Bà N.T.S (70 tuổi, trú tại Thái Bình) đã bị cắt nửa bàn chân trái, đặt stent động mạch đùi trái do biến chứng của đái tháo đường. Gần đây, bà xuất hiện loét gót chân và mất cảm giác ở cả chân tay nên mới đi khám.
Khi vào Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), bác sĩ cho biết bà S. gặp nhiều biến chứng do không kiểm soát tốt đường huyết, chế độ ăn uống thiếu tuân thủ và chỉ uống thuốc khi đường huyết lên cao. Bệnh nhân phải nhập viện theo dõi đường huyết và các biến chứng của bệnh.
Ông N.T.V (71 tuổi, quê Nam Định) nhập viện trong tình trạng đường huyết cao gấp 3-4 lần chỉ số thường. Bệnh nhân này phát hiện đái tháo đường nhưng không uống thuốc theo đơn, không tái khám thường xuyên. Khi vào viện, người bệnh trong tình trạng mệt mỏi, khó thở. Bác sĩ chẩn đoán suy tim, suy thận do biến chứng của đái tháo đường. Không chỉ đường huyết cao, chỉ số mỡ máu của bệnh nhân này cũng cao bất thường.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang Bảy - Trưởng khoa Nội tiết và Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai, do chẩn đoán muộn và không tuân thủ điều trị nên biến chứng của bệnh nhân rất nặng nề, xuất hiện sớm hơn.
Hiện nay, trên thế giới ước tính có khoảng 828 triệu người trưởng thành từ 18 tuổi trở lên mắc đái tháo đường, trong đó tỷ lệ phụ nữ nhiều hơn nam giới.
Tại Việt Nam, khoảng 8 triệu người trưởng thành mắc bệnh, đứng thứ 17 trên thế giới. Trong đó, 5 triệu trường hợp không được điều trị (xếp thứ 13 trên toàn cầu). Vì vậy, tỷ lệ biến chứng do bệnh này cũng rất nhiều.
Các nghiên cứu cho thấy có tới 55% số ca đái tháo đường ở Việt Nam đã có biến chứng ngay từ khi phát hiện ra bệnh. Đặc biệt, ở người già, các biến chứng làm cho người bệnh bị tàn phế, biến chứng võng mạc, xuất huyết đáy mắt, đục thủy tinh thể.
Bác sĩ Bảy cho biết, đái tháo đường có nhiều biến chứng. Đường huyết cao len lỏi từng mạch máu dẫn đến tổn thương mạch máu lớn và mạch máu nhỏ.
Các biến chứng mạch máu nhỏ như:
- Bệnh võng mạc là nguyên nhân hàng đầu gây ra mù lòa.
- Các tổn thương mạch máu ở cầu thận, gây ra suy thận và khiến bệnh nhận phải lọc máu. Ở Việt Nam, 1/3 số ca bệnh thận mạn giai đoạn cuối phải lọc máu do đái tháo đường.
- Tổn thương các dây thần kinh và đáng sợ nhất là nguyên nhân gây loét bàn chân dẫn đến phải cắt bàn chân…
Các biến chứng mạch máu lớn nguy hiểm nhất vì gây tử vong nhiều.
- Biến chứng mạch vành gây nhồi máu cơ tim
- Biến chứng mạch máu não mạch cảnh gây đột quỵ
- Tắc mạch máu chi dưới, loét bàn chân, cắt cụt chân
Ước tính, trên thế giới cứ 30 giây trôi qua, 1 người phải cắt chân do biến chứng của đái tháo đường.
Tiến sĩ Bảy khuyến cáo, người bệnh đái tháo đường cần phải đi khám định kỳ theo bác sĩ, ít nhất 6-12 tháng để tầm soát tất cả các biến chứng. Những bệnh nhân đái tháo đường cao tuổi dễ bị tổn thương cần chú ý tránh hạ đường huyết, tụt huyết áp và những tương tác thuốc do dùng nhiều loại thuốc.
Khi chưa tới thời điểm đi khám nhưng nếu thấy có các dấu hiệu bất thường như mờ mắt, phù, đau ngực hay tê bì chân tay thì người bệnh phải đi khám bác sĩ chuyên khoa ngay.
Người bệnh đái tháo đường cao tuổi còn có rất nhiều bệnh đồng mắc khác như: tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, thừa cân béo phì và cần kiểm soát hết các chỉ số này.
Hằng ngày, người bệnh nên thử máu mao mạch thường xuyên hàng ngày bằng máy đo đường huyết mao mạch hay thiết bị theo dõi đường máu liên tục (CGM), tránh tin vào cảm giác. Tuyệt đối không bỏ thuốc khi thấy đường huyết, huyết áp về bình thường, bởi có kết quả đó là do thuốc.
Tuân thủ chế độ ăn, lối sống bao gồm tập luyện thể dục, không ăn quá no, quá nhiều, quá ít hoặc ăn kiêng quá mức.
Theo Chương trình nhằm mục tiêu chăm sóc, nâng cao sức khỏe người cao tuổi bảo đảm thích ứng với già hóa dân số, góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, đề án hướng đến người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm đạt 70%, được lập hồ sơ theo dõi quản lý sức khỏe đạt 95% năm 2025; 100% năm 2030; người cao tuổi được phát hiện, điều trị, quản lý các bệnh không lây nhiễm (ung thư, tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, sa sút trí tuệ…) đạt 70% năm 2025; 90% năm 2030. |