Đó là một trong những nội dung đáng chú ý tại tọa đàm “TMĐT - Đưa hàng Việt vươn mình trong kỷ nguyên số” vừa được Báo Công Thương tổ chức tại Hà Nội.

Theo thông tin tại tọa đàm, từ một ngành non trẻ, chỉ trong một thời gian ngắn, TMĐT đã trở thành "trợ thủ" dẫn dắt nền kinh tế số theo đúng định hướng.

Kinh te so.jpg
TMĐT đã trở thành "trợ thủ" dẫn dắt nền kinh tế số.

Ông Trần Quốc Bảo, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn KIDO, kiêm Giám đốc Điều hành kênh TMĐT E2E lưu ý, trước đây, thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao đã trở thành chỉ dấu đưa hàng Việt Nam phát triển ở kênh offline, giờ cần chỉ dấu đưa hàng Việt Nam lên kênh TMĐT. Cần xây dựng chỉ dấu nhận biết từ cơ quan nhà nước có tính chất, quy mô lớn hơn để đưa hàng Việt Nam vươn mình ra thế giới.

Ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok tại Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội truyền thông số Việt Nam cho biết: “Khi triển khai nền tảng ứng dụng TikTok và TikTok Shop, chúng tôi đặt mục tiêu hỗ trợ cho nhà nước, doanh nghiệp và người lao động đứng vững trong kỷ nguyên chuyển đổi số của toàn thế giới; đưa hàng Việt đến được người tiêu dùng trong nước và cả nước ngoài”.

Thời gian qua, TikTok đã phối hợp triển khai chương trình phiên chợ OCOP (mỗi xã 1 sản phẩm), tôn vinh hàng nông sản Việt Nam, xóa nhòa khoảng cách số giữa nông thôn, thành thị. Mỗi thứ 7 hàng tuần tổ chức 1 phiên livestream, nhanh chóng tiếp cận 5 triệu người.

Tháng 6/2024, chương trình đã được mở rộng với tên gọi “Tự hào Hàng Việt”; mục tiêu trong 6 tháng hỗ trợ 10 nghìn doanh nghiệp, đăng tải, đưa sản phẩm lên nền tảng TikTok Shop.

Ông Lê Đức Anh, Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương) chia sẻ về cơ hội của hàng Việt trên sàn TMĐT: Trong suốt 20 năm qua, hàng Việt luôn có nhiều cơ hội và cứ mỗi làn sóng TMĐT đều có những cơ hội khác nhau. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng được làn sóng TMĐT trước đây để có những bước phát triển không ngừng.

Tuy nhiên, cùng với sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp cũng cần phải mạnh dạn trong việc đổi mới vì kinh doanh trên nền tảng TMĐT khác với kinh doanh truyền thống.

“Bộ Công Thương đang thiết kế hệ sinh thái để phát triển cho hàng Việt. Chúng tôi tạo ra chỉ dấu cho hàng Việt trên môi trường trực tuyến, trong đó điều quan trọng là xác minh nguồn gốc để đảm bảo chất lượng, xuất xứ hàng hóa”, ông Đức Anh cho biết thêm.

Báo cáo mới nhất của Google, Temasek và Bain & Company công bố tổng giá trị hàng hóa của Việt Nam dự kiến đạt tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm ở mức 16%, chạm mốc 36 tỷ USD vào năm 2024. Trong đó lĩnh vực TMĐT là động lực chính thúc đẩy phát triển. Năm 2024, ngành TMĐT đã tăng trưởng tới 18% so với cùng kỳ năm 2023, tổng giá trị chạm mốc 22 tỷ USD.