Trong kế hoạch chăm lo Tết 2024, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam giao công đoàn cơ sở giám sát việc chi trả các chế độ lương, thưởng Tết cũng như thời gian làm việc, nghỉ ngơi, tăng ca hợp lý cho người lao động.

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm nay kéo dài từ ngày 29 tháng Chạp Quý Mão đến hết mùng 5 tháng giêng Giáp Thìn (ngày 8/2-14/2/2024). Do vậy, theo kiến nghị của công đoàn, doanh nghiệp cần công khai kế hoạch thưởng Tết chậm nhất trước ngày 19/1/2024.

Theo ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, thưởng Tết không phải là quy định bắt buộc trong Bộ luật Lao động. Nhưng với người lao động, dù khó khăn bao nhiêu thì vẫn mong ngóng tiền thưởng Tết. Thưởng Tết ngoài giá trị vật chất, còn động viên tinh thần lớn của người lao động.

Ông Hiểu cho rằng, doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội cao luôn coi thưởng Tết cách giữ chân người lao động, tăng năng suất làm việc. 

pouyuen viet nam.jpeg
Ảnh minh hoạ

Dự báo từ nay đến đầu năm 2024, tình hình kinh tế xã hội còn nhiều thách thức, ảnh hưởng đến tiền lương, thu nhập của lao động. Vì vậy, nếu thưởng Tết không đạt được như kỳ vọng, người lao động cũng cần chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, bởi mục tiêu của quan hệ lao động là hài hòa, tiến bộ.

Tổng liên đoàn lao động cũng giao cấp cơ sở phân loại mức độ khó khăn của doanh nghiệp để lựa chọn hình thức thương lượng phù hợp, đảm bảo quyền lợi cho lao động. 

Với lao động khó khăn, công đoàn trích kinh phí hỗ trợ 500.000 đồng mỗi người, số lượng không quá 10% đoàn viên đơn vị quản lý. Những nơi huy động được nguồn xã hội hóa, mức tiền và số lượng hỗ trợ có thể cao hơn quy định. Lao động xa quê, diện khó khăn được hỗ trợ vé máy bay, tàu xe miễn phí để về ăn Tết.