Trước 1 số ý kiến cho rằng cần áp dụng mạnh hơn các công cụ chính sách tiền tệ, đặc biệt là công cụ tái cấp vốn của NHNN để giúp NHTM hạ nữa lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp, ông Lê Xuân Nghĩa cho rằng, về nguyên tắc, tái cấp vốn là công cụ quan trọng nhất của CSTT hỗ trợ phục hồi tăng trưởng mạnh mẽ nhất của Ngân hàng trung ương với sự phục hồi của doanh nghiệp. Công cụ này thuộc về chuyên môn của NHNN.
Tuy nhiên, theo ông Nghĩa NHNN cần cân nhắc 2 khía cạnh: thứ nhất là làm sao sử dụng chính sách này mà vẫn kiểm soát lạm phát và giữ được ổn định kinh tế vĩ mô dài hạn; thứ hai là cân nhắc giai đoạn dịch như hiện nay không sản xuất được cũng không tiêu thụ được, và cũng không tiêu dùng được. Vấn đề ở đây không phải là vì thiếu cầu. Vấn đề cốt lõi là tạm phải hạn chế sản xuất và tiêu dùng vì yêu cầu chống dịch chứ không phải khủng hoảng tài chính hay khủng hoảng kinh tế mà khuyến khích. Nghiệp vụ quan trọng của Ngân hàng trung ương cần phải cân nhắc hai khía cạnh đó và việc kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô dài hạn là vấn đề phải được ưu tiên.
Bên cạnh đó, về lo ngại nợ xấu gia tăng khi ngân hàng thực hiện các chương trình hỗ trợ DN, ông Nghĩa lưu ý, vấn đề nợ xấu của các ngân hàng hiện nay có 2 khu vực: nợ xấu tiêu dùng, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tập trung ở các NH TMCP, nợ xấu các DN lớn tập trung nhiều ở các ngân hàng lớn. Tuy nhiên, do đặc điểm phục hồi của các doanh nghiệp nhỏ cũng nhanh hơn cho nên nợ các đơn vị này cũng khắc phục nhanh hơn. Nợ của các DN lớn khó phục hồi một sớm một chiều được. Đây cũng là vấn đề có thể ảnh hưởng lớn đến các ngân hàng.
Phần lớn các chính sách hỗ trợ chống dịch và phục hồi kinh tế ở các nước đều nằm ở chính sách tài khóa và Ngân hàng Trung ương có thể hỗ trợ bằng cách mua trái phiếu chính phủ để hỗ trợ Bộ Tài chính. Không có Ngân hàng Trung ương nào trực tiếp hỗ trợ cho doanh nghiệp được và họ cũng không khuyến cáo các NHTM hỗ trợ doanh nghiệp như ở Việt Nam vì phải đảm bảo nguyên tắc hoạt động ngân hàng là đảm bảo tiền gửi của người dân. Nghĩa vụ đảm bảo an toàn tiền gửi của người dân là nghĩa vụ tối cao, nghĩa vụ hiến pháp. Một vài doanh nghiệp nhỏ hoặc vài khoản vay, ngân hàng có thể xóa cho doanh nghiệp nhưng mà ngân hàng sẽ không thể nào xóa nợ của mình với người gửi tiền nên hiện các nước cũng thiên về các gói hỗ trợ bằng chính sách tài khóa.
Trong khi Chính phủ đang phải chịu một áp lực rất lớn thì việc hệ thống Ngân hàng thực hiện các chính sách hỗ trợ cũng cần có những tính toán thận trọng để tránh những hệ lụy về nợ xấu trong giai đoạn tới.
Nói về các chính sách hỗ trợ của NHNN đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ông Nghĩa cho răng, NHNN đã tập trung vào ba nội dung quan trọng: khoanh nợ, giãn nợ, giãn kỳ hạn trả nợ cho các doanh nghiệp gặp khó khăn. Trước đó, NHNN đã điều chỉnh tỷ lệ lãi suất tái cấp vốn, tỷ lệ tái chiết khấu nghiệp vụ thị trường mở, tăng lãi suất của khoản tiền gửi dự trữ bắt buộc của NHTM tại NHNN tạo điều kiện cho NHTM thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này. Đây được đánh giá là những hỗ trợ quan trọng của ngành Ngân hàng cho doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay.
Anh Lâm