Lời tòa soạn: VietNamNet đã đăng tải 6 bài phản ánh thực trạng một số công trình thể thao-văn hóa có mức đầu tư lớn nhưng hoạt động kém hiệu quả, hoặc tận dụng lồng ghép dịch vụ manh mún. Cơ quan quản lý, chủ quản, các chuyên gia, ĐBQH cũng bày tỏ các ý kiến, giải pháp để xử lý thực trạng này.

Để kết lại, chúng tôi đăng tải diễn đàn với ý kiến đa chiều từ các ĐBQH, chuyên gia xã hội, luật sư như một kênh cung cấp thêm các giải pháp để các công trình nghìn tỷ phát huy giá trị đầu tư, duy trì hoạt động hiệu quả phục vụ cho các sự kiện lớn của đất nước.

Giám sát kịp thời, sân vận động Mỹ Đình sẽ không nợ thuế 800 tỷ

Trao đổi với PV VietNamNet, đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ cho rằng, nguyên nhân xuống cấp của các công trình văn hoá nghìn tỷ, trong đó có Sân vận động Mỹ Đình là do công tác quản lý yếu kém của những người làm việc trực tiếp và của cơ quan chủ quản.

“Nếu hàng năm Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch kiểm tra, giám sát kịp thời, thì đâu có chuyện sân vận động Mỹ Đình nợ thuế tới hơn 800 tỷ đồng và đã bị cưỡng chế hoá đơn, phong tỏa tài sản dẫn đến khó khăn về nguồn thu”, đại biểu Trương Xuân Cừ nói.

Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình với thảm cỏ xơ xác, khung thành bật rời giữa trận đấu gây nên hình ảnh xấu xí trong mắt các đội bóng nước ngoài.   

Theo ông Trương Xuân Cừ, những tồn tại của Sân vận động Mỹ Đình không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng chuyên môn thi đấu của các cầu thủ trên sân, mà nó còn tác động tới bộ mặt xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của quốc gia.

Ông Trương Xuân Cừ cho rằng, cách vận hành các thiết chế văn hoá (sân vận động, rạp chiếu phim, bảo tàng…) hiện nay còn cồng kềnh, cứng nhắc, thậm chí hay dựa dẫm vào ‘bầu ngân sách’ nên không năng động, không bán được vé. Điều đó dẫn đến không có nguồn thu để duy tu các hạng mục xuống cấp.

“Hãy nhìn chất lượng mặt Sân vận động Mỹ Đình với Hàng Đẫy sẽ thấy khác nhau một trời một vực. So sánh như vậy để thấy được chất lượng quản lý, đầu tư khác nhau như thế nào giữa tư nhân vào doanh nghiệp nhà nước”, đại biểu Trương Xuân Cừ nói thêm.

Đồng ý với hình thức hợp tác công tư để quản lý các công trình nghìn tỷ một cách hiệu quả hơn, nhưng đại biểu Trương Xuân Cừ lưu ý không nên ‘khoán trắng’ cho doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Theo ông, phải có trách nhiệm của nhà nước trong việc phối hợp quản lý.

Luật sư Nguyễn Đức Mạnh, Công ty Luật TNHH Bizlink

Luật sư Nguyễn Đức Mạnh

Nhìn những công trình như sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, tôi thấy rằng nếu mỗi năm chỉ tổ chức một vài trận bóng của đội tuyển quốc gia, còn lại không hoạt động là rất lãng phí, không hiệu quả. Cho nên, sân bóng này hoàn toàn có thể kết hợp tổ chức các hoạt động khác như du lịch tham quan, sự kiện âm nhạc ngoài trời… miễn là không ảnh hưởng đến các hoạt động thể thao chính. Còn cứ giao cho đơn vị sự nghiệp nhà nước quản lý như hiện nay, thì rất bất cập. Hình ảnh không đẹp, xuống cấp nghiêm trọng của sân Mỹ Đình trong các trận bóng giải AFF CUP vừa qua còn liên quan đến thể diện quốc gia.

Cho nên, những tài sản công như sân bóng Mỹ Đình hoàn toàn có thể khoán cho tư nhân quản lý khai thác cả sân bóng hay khai thác từng hạng mục. Vừa rồi tôi có đọc bài báo trên VietNamNet về quản lý sân bóng ở Singapore, chúng ta hoàn toàn có thể làm theo.

