Học sinh đang được định vị là trung tâm của giáo dục. Còn người thầy, vị trí của họ sẽ như thế nào?
TS. Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT): "Người thầy ngày nay đã tham gia thiết kế hệ thống chính sách"
Ở góc độ quản lý Nhà nước, chúng tôi nhìn nhận vai trò của người thầy ở 3 vấn đề:
Thứ nhất, trong bối cảnh đổi mới hiện nay, người thầy tham gia trực tiếp trong quá trình thiết kế hệ thống chính sách, những quyết sách, tham gia ý kiến vào những vấn đề cụ thể như chương trình phổ thông mới, tham gia vào quá trình thẩm định chương trình chi tiết, tham gia vào quá trình viết SGK…
Đây là sự đổi mới rất mạnh mẽ, bởi tôi cũng người trưởng thành từ giáo viên từ những năm 80, thì gần như không có những cơ hội như thế này, mà chỉ đón nhận để chuyển tải. Còn hiện nay, người thầy trực tiếp tham gia vào các lộ trình, các khâu chuỗi của quá trình đổi mới.
Ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT) |
Thứ hai, người thầy trực tiếp thực thi và chuyển tải, với cách sáng tạo của bản thân mình để có được những học sinh phát triển phẩm chất năng lực theo nghĩa là tự sáng tạo bản thân thông qua hoạt động được thầy cô giáo gợi mở.
Thứ ba, là vai trò phản biện nhờ có sự thông thoáng về thông tin. Người thầy ngày nay có rất nhiều cơ hội để trao đổi. Ngay cả chúng tôi trong lộ trình đổi mới đã nhận được nhiều phản biện có giá trị, tích cực của người trong cuộc để tiếp tục điều chỉnh chính sách.
PGS.TS Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân: "Người thầy cũng không nằm ngoài tháp nhu cầu của Maslow"
Ngày nay, vai trò của người thầy còn là truyền cảm hứng cho học trò, giúp các em hứng khởi với việc học tập và nhận thức được rằng đây không phải là vấn đề kiến thức mà là định hướng cho các em bươn trải ngoài xã hội sau này.
PGS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân |
Trong lý thuyết tạo động lực, người ta hay nhắc đến tháp nhu cầu của Maslow trong đó nhắc đến năm nhu cầu mà con người nào cũng có. Đó là nhu cầu về sinh học, an toàn, xã hội, thăng tiến, và cống hiến. Bất kể người nào cũng cần có các nhu cầu này.
Đối với giáo viên, những nhu cầu này luôn ở mức cân bằng. Về yếu tố an toàn, ở đây không chỉ là vấn đề về thân thể mà còn an toàn về nghề nghiệp. Để giáo viên yên tâm cống hiến phải có sự ổn định.
Yếu tố nhu cầu về xã hội đối với giáo viên rất đơn giản - mỗi ngày lên lớp về nhà cảm thấy hạnh phúc khi được học sinh lắng nghe, tiếp nhận bài giảng. Được xã hội ghi nhận là hạnh phúc, là động lực rất lớn cho người thầy.
Trong lĩnh vực giáo dục, người thầy thăng tiến không phải là cứ đạt được vị trí nào đó, mà chính là thành công trong công việc. Vì vậy, khi chúng ta tạo điều kiện bồi dưỡng để cho người thầy thể hiện được thành công trong giảng dạy và thành công này chính là thành công của ngành giáo dục, thành công của xã hội.
GS.TS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội: "Giá trị của người thầy cần được đánh giá bằng cả vật chất và tinh thần"
Giá trị của người thầy trong giáo dục dễ nhận ra, nhưng khó ở chỗ phải hoạch định chính sách làm sao để giá trị ấy được phát huy một cách tối đa.
GS.TS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội |
Giá trị của giáo viên là giá trị vĩnh cửu cho từng con người, vĩnh cửu cho từng gia đình, vĩnh cửu cho cả một quốc gia và loài người. Giá trị ấy không bao giờ thay đổi và mất đi.
Giá trị ấy thường được đánh giá bằng vật chất và tinh thần. Phải xác định hai yếu tố này có mối quan hệ với nhau.
Nếu đánh giá bằng vật chất không tương xứng thì tinh thần bị suy giảm. UNNESCO đã tổng kết, chất lượng giáo dục không vượt khỏi chất lượng nhà giáo. Đó là tổng kết của nhân loại và đó là câu nói súc tích nhất về vai trò của giáo viên.
Cô giáo Bùi Thị Thủy, đại biểu Quốc hội, giáo viên Trường THPT Thạch Thành 4, tỉnh Thanh Hóa: "Vai trò dẫn dắt của người thầy vô cùng quan trọng"
Người thầy được ví như một nhạc trưởng trong dàn nhạc giao hưởng. Ở đây, nhạc trưởng là người định hướng và để cho học sinh tự nắm bắt tri thức của mình, để chơi thành một bản nhạc hay mà không làm mờ đi tiếng nhạc của các nhạc cụ khác nhau.
Bà Bùi Thị Thủy, đại biểu Quốc hội, giáo viên Trường THPT Thạch Thành 4, tỉnh Thanh Hóa. |
Đặc biệt trong thời đại hiện nay, việc dẫn dắt các em khám phá sự sáng tạo của bản thân là vô cùng quan trọng. Bởi vì tri thức có nhiều và phong phú.
