Kỳ công đặt mua thực phẩm quê cho bữa ăn an toàn
Cứ khoảng 1 đến 2 tuần, chị Nguyễn Thu Hoài ở Hà Nội lại nhận một thùng thực phẩm gồm thịt, cá, tôm và các loại rau củ từ người thân ở dưới quê gửi lên. Chị cho biết, từ lâu, chị ít khi đi chợ hay siêu thị mà chủ yếu đặt mua các loại thực phẩm ở quê cho đảm bảo an toàn.
Kỳ công hơn, thỉnh thoảng chị và các đồng nghiệp ở cơ quan còn đặt mua chung một con lợn hoặc bò rồi thuê người giết mổ và chia nhau đem về trữ trong tủ đông để ăn dần.
Mặc dù phải chịu cước phí vận chuyển khá cao, rồi canh giờ đón xe, nhận hàng nhưng để có những bữa ăn ngon lành cho gia đình, chị Hoài vẫn chịu khó chọn mua thực phẩm từ quê.
Nắm bắt được nhu cầu chuộng thực phẩm từ các vùng quê của người nội trợ như chị Thu Hoài, nhiều người đã tranh thủ kinh doanh mặt hàng này bằng nhiều hình thức mà phổ biến là mua bán online thông qua các hội nhóm trên zalo, facebook. Thấy ở quê có sẵn nguồn cá tôm và các loại thịt gia cầm, chị Thanh Xuân đã đăng bán các sản phẩm này trên nhóm chung của khu chung cư nơi chị ở. Chị Xuân cũng cho biết, mặc dù khoảng cách từ quê chị ra Hà Nội không quá xa, thời gian vận chuyển mất chừng 1 tiếng nhưng để các loại thực phẩm được tươi ngon khi đến tay khách hàng, chị thường phải đóng thùng đá, bảo quản cẩn thận.
Tại chung cư của chị Xuân cũng có nhiều người bán các thực phẩm từ quê như chị. Các sản phẩm thường được giới thiệu là của người thân, họ hàng và khá phong phú. Từ trái cây, rau củ đến trứng, thịt, cá tôm với đầy đủ thông tin, số lượng, giá cả, phí vận chuyển. Có người còn kèm theo hình ảnh rau quả, gà vịt tại vườn để tạo tin tưởng cho khách hàng. Mô hình này đã giúp nhiều người nội trợ có thêm sự lựa chọn khi mua thực phẩm cho gia đình.
Những lưu ý khi đặt mua thực phẩm quê
Theo chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy - nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Nông thôn mới, xu hướng lựa chọn và mua thực phẩm ở quê có một số ưu điểm như: thông qua các mối quan hệ thân quen, người nội trợ biết được nguồn gốc, xuất xứ cũng như quá trình nuôi trồng sản phẩm và lựa chọn được thực phẩm tươi ngon, giảm bớt nỗi lo thực phẩm “bẩn”. Thông qua các mối bán hàng thực phẩm quê, chúng ta cũng dễ dàng được thưởng thức những đặc sản phong phú từ các vùng miền.
Tuy nhiên, với những trường hợp mua qua người chuyên thu gom, kinh doanh thực phẩm quê thì chất lượng và độ an toàn chủ yếu dựa vào niềm tin hoặc là kinh nghiệm. Đồng thời, việc đóng gói, bảo quản, vận chuyển từ quê ra thành phố thường sơ sài, đơn giản. Nếu gặp điều kiện thời tiết bất lợi như nóng quá hoặc mưa gió thì thực phẩm, nhất là với mặt hàng tươi sống có nguy cơ cao bị giảm chất lượng, không còn tươi ngon.
Để thực sự lựa chọn được những sản phẩm an toàn, bên cạnh việc mua thực phẩm quê thông qua người quen, họ hàng, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy khuyên người tiêu dùng nên ưu tiên mua hàng trên các sàn giao dịch thương mại điện tử có uy tín và có đăng ký với Bộ Công Thương. Nếu mua hàng thông qua mạng xã hội thì nên lựa chọn những tài khoản có uy tín, có lịch sử bán hàng đảm bảo chất lượng hoặc có có vùng sản xuất nông sản rõ ràng.
Khi mua thực phẩm quê, để bõ công vận chuyển, nhiều người thường đặt mua với số lượng lớn và dự trữ ăn dần. Để tránh lãng phí, chuyên gia Hoàng Trọng Thủy khuyên, trước khi quyết định chọn mua sản phẩm nào đó, người nội trợ nên kiểm tra lại tủ cấp đông hoặc tủ lạnh để xem lượng thực phẩm còn nhiều hay ít và đủ chỗ lưu trữ hay không. Đồng thời hạn chế mua quá nhiều thực phẩm dẫn đến sử dụng không hết và bị hư hỏng phải đổ bỏ.
Theo VOV2