Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia đã hoàn thành nội dung, kế hoạch giám sát và có báo cáo gửi Quốc hội tại Kỳ họp thứ sáu (Quốc hội khóa XV). Theo đó, đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tính đến ngày 30/6, cả nước có 6.022/8.177 xã (73,65%) đạt chuẩn nông thôn mới, 1.331 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 176 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có 263/644 đơn vị cấp huyện (40,8%) được công nhận hoàn thành nhiệm vụ, đạt chuẩn nông thôn mới; 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có 5 tỉnh hoàn thành chương trình nông thôn mới.

anh moi.jpg
Việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia góp phần thay đổi cuộc sống người dân vùng nông thôn. Ảnh: T.Q

Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,17% và ước thực hiện năm 2023 giảm 1,1%, tỷ lệ giảm nghèo dân tộc thiểu số giảm hơn 3%, đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết 24 của Quốc hội đã đề ra. 

Đánh giá về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Đoàn giám sát cho biết, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số năm 2022 giảm 3,4%, đạt và vượt kế hoạch; nhiều chỉ tiêu về hạ tầng, kinh tế-xã hội khác cơ bản đều đạt so với mục tiêu của chương trình. 

Có được những kết quả này là sự nỗ lực rất lớn của các bộ ngành, địa phương, trong đó có việc đẩy mạnh thông tin tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận trong người dân.

Thực tế trong thời gian qua, công tác truyền thông về các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là chương trình xây dựng nông thôn mới được các địa phương chú trọng thực hiện một cách bài bản, đa dạng, phong phú, đổi mới hơn cả về nội dung lẫn hình thức. Hầu hết các cơ quan truyền thông, từ phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử từ Trung ương đến địa phương đều mở chuyên trang, chuyên mục về nông thôn mới. Nhiều chuyên mục tiếp tục chú trọng tìm kiếm, khai thác “chất liệu mới”, đi sâu vào khai thác “tính mới”.

Ngoài tuyên truyền qua các hội nghị, hội thảo, công tác truyền thông còn được tổ chức dưới các hình thức khác nhau, như: tổ chức các hội chợ, triển lãm, các lớp tập huấn, bồi dưỡng, phát động các phong trào thi đua, các cuộc thi văn nghệ, sáng tác thơ ca, ca khúc, truyện, kịch…

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các tấm gương điển hình, sáng kiến hay, mô hình giảm nghèo tiêu biểu nhằm tạo sự lan tỏa trong toàn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo bền vững. Qua đó đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của đồng bào dân tộc thiểu số trong việc tham gia thực hiện chương trình, tự lực phấn đấu vươn lên bên cạnh sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và cộng đồng.

Chia sẻ vấn đề truyền thông chính sách về nông nghiệp, nông thôn, nông dân, nhiều phóng viên cho rằng đây là mảng đề tài rất rộng, viết không khó, song muốn có tác phẩm báo chí chất lượng lại không dễ, nhất là trong thời đại công nghiệp 4.0, đòi hỏi phóng viên luôn chủ động học hỏi, “lăn xả” với ngành, các địa phương và người sản xuất để có nguồn thông tin đa dạng, phong phú.

Trong thời đại công nghiệp 4.0, nông dân có nhiều cách tiếp cận, chính vì vậy, các tác phẩm báo chí phải sinh động, hấp dẫn, nhiều hình ảnh ở những góc độ khác nhau, có những clip minh họa dễ hiểu, dễ hình dung. Nội dung tuyên truyền chú trọng cập nhật, phổ biến các mô hình, các điển hình tiên tiến, sáng kiến và kinh nghiệm hay về nông nghiệp, nông thôn, nông dân để nhân ra diện rộng.

Các chuyên gia cho rằng, người dân, nhất là người nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần được tiếp cận thông tin một cách đầy đủ đối với quyền lợi, nghĩa vụ của mình để các chương trình mục tiêu quốc gia đạt hiệu quả cao, hỗ trợ đúng người, đúng đối tượng, phù hợp với điều kiện đặc thù vùng miền.

Do đó, trong thời gian tới các địa phương cần phải tập trung chỉ đạo nhiều hơn nữa công tác tuyên truyền đến tận người dân, nhất là người nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bởi khi người dân nắm được, hiểu được và đồng tình với các chủ trương chính sách thì tâm lý trông chờ, ỷ lại sẽ ít đi và hiệu quả mang lại thực sự bền vững, lâu dài.

Tiến Quang