu vực tìm kiếm. Nó được thiết kế để trục vớt các vật thể lớn, cồng kềnh và nặng dưới đáy biển như một máy bay hoặc một tàu nhỏ.

Trang WarZone dẫn lời một quan chức hải quân Mỹ cho biết, FADOSS hoạt động bằng cách gắn vào boong một con tàu rồi buộc một đầu dây kia vào một robot điều khiển từ xa, robot này sẽ lặn xuống biển. 

FADOSS đủ mạnh để nhấc vật thể nặng tới 27.000kg và xuống sâu tới 6.096m dưới biển. Lần trục vớt ở khu vực sâu nhất mà FADOSS từng thực hiện là 6.019,8m, trong khi đó, xác tàu Titanic nằm ở độ sâu 3.800m và tàu lặn Titan nặng khoảng 10.432kg.

Ngoài FADOSS, còn nhiều máy bay và tàu hiện đại được triển khai để tìm kiếm và cứu hộ tàu lặn Titan. Đó là máy bay trinh sát P-3, có khả năng phát hiện tiếng động dưới nước, có camera hồng ngoại và quang điện tầm xa, radar hình ảnh đặc biệt. 

Robot không người lái Victor 6000. Ảnh: BBC

Robot không người lái của Pháp Victor 6000, có thể lặn sâu tới 6.000m. Nó có các cánh tay được điều khiển từ xa để cắt dây cáp hoặc giúp giải phóng một con tàu bị kẹt. Tuy nhiên, nó không có khả năng tự nâng tàu lặn.

Tàu lặn Titan, do công ty OceanGate vận hành, mất tích ngày 18/6 ở ngoài khơi bờ biển Canada. Tàu lặn chở 5 người đi tham quan xác tàu Titanic, mất liên lạc với tàu mẹ sau khi lặn được 1h45 phút. Hiện, các đội tìm kiếm và cứu hộ của Mỹ và Canada vẫn đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm tàu mất tích.