Các vụ cháy chùa gây thiệt hại nghiêm trọng
Ngày 23/10, vụ cháy chùa Phổ Quang (xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) khiến nhiều người xót xa. Ngọn lửa đã thiêu rụi ngôi chùa có niên đại 800 năm, là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Theo thống kê ban đầu về thiệt hại vụ cháy, toàn bộ phần gỗ, mái ngói âm, hệ thống điện bị cháy hỏng, các pho tượng bằng đất và bằng gỗ trong ngôi Tam Bảo bị nhiệt tác động làm hư hại. Tổng giá trị vật chất thiệt hại sơ bộ khoảng 25 tỷ đồng.
Đặc biệt, bảo vật quốc gia của chùa Phổ Quang - bệ đá hoa sen mang đậm phong cách nghệ thuật thời Lý - Trần, qua quan sát cho thấy bị vỡ cánh hoa sen.
Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) hiện nay đang phối hợp với Công an tỉnh Phú Thọ khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ cháy chùa Phổ Quang.
Trong năm nay cũng đã xảy ra một số vụ cháy chùa khiến dư luận đặc biệt quan tâm.
Điển hình như chiều 22/9, xảy ra vụ cháy chùa Vạn Phật (tại phường Hoa Lư, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai). Theo UBND phường Hoa Lư, vụ cháy đã thiêu rụi nhiều gian phòng với các tài sản có giá trị tại chùa Vạn Phật. Ước tính thiệt hại khoảng 6 tỷ đồng.
Theo nhận định ban đầu của cơ quan chức năng, vụ cháy có khả năng do chập điện ở khu vực nhà kho rồi cháy lan sang các phòng khác.
Đêm 23/6, chùa cổ Thuyền Lâm (TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) cũng bất ngờ bốc cháy dữ dội. Vụ cháy không gây thiệt hại về người, nhưng phần chính điện rộng 200m2 của chùa bị lửa thiêu rụi. Thông tin ban đầu, vụ cháy có thể do chập điện.
Trước đó, ngày 20/1, khu vực giảng đường thuộc chùa Phật Quang (xã Thanh Phong, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) cũng xảy ra cháy. Diện tích bị cháy khoảng 200m2, chất cháy chủ yếu là đồ gỗ, giấy, nến ở khu vực tụng kinh và bàn ghế nhựa.
Theo ông Nguyễn Văn Khương, Chủ tịch UBND xã Thanh Phong, nguyên nhân vụ cháy bước đầu được xác định là do chập điện; mức độ thiệt hại ước tính khoảng 500-600 triệu đồng.
Các biện pháp phòng cháy
Sau các vụ cháy chùa, nhiều người cho rằng cần phải tăng cường hơn nữa công tác phòng cháy chữa cháy tại những cơ sở chùa chiền.
Trong đó, cần đặc biệt lưu tâm tới nguy cơ cháy cho chập điện. Việc thắp hương quá nhiều, hóa vàng mã khối lượng lớn... cũng dẫn tới nguy cơ cháy rất cao. Trong khi đó, vật liệu xây dựng, đồ đạc chính tại các ngôi chùa là gỗ, dễ bắt lửa và bị thiêu rụi khi hỏa hoạn xảy ra.
Theo tài liệu tuyên truyền của Cục Cảnh sát PCCC & CNCH (Bộ Công an), các biện pháp phòng cháy điện bao gồm:
Tính toán, thiết kế, thi công lắp đặt hệ thống điện bảo đảm tiêu chuẩn và các yêu cầu kỹ thuật. Lựa chọn dây dẫn điện có tiết diện phù hợp với khả năng chịu tải của thiết bị tiêu thụ điện; lựa chọn dây dẫn có chất lượng cao khi đi ngầm trong tường; lựa chọn dây dẫn, thiết bị điện có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Các mối nối dây dẫn điện phải đảm bảo đúng kỹ thuật (nối so le và được quấn băng cách điện).
Không câu móc, đấu nối điện tùy tiện; không luồn dây điện qua mái lá, mái tôn; không cắm dây dẫn trực tiếp vào ổ cắm. Thường xuyên kiểm tra, phát hiện, sửa chữa thay thế thiết bị điện và mạng điện hư hỏng.
Không sử dụng nhiều thiết bị điện có công suất lớn vào cùng một ổ cắm. Không nên sạc điện các thiết bị qua đêm. Khi đi ngủ, hoặc vắng mặt cần tắt các thiết bị điện không cần thiết.
Không lắp đặt thêm các thiết bị tiêu thụ điện nếu không xác định rõ dây dẫn có chịu tải được hay không. Không để các vật liệu dễ cháy phủ lên các mối nối trên dây dẫn điện hoặc phủ lên ổ cắm điện, cầu dao điện…
Khi xảy ra cháy hệ thống điện hoặc trong khu vực có điện phải bằng mọi cách cắt nguồn cấp điện để tránh chập cháy sang các khu vực xung quanh.
Ngoài ra, theo Cục Cảnh sát PCCC & CNCH, đối với nơi thắp hương thờ cúng, cần quản lý và sử dụng an toàn nguồn lửa, nguồn nhiệt, hệ thống điện và thiết bị điện; sắp xếp đồ vật gọn gàng, tránh gây cháy lan.