Như vậy, cần thiết thay đổi cơ chế quản lý tài sản công là các công trình thể thao, văn hóa để vừa nâng cao chất lượng công trình, vừa khai thác hiệu quả. Đó là những công trình hoàn toàn có thể “đẻ ra trứng vàng”, thay vì để lãng phí, xuống cấp như hiện nay. Điều này cũng góp phần ngăn chặn được tình trạng cho thuê sai quy định, hoặc cho thuê nhưng tiền chảy đi đâu không biết.

Chủ trương của Nhà nước đưa ra lâu nay là “cái gì tư nhân làm được thì để tư nhân làm”, còn Nhà nước chỉ tập trung vào vấn đề quản lý. Nhà nước nên tạo ra hành lang pháp lý tốt, cơ chế tốt và giám sát việc vận hành, thay vì trực tiếp tham gia vào hoạt động đó.

Tôi cho rằng cần phải có hợp tác công – tư trong việc khai thác tài sản công này. Nếu chỉ áp dụng cơ chế quản lý nhà nước như hiện nay sẽ không phù hợp.

PGS.TS Đỗ Đức Định, chuyên gia Khoa học Xã hội 

PGS.TS Đỗ Đức Định

Nhìn hình ảnh những công trình như Bảo tàng Hà Nội vắng hoe, hay sân vận động quốc gia Mỹ Đình xuống cấp tôi thấy rất xót xa. Chúng ta đã bỏ hàng nghìn tỷ để xây dựng những công trình ấy, giờ chưa phát huy được hiệu quả là điều rất bất cập, quá lãng phí. Bảo tàng Hà Nội và nhiều bảo tàng khác hoàn toàn có thể hợp tác với tư nhân để khai thác, quản lý.

Trong một nền kinh tế thị trường, Nhà nước chỉ trực tiếp đóng vai trò trong một số lĩnh vực như an sinh xã hội, giáo dục, y tế, xây dựng một số công trình đặc biệt cho toàn xã hội. Những lĩnh vực khác tư nhân hoàn toàn có thể làm được thì cho phép tư nhân làm, đóng thuế cho ngân sách. Còn các công trình thể thao, văn hóa như hiện nay, ngoài việc Nhà nước đã bỏ tiền ra xây dựng, thì tại nhiều công trình ngân sách lại mất thêm tiền để trả lương cho người lao động, duy tu, bảo dưỡng.

Trong bối cảnh cần giảm lượng người hưởng lương từ ngân sách, thì việc có cơ chế để tư nhân vào khai thác, quản lý các công trình này là cần thiết. Họ có thể nộp thêm tiền vào cho ngân sách thay vì ngân sách phải bỏ ra không ít như hiện nay. Tiền ngân sách còn phải để dành cho những việc công ích xã hội, tăng lương cho cán bộ Nhà nước, những công trình dự án quan trọng cho xã hội.

Gắn trách nhiệm của người quản lý

Nguyên Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An cho rằng, tình trạng ‘cha chung không ai khóc’ tồn tại từ rất lâu ở các công trình văn hoá nghìn tỷ nên mới dẫn đến tình trạng xuống cấp, hoạt động phập phù, không hấp dẫn người dân.

“Cơ chế quản lý không rõ ràng, chưa gắn với quyền lợi và trách nhiệm của người lao động. Do vậy, mà khi sân vận động Mỹ Đình xuống cấp cũng chả ai quan tâm để báo cáo cơ quan chức năng tìm biện pháp giải quyết kịp thời”, bà Bùi Thị An nói.

Do vậy, theo bà Bùi Thị An, thời gian tới, cơ quan chủ quản của sân vận động Mỹ Đình hay bất cứ thiết chế văn hoá nào khác phải đưa ra quy chế hoạt động rõ ràng. Cụ thể đó là chính sách khen thưởng kịp thời, động viên những người làm tốt công việc của mình. Cùng với đó, cũng phải xử lý nghiêm những người làm chưa tốt, để ảnh hưởng đến chất lượng công trình.

Ủng hộ chính sách công tư trong vận hành, quản lý các thiết chế văn hoá, nhưng bà Bùi Thị An lo ngại hình thức này sẽ bị biến tướng như ở các bệnh viện trong thời gian vừa qua.

“Hợp tác công tư là tốt, nhưng phải có phương thức, quy chế quản lý rõ ràng. Làm sao để đảm bảo hài hoà lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân vẫn phải được hưởng thụ giá trị mà những công trình văn hoá đem lại”, bà Bùi Thị An nói thêm.