Là địa bàn cửa ngõ biên giới, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về thẩm lậu thực phẩm không rõ nguồn gốc từ bên kia biên giới cũng như các loại thực phẩm bẩn trong nội địa ra, tỉnh Lạng Sơn đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp cụ thể đấu tranh quyết liệt với thực phẩm bẩn.
Dạo một vòng thành phố Lạng Sơn, không khó để bắt gặp những quán lẩu- nướng vỉa hè mọc lên như nấm. Dù chỉ 19h nhưng những quán ăn này đã đông nghịt khách, xe cộ tràn ra cả lòng đường… Tại đây, có đầy đủ, đa dạng các loại thực phẩm, từ các loại nội tạng động vật như lòng, nầm, gan, cuống họng, tràng, dạ dày… tới các loại hải sản như hàu, mực, bạch tuộc… với giá cả phải chăng, tất cả đều được tẩm ướp gia vị để phục vụ nhu cầu của khách hàng.
Tại 1 quán lẩu nướng khu vực Sân vân động Đông Kinh, đường Bà Triệu, thành phố Lạng Sơn, khách ra vào nườm nượp, hầu hết là thanh thiếu niên. Từng đĩa đồ ăn được bê ra bàn, bốc mùi thơm nức. Nhưng, những vị khách này không hề biết nơi chế biến của quán ở dưới tầng hầm sân vận động Đông Kinh lại là một căn hầm ẩm thấp, bốc mùi tanh hôi lâu ngày không được quét dọn, là những bình rượu ngâm được vứt quăng quật nơi góc xó của nhà vệ sinh, là khu bếp với những nguyên liệu được bày la liệt bên những chậu nhựa bám đầy chất bẩn của dầu mỡ, rác thải… Bên ngoài thì xương xẩu, giấy ăn vứt ngập dưới gầm bàn…
Chưa bàn đến việc nguồn gốc, chất lượng của những đĩa đồ ăn đang ở trên bàn kia, nhưng chỉ quan sát bằng mặt thường thôi, cơ sở này thực sự đã không đảm bảo các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), và đây chỉ là 1 trong số rất nhiều quán ăn vẫn đang ngày đêm hoạt động tại tỉnh Lạng Sơn. Mặc dù vậy, lượng khách tới các cơ sở này vẫn rất đông.
Anh Trần Duy, người dân phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn nói:“ Ở đây lượng khách khá là đông, lúc mới đầu vào ăn tôi cũng thắc mắc là không biết nguồn gốc của các loại thực phẩm này đến từ đâu mà lại có thể phục vụ cho nhiều khách tới như vậy.
Lúc ngồi ăn nhìn thấy có rất nhiều chậu, thùng nhựa vương bãi bát đũa, nồi niêu bẩn, tôi cũng ngại ngần. Thật sự là nhiều lúc không biết đôi đũa, cái bát mình cầm trên tay có đủ sạch, hay thực phẩm mình ăn có đảm bảo ATVSTP hay không, nhưng thấy mọi người ăn được thì mình cũng ăn được, nên nhắm mắt cho qua thôi.”
Ông Đặng Văn Ngọc, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn thông tin: Sơ bộ, toàn bộ số hàng trên được vận chuyển bằng xe container theo hướng từ tỉnh Cao Bằng qua Lạng Sơn vận chuyển về các tỉnh phía sau tiêu thụ. Các lái xe cho biết bản thân mình là lái xe của công ty TNHH Thương mại vận tải Ngọc Phương (Hải Phòng) được Công ty điều động xe lên Cao Bằng để thực hiện hợp đồng vận chuyển hàng hóa. Bản thân lái xe cũng không biết hàng hóa vận chuyển là gì; khi nhận hàng cũng không được nhận hóa đơn, chứng từ hàng hóa kèm theo và không được báo địa điểm trả hàng cụ thể.
Ông Đặng Văn Ngọc, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Các đơn vị trên tuyến biên giới đã tăng cường kiểm soát đường mòn, lối mở để chống buôn lậu đối với thực phẩm nhập lậu. Với nhà hàng, cơ sở trong nội địa, các đội liên ngành vẫn đi kiểm tra thường xuyên, khi phát hiện vi phạm thì đều lập biên bản và xử lý nghiêm, tuyên truyền rộng rãi để người dân nắm được và có cảnh báo để người dân không sử dụng, tham gia ăn uống tại các nhà hàng này.”
Theo ông Nguyễn Nam Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Lạng Sơn, công tác quản lý an toàn thực phẩm đối với các quán ăn, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống nội tạng động vật và các sản phẩm từ động vật hiện nay thuộc về thẩm quyền của cấp thành phố, xã phường. Chi cục đã mở nhiều lớp tập huấn cho các cán bộ cơ sở tuy nhiên việc kiểm tra, xử lý vi phạm vẫn còn nhiều khó khăn.
“Các đoàn kiểm tra có đi kiểm tra và phát hiện nhiều trường hợp vi phạm và cũng có xử lý, nhưng với mức độ chưa đủ sức răn đe, bởi mức xử phạt các hành vi cũng như thẩm quyền còn thấp nên việc răn đe chưa thực sự hiệu quả. Việc kinh doanh dịch vụ ăn uống không rõ nguồn gốc xuất xứ có thể chứa những chất bảo quản, chứa những vi khuẩn về lâu dài sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người tiêu dùng.”- ông Dũng nói.
Những quán lẩu- nướng vỉa hè kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đang bùng phát với số lượng lớn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn vừa ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông, vừa trở thành những mầm mống hiểm họa đe dọa trực tiếp sức khỏe người tiêu dùng. Vì vậy, việc tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, cũng như các cửa hàng kinh doanh mặt hàng này là việc làm cần thiết.
Thượng tá Đặng Thái Thành, Phó trưởng Phòng CSGT-Công an tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Đối với lực lượng CSGT thì đấu tranh với thực phẩm bẩn cũng là 1 trong những nhiệm vụ chúng tôi tập trung triển khai quyết liệt, đặc biệt là tập trung xử lý hành vi vận chuyển, lưu thông thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm. Để từ đó phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm, hạn chế tình trạng vận chuyển những lô hàng bẩn đó từ biên giới về các tỉnh phía sau. Chúng tôi tăng cường công tác nắm tình hình để có những thông tin về đối tượng, phương tiện vận chuyển, sau đó bố trí lực lượng trên toàn tuyến chốt chặn để phát hiện, kiểm tra, và xử lý vi phạm. Ngoài ra cũng tăng cường công tác kiểm tra công khai đối với các phương tiện có nghi vấn.”
An toàn cho sức khỏe là do mỗi người tự quyết định. Do đó, bên cạnh sự vào cuộc của lực lượng chức năng, mỗi người dân phải thực sự là “người tiêu dùng thông minh”, cảnh giác với những nguy cơ từ thực phẩm bẩn, kém chất lượng, chú ý lựa chọn những thực phẩm rõ nguồn gốc, xuất xứ, bảo đảm an toàn vì sức khỏe bản thân, gia đình./.
Theo VOV live