Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH Thái Bình, giai đoạn 2020-2022, địa phương này có trên 85.000 trường hợp thu gom cầm cố, mua bán sổ BHXH, trong đó có người gom đến 227 sổ.
Tại nhiều địa phương có khu công nghiệp lớn, tập trung đông lao động như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… công nhân rao bán sổ bảo hiểm dưới hình thức ủy quyền, cam kết không đi làm và nếu hủy kèo rút lại sổ sẽ phải đền tiền gấp đôi. Giá thu gom, mua bán, cầm cố sổ BHXH chỉ bằng 30-50% so với giá trị được thanh toán BHXH một lần.
Báo cáo của các địa phương gửi Bộ LĐ-TB&XH cũng nói rõ, thực tế hiện nay có tình trạng thu gom mua bán, cầm cố sổ BHXH với giá thấp hơn rất nhiều so với giá trị được thanh toán BHXH một lần, dưới hình thức ủy quyền làm thủ tục đề nghị giải quyết hưởng BHXH một lần, dẫn đến quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng, đã phát sinh tranh chấp dân sự, khiếu nại, tố cáo trong việc cho vay, cầm cố…
Tình trạng này kéo dài khiến lao động mất quyền lợi, dễ sa vào tín dụng đen và nảy sinh tranh chấp gây mất trật tự xã hội.
Điều 7 dự thảo luật BHXH sửa đổi có đưa ra 8 hành vi nghiêm cấm, tuy nhiên không có hành vi nghiêm cấm mua bán, cầm cố sổ BHXH của người lao động.
Do vậy một số địa phương như Hà Nội, Đà Nẵng... đề nghị bổ sung quy định này vào trong dự thảo luật.
Đề xuất giảm thời gian được rút BHXH một lần
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nêu thực tế, có nhiều người lao động không chờ được 1 năm để nhận BHXH một lần, nên “bán non sổ BHXH”, cầm cố sổ BHXH để vay “tín dụng đen” (bằng giấy ủy quyền nhận chế độ BHXH một lần cho người khác - PV).
Từ phân tích trên, cơ quan đại diện người lao động đề xuất Bộ LĐ-TB&XH sửa quy định trên, theo hướng giảm thời gian chờ nhận BHXH một lần từ 12 tháng sau nghỉ việc xuống còn 3 tháng.
Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Chính sách pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) nêu quan điểm, quy định chi trả BHXH một lần sau 1 năm nghỉ việc không có tác dụng ngăn tình trạng nhận BHXH một lần.
Trái lại, việc phải chờ đợi phát sinh tình trạng thu gom sổ BHXH dưới hình thức ủy quyền nhận BHXH một lần, ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động, gây mất trật tự an toàn xã hội khi phát sinh tranh chấp. Do vậy BHXH Việt Nam đề xuất bỏ luôn quy định trên.