Đáng chú ý, các đối tượng thông qua mạng xã hội, sử dụng tên, tuổi, địa chỉ giả để kết bạn làm quen, hứa hẹn tìm việc làm thu nhập cao, sau đó lừa nạn nhân làm nhân viên phục vụ (ép hoạt động tình dục, kích dục) tại các quán karaoke, massage trong nước hoặc đưa ra nước ngoài; các nhóm tội phạm cư trú tại nước ngoài tự xưng là các công ty đứng ra tuyển dụng lao động việc nhẹ, không yêu cầu kinh nghiệm… sau đó đưa ra nước ngoài cưỡng bức lao động, tình dục.
Có xu hướng gia tăng, thủ đoạn tinh vi hơn trước
Theo thông tin từ cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ, trong năm 2022, lực lượng chức năng đã phát hiện, điều tra 90 vụ/247 đối tượng phạm tội mua bán người.
Năm 2022, cả nước có 222 nạn nhân bị mua bán, thì trong 6 tháng đầu năm 2023, số nạn nhân bị mua bán là 224 người, con số này cao hơn năm trước.
Báo cáo của Cục Phòng, chống ma tuý và tội phạm Bộ đội Biên phòng (BĐBP), trong 6 tháng đầu năm 2023, BĐBP đã giải cứu, tiếp nhận, bắt giữ, xử lý 30 vụ/18 đối tượng/54 nạn nhân, tăng 15 vụ/11 đối tượng/31 nạn nhân so với 6 tháng đầu năm 2022.
Theo đánh giá của các lực lượng chức năng, tình hình mua bán người trên các tuyến biên giới, nhất là sau đại dịch Covid-19,diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng và tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Nhóm người có nguy cơ cao bị lừa đảo, mua bán không giảm, trong khi thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng ngày càng tinh vi hơn.
Một trong số đó là hoạt động đưa người Việt Nam nhập cảnh, lao động bất hợp pháp ở nước ngoài như: Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc, Philippine, Mỹ và một số nước châu Âu… tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị mua bán, lạm dụng, bóc lột sức lao động. Theo báo cáo của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, có hơn 1.900 công dân Việt Nam bị các cơ quan thực thi pháp luật nước ngoài bắt giữ do nhập cảnh, cư trú, lao động trái phép.
Trên các tuyến biên giới đất liền, kể từ đầu năm 2023, khi Trung Quốc nới lỏng hoạt động phòng, chống dịch Covid-19, vì lợi nhuận nên một số đối tượng vẫn lừa gạt, đưa phụ nữ sang Trung Quốc mang thai hộ hoặc ép kết hôn trái pháp luật.
Bên cạnh đó, hoạt động mua bán người sang các casino, cơ sở game, công ty kinh doanh trực tuyến tại Campuchia, Lào, nhằm cưỡng bức lao động, bóc lột tình dục, ép hoạt động lừa đảo trên mạng gia tăng và rất nghiêm trọng. Những người lao động đã lỡ theo đường môi giới sang đó rồi, nếu muốn quay về Việt Nam thì phải nộp tiền chuộc từ 100 - 150 triệu đồng, thậm chí có trường hợp bị đòi nộp tiền chuộc rất cao, từ 400-500 triệu đồng.
Tại tỉnh Lào Cai, theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và xã hội tỉnh, tính đến thời điểm giữa năm 2022, có 200 người ở Lào Cai đã qua Campuchia lao động trái phép. Còn từ đầu năm 2023, khi Trung Quốc nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 thì tình trạng dụ dỗ, lừa bán phụ nữ với nhiều phương thức, thu đoạn mới, đặc biệt các đối tượng làm thủ tục xuất cảnh với mục đích du lịch để tổ chức cho nạn nhân ra nước ngoài rồi lừa bán.
Chia sẻ về vấn đề này, Đại tá Nguyễn Văn Hiệp, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống ma tuý và tội phạm BĐBP cho biết: “Hoạt động của tội phạm mua bán người ở khu vực biên giới diễn biến phức tạp. Thành phần đối tượng phạm tội đa dạng, có sự câu kết, móc nối giữa các đối tượng trong và ngoài nước, với phương thức, thủ đoạn tinh vi, như: Lấy danh nghĩa các công ty môi giới hôn nhân, môi giới lao động, sử dụng các nền tảng trực truyến để tiếp cận, đăng thông tin tuyển dụng việc nhẹ, lương cao, làm dâu người Trung Quốc, mang thai hộ… để lừa bán nạn nhân ra nước ngoài.
