“Việt Nam cần chấp nhận mạo hiểm, rủi ro và sẵn sàng vượt qua kì vọng trong một thế giới chuyển đổi vô cùng nhanh chóng”, Tiến sỹ David Bray, người được Business Insider bầu chọn là "Top 24 người Mỹ dưới 40 tuổi đang làm thay đổi thế giới" khẳng định. Tuần Việt Nam giới thiệu góc nhìn của Tiến sỹ. 

Năm 1977, khi tàu vũ trụ Voyager I được phóng đi, lúc này có 4,2 tỷ người sống trên trái đất. GDP toàn cầu khi đó 7,2 nghìn tỷ USD. Máy tính Apple II được bán vào năm đó. 

Đến năm 1990, Voyager I đã di chuyển được 3,7 tỷ dặm. Lúc này, có 5,3 tỷ người sống trên trái đất, GDP toàn cầu là 22 nghìn tỷ USD. Windows 3.0 được phát hành. 

Đến năm 2013, hơn 850 triệu máy chủ web trực tuyến 7,1 tỷ người sống trên trái đất, GDP toàn cầu là 75 nghìn tỷ USD, có 7 tỷ thiết bị mạng trên toàn cầu. Dự tính đến năm 2025, sẽ có hơn 100 tỷ thiết bị mạng với 8 tỷ người trên trái đất. 

{keywords}
Tiến sỹ David Bray: 'Việt Nam cần chấp nhận mạo hiểm’

Những số liệu trên cho thấy thế giới thay đổi theo cấp số nhân một cách chóng mặt. Vậy có bao nhiêu người muốn trở thành những nhà lãnh đạo sáng tạo cho tương lai với sự thay đổi theo cấp số nhân đó? Người lãnh đạo sáng tạo tương lai cần phải vượt qua sự kì vọng của mình. Nếu chỉ đáp ứng sự kì vọng thì mới ở mức độ quản lí và như vậy ta sẽ bị thụt lùi. Do vậy, Việt Nam cần chấp nhận mạo hiểm, rủi ro và sẵn sàng vượt qua kì vọng. Việt Nam có thể có những nhà lãnh đạo tốt vì Việt Nam có những lợi thế về địa lí, mối quan hệ, con người... 

Nước Mỹ năm 1969 chỉ có 6 máy tính kết nối với nhau, nhưng đến năm 1982 đã kết nối nhiều hơn và đến năm 1993 nước Mỹ đã kết nối Internet với Châu Âu và đến nay là sự kết nối toàn cầu. Nói vậy để thấy, khoảng cách xa xôi về mặt địa lí đã không còn nhiều ý nghĩa nữa, chúng ta có thể kết nối khắp mọi nơi trên thế giới với Internet of things (Internet vạn vật). 

Việt Nam hiện nay cũng đang có những đầu tư vào trung tâm đổi mới sáng tạo để thu hút doanh nhân. Việt Nam có thể kết nối với các trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu trên thế giới bằng Internet, cung cấp, chia sẻ thông tin cho thế giới biết đến Việt Nam như một trung tâm đổi mới sáng tạo để thu hút được các doanh nhân trên thế giới đến Việt Nam đầu tư và làm việc. 

Hãy nghĩ về các thiết bị, dữ liệu, quyết định công nghệ. Các luồng dữ liệu được tổng hợp từ các thiết bị qua kết nối 4G/5G, wi-fi hay vệ tinh. Việt Nam có thể dẫn đầu trong việc thiết kế sản xuất thiết bị để kết nối với nhà, đường xá, xe hơi...tất cả mọi thứ với nhau vào 15 năm tới từ đó tạo nền tảng cho nông thôn thông minh, đô thị thông minh. Việt Nam cần dẫn đầu trong các cảm biến về Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, phân bổ nguồn lực, số hoá. 

Để làm được những việc đó cần bắt đầu từ việc tạo ra những thiết bị để kết nối đất nước mình với các trung tâm công nghệ khác trên thế giới như SIlicon Valley đã và đang hợp tác với Việt Nam. Từ đó, Việt Nam có thể sử dụng những công nghệ đó để đưa ra những quyết định thông minh hơn. Hiện nay, chúng ta cần có những máy học để hỗ trợ chúng ta đưa ra những quyết định trong tương lai thông minh hơn thúc đẩy nông thôn thông minh, thành phố thông minh hơn. 

