Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

Đây là hội nghị đầu tiên của Thường trực Chính phủ với đại diện các tập đoàn tư nhân lớn nhằm tháo gỡ khó khăn, phát huy vai trò tiên phong, chủ động tham gia đầu tư các dự án lớn, góp phần phát triển kinh tế xã hội.

Sự kiện này diễn ra ngay sau khi cơn bão cuồng nộ Yagi đã gây thiệt hại ước tính ban đầu tới 40 ngàn tỷ đồng. Con số này có thể sẽ tăng lên tới đây, khi có thêm người dân và doanh nghiệp báo cáo chi tiết hơn với chính quyền về thiệt hại của họ.

Đây là một cú giáng kinh tế xã hội vì cơn bão Yagi và hoàn lưu sau bão có phạm vi ảnh hưởng rất lớn, trải dài ở 26 tỉnh, thành phố ở toàn bộ miền Bắc và Thanh Hóa, vốn chiếm trên 41% GDP và 40% dân số của cả nước. Khu vực này có nhiều tỉnh là trung tâm công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, là các động lực tăng trưởng của đất nước.

thep Hoa Phat Dung Quat (128).jpg
Năm 2023, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 46% GDP, tạo ra khoảng 30% nguồn thu ngân sách nhà nước. Ảnh: Hoàng Hà

Trước hoàn cảnh đó, nhiều tập đoàn tư nhân đã công bố ngay các gói hỗ trợ rất lớn. Điển hình nhất là VinGroup công bố tài trợ 250 tỷ đồng cho hoạt động cứu trợ khẩn cấp như dựng lại khoảng 2.000 ngôi nhà bị sập đổ.

Các doanh nghiệp tư nhân khác như Ecopark ủng hộ 20 tỷ đồng. Các ngân hàng như SHB, VIB, MBBank, SeABank mỗi đơn vị ủng hộ 2 tỷ đồng.

Có lẽ, nhiều tập đoàn tư nhân khác cũng đang tính toán, cân đối các gói hỗ trợ trước hoàn cảnh thiên tai có quy mô rộng khắp này.

Chung tay cùng Nhà nước, rõ ràng các doanh nghiệp tư nhân đang thực hiện rất tốt vai trò trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Cuộc gặp này diễn trong bối cảnh, người dân, doanh nghiệp và cả Nhà nước phải chuẩn bị một tâm thế bước vào kỷ nguyên mới đó là "Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam", như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nhiều lần phát biểu.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, năm 2023, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 46% GDP, tạo ra khoảng 30% nguồn thu ngân sách nhà nước, thu hút 85% lực lượng lao động. Trong đó đã xuất hiện một lực lượng doanh nghiệp tư nhân lớn, tích lũy đủ năng lực về quy mô vốn, trình độ công nghệ và quản trị doanh nghiệp, có thương hiệu tại thị trường khu vực và thế giới, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế như: Tập đoàn Vingroup, FPT, Thaco, Hòa Phát…

Tuy đã xuất hiện đội ngũ doanh nghiệp vừa và lớn nhưng lực lượng này chưa thực sự dẫn dắt được nền kinh tế như kỳ vọng. Tỷ trọng đầu tư vào các ngành, lĩnh vực có tính dẫn dắt, tạo động lực, nhất là trong các lĩnh vực mới như: sản xuất năng lượng sạch, chip, vi mạch, bán dẫn… còn thấp, chưa có các dự án quy mô đủ lớn để tạo động lực bứt phá, sức lan tỏa, hỗ trợ tái cơ cấu và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Quá trình phát triển của đội ngũ doanh nhân nước ta còn non trẻ so với các nước trong khu vực và trên thế giới, chưa tích lũy được nhiều về vốn, tri thức, công nghệ và kinh nghiệm, truyền thống kinh doanh. Quy mô doanh nghiệp trong nền kinh tế phần lớn là nhỏ và vừa, chưa có công nghệ gốc, chưa đủ tiềm lực để số hóa và xanh hóa hoạt động kinh doanh. Tỷ trọng doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực sản xuất chế biến còn hạn chế.

Chẳng hạn, tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của một số doanh nghiệp tư nhân lớn đạt khoảng 70 tỷ USD. Như vậy, tổng tài sản của các tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam chỉ tương đương tài sản của Tập đoàn Infosys, Ấn Độ. Đó là chưa kể nếu so sánh với các tập đoàn hàng đầu thế giới trong các lĩnh vực bất động sản, khoa học, công nghệ, ô tô… của các nền kinh tế khác.