Ở một trường THPT miền núi như tôi đang công tác, ở đây, tiếp cận tri thức qua các kênh thông tin khác khó hơn so với các vùng khác, nên ngoài vai trò định hướng ra thì người thầy vẫn giữ vai trò là người truyền thụ tri thức.
Bà Đặng Thị Phương Thảo, đại biểu Quốc hội, giáo viên Trường THPT Giao Thủy, Nam Định: "Cần phân quyền chủ động cho giáo viên"
Là một giáo viên đang dạy phổ thông, tôi thấy giáo viên hiện nay được đặt ra hai yêu cầu. Thứ nhất, là giảng dạy làm sao để đào tạo được những học sinh vượt qua được các kì thi mà đôi khi các kì thi đó có tính chất không ổn định, hay thay đổi trong thời gian ngắn.
Thứ hai, là phải cung cấp được hết lượng kiến thức trong sách giáo khoa mà đôi khi khối lượng kiến thức đó không hề nhỏ. Vì vậy vô tình đẩy giáo viên vào thế không được chủ động.
Bà Đặng Thị Phương Thảo, giáo viên Trường THPT Giao Thủy, tỉnh Nam Định |
Vì vậy, theo tôi, về mặt cơ chế, chính sách, chúng ta phải tính toán để phân quyền chủ động cho giáo viên, nhất là giáo viên trung học phổ thông, để họ được quyền chủ động mạnh mẽ hơn nữa trong việc lựa chọn kiến thức đưa đến cho học sinh.
Tôi nghĩ, chúng ta chỉ cần đặt hàng cho giáo viên sẽ phải tạo ra sản phẩm là những con người đạt yêu cầu cơ bản nào đó, chứ không nên đặt ra những tiêu chí cụ thể quá như trong thời lượng này thì bắt buộc phải dạy hết phần này phần kia.
Chúng ta áp đặt vào từng bài, từng tiết sẽ khiến giáo viên không cảm thấy thoải mái và họ sẽ không tạo ra được chất lượng sản phẩm như mong muốn của xã hội.
Bà Trần Thị Bích Liên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội): "Nhà trường cần tạo được môi trường làm việc thuận lợi cho giáo viên"
Tôi nghĩ điều quan trọng nhất là mỗi nhà trường tạo được môi trường làm việc thuận lợi cho giáo viên, không cứng nhắc, máy móc, gây áp lực cho giáo viên. Làm sao để cho giáo viên đến trường cảm thấy vui vẻ và muốn được cống hiến.
Bà Trần Thị Bích Liên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). |
Có thể tạo cơ chế đảm bảo đúng mục tiêu của tiết học nhưng để giáo viên có thể linh hoạt trong việc chọn, thay thế sao cho phù hợp.
Có thể có những giờ dự thấy chưa thật hài lòng thì rút kinh nghiệm, chứ lúc nào cũng để giáo viên vào tâm thế e sợ thì sẽ triệt tiêu sự sáng tạo.
Tôi mong muốn mỗi thầy cô phải thực sự tự học, cập nhật những xu hướng dạy học mới. Điều này, ngoài sự chỉ đạo của ban giám hiệu nhà trường, thì mỗi cá nhân phải hiểu được trách nhiệm của mình đối với học sinh và phụ huynh.
Để thầy cô làm đúng vai trò của mình, phụ huynh học sinh cũng cần có sự tôn trọng, đồng hành.
Có phụ huynh, chúng tôi nhắn tin rằng con thường xuyên quên mang sách vở, đi học muộn,…những ngày sau con vẫn đến trường muộn với đủ lý do kẹt xe, tắc đường. Chúng tôi có giải thích chuyện tắc đường là khó tránh, thì cần có ý thức đưa con đi sớm hơn. Hay nhà trường dạy học sinh phải đội mũ bảo hiểm, không vượt đèn đỏ hay đi ngược chiều khi tham gia giao thông, tuyên truyền thường xuyên khi sáng nào cũng loa phát thanh, nhưng chỉ đội cho con để khỏi bị trường trừ điểm còn bố mẹ không đội. Như vậy rất khó để giáo dục.
Khi xảy ra điều gì, phụ huynh thường chỉ kêu ca. Phụ huynh bức xúc thường chia sẻ lên mạng xã hội nhưng thực tế cần hiểu các thầy cô giáo cũng bức xúc nhiều thứ. Có những phụ huynh không bao giờ quan tâm tới con em mình. Có những phụ huynh 3 tháng liền không đóng tiền học phí và tiền ăn của con, giáo viên gọi thì tắt máy; thường xuyên đưa con đi học muộn rồi chuẩn bị thiếu sách vở cho con, trong khi gia đình thì không hề khó khăn,… nhưng khi nhắc chỉ trả lời giáo viên rằng tôi bận lắm.
Nguyễn Thảo - Thanh Hùng
"Cần có đột biến về chính sách tiền lương cho giáo viên"
Các chuyên gia, nhà giáo, nhà quản lý đều nhất trí cho rằng, cần phải có chính sách để cải thiện vấn đề thu nhập cho giáo viên.
Nhiều giáo viên được bổ nhiệm làm cán bộ quản lý
Nhiều giáo viên tại TP.HCM vừa được bổ nhiệm làm quản lý các trường học.
Thầy hiệu trưởng luôn trân trọng giáo viên
60 tuổi và sắp sửa nghỉ hưu, thầy hiệu trưởng Lê Đức Dũng vẫn đầy tâm huyết trong từng lời nói, ánh mắt khi nói chuyện về đổi mới giáo dục.