Ba vấn đề tiếp theo lãnh đạo sáng tạo tương lai cần quan tâm là giáo dục, các cuộc thử nghiệm, trao quyền đầu tư. Trao quyền đầu tư vượt ngoài tinh thần khởi nghiệp, tham gia vào nỗ lực lấy con người làm trung tâm cho phép mở rộng cộng đồng nông thôn và thành thị. Giáo dục là quan trọng. Tôi ấn tượng Việt Nam có nền toán học khá mạnh trên thế giới. 

Chính phủ cũng cần khuyến khích để mỗi công dân Việt Nam nhìn nhận mình như những doanh nhân, có ý tưởng sáng tạo và nuôi dưỡng nó. Giáo dục tinh thần doanh nhân để xây dựng tương lai và khuyến khích mọi người thử nghiệm. Thúc đẩy những điều mới lạ và cùng nhau hợp tác. Chính phủ Việt Nam cần tạo điều kiện để có start up nhỏ, các dự án nhỏ, quan tâm đến các khu vực kinh tế tư nhân. Có nhiều cách khác nhau để thử nghiệm. Chúng ta có thể tham khảo các chương trình công dân ở Estonia, Pháp, khuyến khích doanh nhân thế giới tham gia với Việt Nam. 

Tiếp nữa, lãnh đạo cần tập trung là sức mạnh của sự đa dạng, thế biệt lập và hệ sinh thái. Chính phủ cần đưa ra mục tiêu chung ngay từ đầu, xác định mục đích chung là kết nối giữa chính phủ và khu vực tư nhân để đưa ra những mục tiêu chung sẽ đem lại lợi ích lớn nhất và tạo ra sự đa dạng. Nếu không có mục tiêu chung thì mọi thứ sẽ bị tán loạn. 

Khi sự kiện khủng bố ngày 11/09 diễn ra ở Mỹ, chúng tôi đã báo cáo với FDI về sự kiện này và xem xét làm gì để ứng phó với nó về mặt công nghệ. Chúng ta không thể giải quyết công việc từ trên xuống dưới, như vậy tiến độ sẽ rất chậm mà cần có những chuyên gia, những nhà chuyên môn trong lĩnh vực này tham gia. Do vậy, chính phủ cần suy nghĩ đâu là những yếu tố, động cơ để khuyến khích đưa ra thúc đẩy mọi người cùng đồng hành với mình, cùng tiếp cận hệ sinh thái để đi với nhau trong tương lai. 

Làm thế nào để các doanh nhân thế giới trở thành đối tác Việt Nam? Một trong những giải pháp đó là các bạn có thể sử dụng Internet of things (Internet vạn vật) để kết nối với các trung tâm thông tin, nghiên cứu trên thế giới như Boston, Silicon Valley hoặc các trung tâm sáng tạo khác. 

Giải pháp Internet of thing sẽ giúp Việt Nam tạo ra môi trường làm việc với các trung tâm đổi mới sáng tạo trên thế giới một cách gần gũi, rút ngắn được khoảng cách địa lí. Các phương tiện kết nối như video, wi-fi sẽ hỗ trợ chúng ta được kết nối trực tiếp với nhau. Đồng thời, tạo ra các chuyến bay thẳng từ các Hub sáng tạo thế giới đến Việt Nam để dễ dàng kết nối hơn. 

Biểu tượng của Việt Nam là cây tre, vừa mạnh mẽ, dẻo dai có sức bật. Những cây tre này cũng như người Việt Nam sẽ mạnh hơn để trụ được giông bão bằng cách tăng sức bật của mình. 

Cuối cùng, bám sát mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc. Các ngành điện, nước sẽ phát triển bền vững nếu phát triển công nghiệp Internet vạn vật.

Chính ngành công nghiệp Internet vạn vật sẽ là đòn bẩy cho kinh tế, và Việt Nam cần nắm bắt lấy vận hội này. 

Lan Anh ghi 

Tiến sỹ David Bray trình bày tại Hội thảo Chiến lược dẫn đầu trong chuyển đổi số và cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tại CEO Summit 2019 ngày 8/8/2019 tại Hà Nội.