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, 80% lợi nhuận toàn cầu được tạo ra bởi 10% doanh nghiệp lớn nhất, các doanh nghiệp lớn bình quân đóng góp đến 1/3 kim ngạch xuất khẩu, một nửa tốc độ tăng xuất khẩu của quốc gia. Sự phát triển thần kỳ của Hàn Quốc gắn liền với các thương hiệu lớn của quốc gia như Samsung, Huyndai hay SK. Khi nhắc đến thương hiệu Honda, Toyota, chúng ta nghĩ ngay đến đất nước Nhật Bản…

Rõ ràng, với thị trường 100 triệu dân và đang phát triển mạnh mẽ như Việt Nam, các doanh nghiệp tư nhân có không gian lớn để phát triển và Việt Nam cũng đầy khát  khao muốn có các tập đoàn tên tuổi lớn, có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế chứ không chỉ trong nước.

Nhà nước đang xem xét phát triển các dự án lớn của đất nước như: đường sắt cao tốc Bắc-Nam, đường sắt đô thị, Đường cao tốc Viên Chăn - Hà Nội, Đường sắt Viên Chăn - Vũng Áng, năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi. Đây là cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung.

Chẳng hạn như dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.  Dự án này, cộng với các dự án đường sắt đô thị sẽ tạo ra thị trường xây dựng khoảng 75,6 tỷ USD (đường sắt tốc độ cao khoảng 33,5 tỷ, đường sắt đô thị khoảng 42,1 tỷ USD), phương tiện, thiết bị khoảng 34,1 tỷ USD (bao gồm đầu máy, toa xe khoảng 9,8 tỷ USD; hệ thống thông tin tín hiệu và thiết bị khác khoảng 24,3 tỷ USD) và hàng triệu việc làm.

“Chính phủ các nước trên thế giới đều tạo cơ hội cho doanh nghiệp của mình tham gia vào các dự án lớn. Chúng ta cũng cần làm như vậy để tạo cơ hội cho doanh nghiệp phát triển và đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Nhà nước bỏ đến 70-80 tỷ đô la mà chỉ để doanh nghiệp nước ngoài vào làm và để doanh nghiệp Việt Nam đứng nhìn thì xét về mặt đạo lý là không thể chấp nhận được xét trên quy mô toàn cầu”, ông Cung nói.

Chẳng hạn, Hòa Phát được làm đường sắt thì họ sẽ đầu tư công nghệ, đầu tư thêm nghiên cứu phát triển. Khi Hòa Phát và các doanh nghiệp Việt Nam khác được tham gia vào các dự án này... sẽ cải thiện năng lực của chính họ và cả ngành.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn thách thức, các doanh nghiệp lớn còn nhiều rào cản, hạn chế; chưa phát huy hết tiềm lực, chưa thực hiện vai trò tiên phong, dẫn dắt như kỳ vọng.

Hoạt động sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp quy mô lớn nói riêng còn chịu nhiều tác động bất lợi của bối cảnh khách quan, xung đột địa chính trị, đứt gãy các chuỗi cung ứng, nguyên vật liệu đầu vào.

Thể chế, pháp luật còn một số vướng mắc, bất cập, chưa được kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển. Việc phân cấp, phân quyền, cắt giảm một số quy định, thủ tục hành chính, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, điều kiện kinh doanh chưa triệt để. Tiến độ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp còn chậm, nhất là các dự án quy mô lớn.

Đây là những vấn đề tồn tại dai dẳng, kéo dài cần được sớm tháo gỡ để tạo nên tinh thần kinh doanh tươi mới, như chúng ta đã từng có để vượt qua cuộc khủng hoảng khu vực 1997-1999 với sự ra đời của khu vực doanh nghiệp tư nhân.

Việt Nam còn dư địa rất lớn cho phát triểnMở cửa, đi theo kinh tế thị trường, Việt Nam mới có điều kiện hội nhập kinh tế thế giới. Nếu không hội nhập với thế giới, liệu chúng ta có thể chơi với ai và sẽ phát triển thế nào đây?!- TS Trần Đình Thiên trao đổi tiếp với Tuần Việt Nam.