Số liệu trên được tạp chí The Lancet đưa ra vào tháng 11. Theo đó, bệnh tiểu đường đã trở thành đại dịch, cho thấy nhu cầu cấp thiết cần có hành động toàn cầu mạnh mẽ hơn để giải quyết cả tỷ lệ bệnh gia tăng và khoảng cách điều trị, đặc biệt ở các nước thu nhập thấp và trung bình. 

Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho biết: "Chúng ta đã chứng kiến ​​sự gia tăng đáng báo động của bệnh tiểu đường trong 3 thập kỷ qua, phản ánh tình trạng béo phì tăng mạnh, kết hợp với tác động của tiếp thị thực phẩm không lành mạnh, thiếu hoạt động thể chất và khó khăn về kinh tế".

"Để kiểm soát được đại dịch bệnh tiểu đường toàn cầu, các quốc gia phải hành động khẩn cấp. Bắt đầu bằng việc ban hành các chính sách hỗ trợ chế độ ăn uống lành mạnh và hoạt động thể chất, quan trọng nhất là hệ thống y tế cung cấp dịch vụ phòng ngừa, phát hiện sớm và điều trị", Tiến sĩ Tedros khẳng định. 

ngoai tru bhyt.jpg
Người tham gia bảo hiểm y tế được phát thuốc điều trị bệnh tiểu đường. Ảnh minh họa

Theo nghiên cứu trên, tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường ở người lớn trên toàn cầu đã tăng từ 7% lên 14% trong giai đoạn 1990-2022. Các nước thu nhập thấp và trung bình trải qua mức tăng lớn nhất, nơi tỷ lệ mắc tăng vọt trong khi khả năng tiếp cận điều trị còn thấp. Xu hướng này đã dẫn đến bất bình đẳng toàn cầu nghiêm trọng: vào năm 2022, gần 450 triệu người từ 30 tuổi trở lên - khoảng 59% tổng số người lớn mắc bệnh tiểu đường - chưa được điều trị, tăng 3,5 lần so với năm 1990. 90% số ca bệnh không được điều trị này đang sống ở các nước thu nhập thấp và trung bình. 

Cam kết của WHO 

Để giải quyết gánh nặng bệnh tiểu đường đang gia tăng, WHO đang triển khai khuôn khổ giám sát toàn cầu mới, hướng dẫn cho các quốc gia đo lường, đánh giá phòng ngừa, chăm sóc, kết quả và tác động của bệnh tiểu đường. Bằng cách theo dõi các chỉ số chính như kiểm soát đường huyết, tăng huyết áp và khả năng tiếp cận các loại thuốc thiết yếu, các quốc gia có thể cải thiện biện pháp can thiệp. 

Hiệp ước toàn cầu về bệnh tiểu đường của WHO đưa ra năm 2021 bao gồm tầm nhìn về giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và đảm bảo rằng những người được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường có thể tiếp cận với dịch vụ điều trị và chăm sóc công bằng, toàn diện, giá cả phải chăng và chất lượng.

Năm 2022, WHO đặt ra 5 mục tiêu bao phủ bệnh tiểu đường toàn cầu cần đạt được vào năm 2030. Trong đó, đảm bảo 80% số bệnh nhân tiểu đường đạt được mức kiểm soát đường huyết tốt. 

Năm 2025 sắp tới mang đến một cơ hội quan trọng để thúc đẩy hành động chống lại sự gia tăng đáng báo động của bệnh tiểu đường trên toàn thế giới với Cuộc họp cấp cao lần thứ 4 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về phòng ngừa và kiểm soát các bệnh không lây nhiễm bao gồm bệnh tiểu đường sẽ diễn ra vào tháng 9. 

Việt Nam hiện có khoảng 7 triệu người mắc bệnh tiểu đường. Đáng chú ý, trong đó hơn 55% bệnh nhân đã có biến chứng liên quan tim mạch (34%), mắt và thần kinh (39,5%), thận (24%). 

Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022-2025 đặt mục tiêu:

- Ít nhất 70% người từ 40 tuổi trở lên được sàng lọc bằng phiếu đánh giá nguy cơ và/hoặc xét nghiệm đường máu 1 lần/năm để phát hiện sớm đái tháo đường

- 55% người mắc đái tháo đường được phát hiện và 55% số người phát hiện bệnh được quản lý điều trị theo hướng dẫn chuyên môn

- 30% người tiền đái tháo đường được phát hiện và 50% số phát hiện được can thiệp dự phòng, điều trị theo hướng dẫn chuyên môn.