Hồi cuối tháng 10/2020, Công an quận 3, TP Hồ Chí Minh đã triệt phá một băng nhóm cho vay lãi nặng bằng nhiều phương thức, đặc biệt là kiểm soát iCloud điện thoại buộc người vay trả nợ. Bởi iCloud cho phép người dùng lưu trữ gần như tất cả thông tin, dữ liệu cá nhân, tài khoản, tin nhắn, cuộc gọi, hình ảnh, file ghi âm, kể cả vị trí.
Cụ thể, vào ngày 29/10, Cơ quan CSĐT Công an quận 3 cho biết đã tạm giữ 5 đối tượng gồm Đoàn Gia Phú (sinh năm 1992, quê Hà Nội), Nguyễn Hoàng Đức (sinh năm 1984), Nguyễn Thế Vinh (sinh năm 1990, quê Hưng Yên), Nguyễn Hùng Long (sinh năm 1994), Trần Hải Nam (sinh năm 1991, cùng tạm trú tại phường 2, quận 3) để điều tra về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Theo cơ quan công an, không phải đến khi vụ việc kể trên được khám phá thì hình thức dùng iCloud để thế chấp cho các khoản vay mới diễn ra. Bởi ngay kể từ thời điểm đầu năm 2020, những cụm từ khóa như: “vay tiền bằng iCloud” hay “vay tiền qua iPhone” đã xuất hiện ngày càng nhiều trên mạng xã hội. Cuộc sống khó khăn trong thời buổi dịch bệnh COVID-19, nhu cầu vay vốn để làm ăn buôn bán, chi tiêu lại càng tăng cao.
Tuy nhiên, sau khi các hình thức tín dụng đen được cơ quan chức năng tuyên truyền, xử lý nghiêm nhiều vụ việc thì loại hình cho vay tiền bằng iCloud này đã phát triển lên một mức mới khi người tiêu dùng có thể sử dụng quyền riêng tư đối với iCloud để thế chấp cho các khoản vay.
Về thủ đoạn, các nhóm đối tượng yêu cầu khách phải đăng xuất iCloud (đối với các máy iPhone). Khách đồng ý thì nhóm sẽ đổi iCloud mới (hay nói rõ hơn là bên cho vay sẽ yêu cầu khách phải thoát tài khoản iCloud mà mình đang sử dụng để đăng nhập tài khoản iCloud của bên cho vay), bật tính năng Find My Phone và đồng bộ danh bạ, rồi mới làm hợp đồng. Nhóm này thường cho vay với số tiền bằng nửa giá trị chiếc Iphone đó (từ 4-12 triệu đồng), lãi suất 20-50%/ngày. Dù số tiền không quá lớn, thế nhưng với lãi suất cao, chỉ trong vài ngày, nhiều người vay đã không thể trả được nợ.
Ảnh minh họa |
Không ít khách hàng nghĩ rằng, có thể nhờ dịch vụ bên ngoài mở khóa tài khoản iCloud hoặc nhờ đến công ty chính hãng mở khóa nên không trả đủ tiền, chỉ đến khi tài khoản iCloud bị người cho vay khóa, họ mới té ngửa là tài khoản này không dễ dàng can thiệp được nếu không có mật khẩu.
Khi người vay không trả tiền theo đúng hẹn, người cho vay lúc này trở thành "chủ sở hữu" của chiếc iPhone người vay tiền. Tính năng “Find My iPhone” được bật, người cho vay có thể tìm ra vị trí chính xác của người vay hoặc họ cũng có thể khóa iPhone từ xa lại. iPhone lúc này chẳng khác gì cục gạch vô dụng. Không những thế, mọi thông tin của người vay đã được người cho vay nắm rõ khi hình ảnh, video, danh bạ được đồng bộ qua tài khoản iCloud. Người thân hoặc bạn bè của người vay có thể bị gọi điện đe dọa hoặc tống tiền giống như các mô hình cho vay tín dụng đen nếu như người dùng chậm thanh toán hoặc không thanh toán... Tệ hơn là bị sử dụng các thông tin cá nhân vào các hoạt động trái pháp luật..
Hằng tuần hoặc hằng tháng, người vay sẽ đều phải trả lãi đúng hẹn theo như số tiền mà chiếc iPhone của họ đã được định giá. Số tiền lãi hằng tuần hoặc hằng tháng này có thể lên đến vài trăm %/năm. Lãi mẹ đẻ lãi con, người vay dần mất khả năng trả nợ.
Theo quy định của luật pháp Việt Nam, lãi suất vay của khoản vay có thể được thương lượng giữa người vay và người cho vay nhưng không được quá 20%/năm. Nếu vi phạm, người cho vay sẽ được coi là cho vay nặng lãi và xử lý theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh những đối tượng cho vay thực sự với lãi suất ở mức cao ngất ngưởng như kể trên thì đã từng có trường hợp, lợi dụng tâm lý người dùng cần vay tiền nhanh, sau khi người dùng nhập iCloud được cung cấp sẵn, các đối tượng không chuyển bất cứ một khoản tiền nào vào tài khoản mà sẽ chuyển sang phương án đòi tiền chuộc. Thực chất đây là một chiêu lừa của các đối tượng lừa đảo và hình thức này không mới. Cụ thể, các đối tượng lừa đảo sẽ tiến hành báo mất và khóa iPhone qua iCloud, đòi tiền chuộc để mở khóa. Người dùng bắt buộc trả tiền chuộc hoặc phải đối mặt với việc iPhone bị khóa và không thể sử dụng được...
Do đó, theo khuyến cáo của các chuyên gia an ninh mạng, người dùng cần nói không với dịch vụ này, tránh tiền mất tật mang. Người dùng cần phải bảo mật 2 lớp để mọi thao tác cài đặt iPhone đều phải thông báo qua số điện thoại cá nhân.
Theo các chuyên gia công nghệ, nhiều người dùng tại Việt Nam và trên thế giới vẫn chưa ý thức được việc sử dụng và bảo vệ tài khoản iCloud của mình để tránh khỏi những rủi ro không mong muốn. Nếu hacker lấy cắp được tài khoản iCloud, người dùng rất dễ bị rơi vào tình trạng mất kiểm soát, thậm chí bị mất “tiền oan”. Vì đi kèm với các thiết bị Apple là tài khoản iCloud là các dịch vụ lưu trữ đám mây, liên két với các loại thẻ như Visa, Master Card để thanh toàn tiên mua ứng dụng trên Apple Store. Nếu bạn vẫn còn mơ hồ về khái niệm iCloud và chưa hiểu về việc bảo mật tài khoản iCloud của mình thì có thể tham khảo bài viết bảo vệ tại khoản iCloud. Thực tế đã có không ít trường hợp người dùng bị đánh cắp tài khoản Apple ID và khóa các thiết bị, sau đó bị hacker tống tiền. Thậm chí có những trường hợp, những hacker này còn báo mất máy trên iCloud, buộc người dùng phải trả tiền thì mới mở lại tài khoản và cung cấp mật khẩu lại. |
(Theo Viet Q)