Sau khi đưa nạn nhân ra nước ngoài, các đối tượng thu giữ tư trang, giấy tờ tuỳ thân và đưa vào các sòng bạc, cơ sở game trực tuyến để cưỡng bức lao động, bóc lột tình dục hoặc đưa đến các vùng nông thôn để ép kết hôn trái pháp luật…
Đáng lưu ý, tình trạng mua bán người trong nước có dấu hiệu gia tăng trong thời gian gần đây nhằm lừa bán nạn nhân để bóc lột tình dục trong các cơ sở giải trí trá hình; cưỡng bức lao động trên các tàu đánh cá trên biển”.
Tội phạm núp bóng “cò ngư phủ”, nam thanh niên cũng bị mua bán
Không chỉ hoạt động phức tạp trên các tuyến biên giới đất liền mà tội phạm mua bán người cũng gây nhức nhối trên tuyến biển, nhất là các tỉnh phía Nam.
Tại hội thảo đánh giá giữa kỳ kết quả thực hiện chương trình phòng chống mua bán người, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán giai đoạn 2021-2025 do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức vào cuối tháng 7/2023 ở Hà Nội, các cơ quan chức năng cho rằng, nếu như trước đây, nạn nhân bị mua bán chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, nhất là trẻ em gái ở lứa tuổi vị thành niên thì hiện nay, các nam thanh niên cũng bị mua bán ngày càng nhiều.
Thông tin từ BĐBP cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ, toàn quốc có khoảng 90 nghìn tàu khai thác thuỷ, hải sản trên biển. Để số lượng tàu, thuyền trên duy trì được hoạt động thì cần có 1,53 triệu lao động, trong đó phải có ít nhất 700 nghìn lao động có tay nghề, có kinh nghiệm khai thác thuỷ, hải sản. Tuy nhiên, có nhiều lý do khác nhau, trong đó chủ yếu là do nghề biển vất vả, rủi ro, nguy hiểm nên hiện tại số lao động biển chỉ đáp ứng được khoảng 60-70%.
Do đó dịch vụ môi giới lao động biển hay còn gọi là “cò ngư phủ”, nhất là ở các tỉnh từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Kiên Giang gia tăng hoạt động, kéo theo các hoạt động mua bán người nhằm mục đích cưỡng bức lao động trên biển cũng gia tăng.
Theo Đại tá Phạm Long Biên, Trưởng phòng Phòng Mua bán người (Cục Phòng, chống ma tuý và tội phạm BĐBP), tình hình mua bán người tại các tỉnh ven biển miền Trung, miền Nam diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng, nổi lên tại các tỉnh, thành phố như: Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu, Bà Rịa - Vũng Tàu...
Các đối tượng “cò mồi” ở bến xe các tỉnh nội địa sẽ tìm cách tiếp cận, dụ dỗ, lừa gạt những thanh niên có nhu cầu tìm việc làm, sau đó đưa xuống các tỉnh ven biển câu kết với các đối tượng người địa phương ép họ viết giấy vay nợ để khống chế rồi bán cho các chủ tàu đánh cá trên biển bóc lột sức lao động.
Thời gian qua, lực lượng BĐBP đã phá thành công nhiều chuyên án liên quan đến hoạt động mua bán người nhằm mục đích cưỡng bức lao động trên biển.
Gần đây nhất là chuyên án VT223 do BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xác lập, đấu tranh vào tháng 2/2023. Sau khi điều tra, xác minh, cho thấy đối tượng có hoạt động tuyển mộ, chứa chấp, chuyển giao, cưỡng bức người lao động trên tàu khai thác hải sản. Xét thấy vụ việc có dấu hiệu của tội mua bán người, BĐBP Bà Rịa – Vũng Tàu đã xác lập chuyên án. Sau gần 1 tháng điều tra, làm rõ, BĐBP Bà Rịa - Vũng Tàu ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội mua bán người, đồng thời làm rõ hành vi phạm tội của 3 đối tượng, sau đó chuyển giao Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tiếp đó, vào tháng 4/2023, chuyên án CM423 của BĐBP tỉnh Cà Mau đấu tranh triệt phá đường dây tội phạm mua bán người, mua bán người dưới 16 tuổi từ TP Hồ Chí Minh đến Cà Mau, Kiên Giang bán cho các chủ tàu cá nhằm mục đích bóc lột sức lao động. Chuyên án đã truy bắt được 4 đối tượng, giải cứu 4 nạn nhân. Vụ án sau đó đã được BĐBP tỉnh Cà Màu ra quyết định khởi tố, đồng thời hoàn chỉnh hồ sơ chuyển giao cho Công an tỉnh Cà Mau tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định”.