Tại một hội nghị về truyền thông chính sách diễn ra mới đây, ông Mai Ngọc Phước, Tổng Biên tập Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh phản ánh: Một trong những nhầm lẫn hết sức phổ biến ở Việt Nam, đó là không phân biệt sự khác nhau giữa “truyền thông chính sách” và “tuyên truyền chính sách” hay còn gọi là “phổ biến chính sách”. 

Xét về bản chất, phổ biến hay tuyên truyền chính sách là chỉ cho công chúng biết chính quyền, Nhà nước đã hoặc sẽ ban hành một chính sách nào đó. Mục đích là để (áp đặt) cho người dân nắm thông tin, tìm hiểu chính sách để tuân thủ, thực thi. Trong khi đó, truyền thông chính sách lại nhấn mạnh vai trò của công chúng ngay từ khi bắt đầu hoạch định, xây dựng chính sách cho đến khi chính sách được hoàn thiện, ban hành, đi vào đời sống thực tiễn.

Sự tham vấn người dân, cộng đồng (cá nhân, tổ chức, đoàn thể); mức độ tham gia, đóng góp của người dân, doanh nghiệp và công chúng nói chung vào xây dựng nội dung chính sách; hiểu biết của người dân về lợi ích, rủi ro mà chính sách mang lại, là những biến số mà các nhà nghiên cứu về hiệu quả truyền thông chính sách thường sẽ đo lường tại cộng đồng – nơi được ban hành các chính sách mới. Dựa vào kết quả này có thể đánh giá mức độ hiệu quả của hoạt động truyền thông chính sách.

Có một sự đồng thuận lớn giữa các chuyên gia nghiên cứu về truyền thông rằng truyền thông chính sách quan trọng hơn nhiều so với việc tăng cường nhận thức của người dân thông qua các hoạt động phổ biến hay tuyên truyền chính sách.

anh 8.jpg
Truyền thông chính sách quan trọng hơn nhiều so với tuyên truyền chính sách. Ảnh: B.M

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều cơ quan nhà nước vẫn chỉ xem báo chí là phương tiện để tuyên truyền, phổ biến chính sách hơn là cơ quan “cầu nối” với công chúng ngay từ khi bắt đầu xây dựng chính sách. 

“Tất nhiên, tuyên truyền, phổ biến chính sách là một nhiệm vụ quan trọng, nhưng việc thông qua các cơ quan báo chí để tìm đến, tìm hiểu, nắm bắt, trao đổi, lắng nghe ý kiến góp ý, phản biện ngay từ khâu xây dựng chính sách (chứ không phải nhờ báo chí phổ biến một chính sách đã được thông qua) sẽ đóng vai trò quan trọng hơn”, ông Phước nhận định.

Về lý thuyết, một trong những nội dung trọng tâm của truyền thông chính sách là cung cấp thông tin, kêu gọi, thu hút người dân tham gia ngay từ đầu vào quá trình xây dựng chính sách. Song thực tế đang khá phổ biến hiện tượng: Chính quyền đưa ra dự thảo về chính sách, cơ chế, quy định mới để lấy ý kiến công chúng hoặc người liên quan, nhưng việc thông tin đến công chúng lại quá nhạt nhòa. Một số cơ quan không thực sự xem trọng quá trình gắn kết với công chúng. Họ không ngại việc công khai dự thảo các quy định mới, nhưng họ không mạnh mẽ trong việc thúc giục trí tuệ tập thể và xem nhẹ sự đóng góp của công chúng; xem nhẹ cảm nhận của công chúng về lợi ích, rủi ro mà chính sách mới có thể mang lại. 

“Kết quả là, dù chính quyền bám theo lý thuyết truyền thông chính sách, nhưng việc kết nối, thông tin hai chiều với công chúng thì lại rất yếu, “làm cho có” chứ không cho hiệu quả”, ông Phước phân tích thêm.

Để nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách, Tổng Biên tập Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất: Các cơ quan chính quyền, nhất là cấp tỉnh, thành phố, các cơ quan bộ, ngành Trung ương cần có các giải pháp nâng cao khả năng nhận thức và tính chủ động trong việc xây dựng giải pháp truyền thông chính sách theo nguyên tắc “truyền thông dẫn dắt, dẫn đường cho việc xây dựng và thực thi, điều chỉnh chính sách”. Nói cách khác, truyền thông phải có trước chính sách chứ không phải làm điều ngược lại.

Cùng với đó, cần có các chương trình - dự án đánh giá hiệu quả truyền thông chính sách, có thể đặt hàng các trường đại học, viện nghiên cứu, cơ quan báo chí tham gia điều tra, khảo sát, phân tích, đánh giá để có bức tranh tổng thể.

Các chính sách quan trọng cần được xuất hiện trên nhiều tờ báo, nhiều nền tảng mạng xã hội để đảm bảo độ phủ, tạo dư luận hiệu quả. Cần chú ý đến mạng lưới báo chí công dân (citizen journalism) gồm các nhà báo có ảnh hưởng trên mạng xã hội, các cá nhân, fan page của các đơn vị, đoàn thể để tương tác, tìm hiểu thông tin, lan tỏa các thông điệp một cách mềm mại, dân sinh, gần gũi hơn.