Ngày 18 tháng 9, trên Báo VietNamNet có đăng bài “Xung quanh việc Tổng Giám đốc Bamboo Airways bị tạm hoãn xuất cảnh”. Tôi đồng tình với nội dung bài báo này. Trên cơ sở đó, xin mạo muội nêu vài kiến nghị cụ thể.
Cơ quan thuế địa phương, nơi Bamboo Airway đăng ký hoạt động, có thông báo gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) về việc tạm hoãn xuất cảnh đối ông Lương Hoài Nam, Tổng Giám đốc Bamboo Airways. Thời gian tạm hoãn xuất cảnh bắt đầu từ ngày 11/9/2024 đến ngày Bamboo Airways hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách.
Xin nhắc lại vài thông tin đã đăng công khai trên nhiều báo một năm trước liên quan đến Bamboo Airways:
Ban lãnh đạo Bamboo đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ nêu các khó khăn tài chính do thua lỗ, thu không đủ chi, nợ nần và xin làm thủ tục phá sản nhưng Thủ tướng Chính phủ không đồng ý.
Văn bản 6354/VPCP của Văn phòng Chính phủ ngày 19/08/2023, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: Các bộ, ngành liên quan giúp tháo gỡ khó khăn cho Bamboo Airways, giúp hãng bay này phục hồi và phát triển. Cũng tại văn bản này, Thủ tướng Chính phủ còn yêu cầu các bộ, ngành liên quan phải hỗ trợ Bamboo tái cấu trúc…
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cuối tháng 10/2023, các cổ đông và Hội đồng quản trị Bamboo Airways đã mời ông Lương Hoài Nam làm Tổng Giám đốc và chủ trì tái cấu trúc. Chỉ sau 1 tháng, cuối tháng 11/2023 chính ông Nam ký Đề án trình Thủ tướng Chính phủ về tái cấu trúc Bamboo.
Từ những thông tin vừa nêu, người viết xin có vài bình luận ngắn:
Thứ nhất, thời gian tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Lương Hoài Nam bắt đầu từ ngày 11-9-2024 đến ngày Bamboo Airways hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách.
Theo tính toán sơ bộ của người viết, thời gian cần có để Bamboo hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách phải mất một số năm. Điều này có nghĩa là ông Nam mất nhiều cơ hội để tái cấu trúc và phát triển Bamboo như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ hai, cơ quan thuế, với thông báo tạm hoãn xuất cảnh ông Nam sẽ làm phát sinh thêm các vấn đề khiến Bamboo khó hoàn thành sớm các công việc tái cơ cấu đã được Thủ tướng Chính phủ giao.
Thứ ba, việc làm của cơ quan thuế nêu trên, có thể thu được khoản thuế mà Bamboo Airways chậm nộp, nhưng đi liền với nó là hãng bay này sẽ chậm, thậm chí không phục hồi và phát triển được. Điều này cũng có nghĩa là Bamboo khó có nguồn thu để trích một phần nộp cho ngân sách nhà nước theo quy định, tức chính cơ quan thuế cũng chưa thấm nhuần tinh thần: Nuôi dưỡng nguồn thu.
Thứ tư, có không ít người ủng hộ việc làm của cơ quan thuế trong việc tạm hoãn xuất cảnh đối với giám đốc doanh nghiệp do còn nợ thuế. Đồng thời không chỉ ở nước ta, mà hầu như tất cả các nước trên thế giới, luôn tồn tại hiện tượng doanh nghiệp chây ì, chậm chạp… trong nộp thuế cho nhà nước.
Việc làm của cơ quan thuế trong trường hợp này được pháp luật cho phép, nhưng mỗi khi ra văn bản, cơ quan quản lý nhà nước (trong trường hợp này là cơ quan thuế) cần cân nhắc thật kỹ. Nếu được ít, mất nhiều, hay được trước mắt mà mất lâu dài thì không nên làm.
Thứ năm, xin mạo muội nêu hai kiến nghị nhỏ với Bộ trưởng Bộ Tài chính:
Kiến nghị Bộ Tài chính ra quyết định thu hồi, càng sớm, càng tốt thông báo của Cơ quan thuế địa phương, nơi Bamboo Airway đăng ký hoạt động gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an), về việc tạm hoãn xuất cảnh đối Tổng Giám đốc Bamboo Airways ông Lương Hoài Nam.
Bộ Tài chính chuẩn bị ngay văn bản hướng dẫn cơ quan thuế địa phương chỉ thông báo tạm hoãn xuất cảnh đối với những doanh nghiệp có đủ nguồn để nộp thuế, nhưng chây ì, chậm trễ trong việc nộp thuế cho Nhà nước.