Công ước Vienna 1968 về giao thông đường bộ có quy định rằng đèn xanh có nghĩa là được phép đi, nhưng nếu có ùn tắc ở giao lộ thì dù đang đèn xanh ở chiều đi, người tham gia giao thông cũng phải dừng lại, vì nếu họ tiến vào nút giao thì sẽ không thoát ra kịp trước khi đèn tín hiệu chuyển sang nhịp tiếp theo, dẫn tới xung đột giao thông.

Tôi thấy quy định như vậy là rất hợp lý, đảm bảo giao thông văn minh, an toàn. 

Thực tế là khi ngã ba, ngã tư phía trước đang ùn tắc, việc cố đi vào cũng không giúp bạn thoát nhanh hơn, mà chỉ khiến giao thông thêm lộn xộn. Khi bị kẹt lại giữa ngã ba, ngã tư, bạn sẽ gây cản trở lưu thông cho các phương tiện ở chiều cắt ngang. 

Thay vào đó, nếu bạn chủ động dừng chờ thêm một vài nhịp đèn để ngã ba, ngã tư được giải phóng thì sau đó việc di chuyển sẽ nhanh hơn, tránh được cảnh "hai con dê qua cầu".

Việc này không thể chỉ trông chờ vào ý thức của mỗi cá nhân tham gia giao thông, mà cần được đưa vào luật, có quy định xử phạt rõ ràng.

Trên thế giới, rất nhiều nước, thành phố áp dụng quy định cấm hành vi chặn giao lộ; nếu vi phạm thì sẽ bị phạt nặng.

Ví dụ, theo luật của bang New South Wales (Australia), người điều khiển phương tiện đi vào nút giao đang ùn ứ sẽ bị phạt 272 AUD, tương đương 4,4 triệu đồng. Mức phạt tương ứng ở bang Victoria là 165 AUD (khoảng 2,7 triệu đồng).

Thậm chí, ở Queensland (Australia), mức phạt tại chỗ tối thiểu là 200 AUD (3,3 triệu đồng), nhưng có thể lên tới 2.875 AUD (gần 47 triệu đồng) nếu sự việc gây hậu quả nghiêm trọng, được đưa ra xét xử ở tòa án.

Trong khi đó ở Mỹ, thành phố New York quy định mức phạt 115 USD đối với hành vi này, thành phố Atlanta áp dụng mức phạt dưới 200 USD (mức cụ thể khác nhau tùy từng quận), bang Florida áp dụng mức phạt 166 USD.

Tại Anh, mức phạt phổ biến là 70 bảng (khoảng 2,2 triệu đồng), riêng tại London, mức phạt là 130 bảng (4 triệu đồng).

Như vậy, có thể thấy nhiều nước áp dụng mức phạt khá cao đối với lỗi gây cản trở giao thông ở giao lộ. Tôi cho rằng ở ta, ý thức của nhiều người tham gia giao thông chưa cao một phần là do thiếu chế tài xử lý vi phạm, phần khác do việc xử phạt cũng chưa nghiêm.

Theo Dân trí

Hãy để lại ý kiến dưới phần bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!