untitled design 2023 06 23t125813087.jpg
Cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc được dự đoán sẽ ngày càng "khốc liệt" trong năm 2024.

Theo Chỉ số Quyền lực Châu Á của Viện Lowy, xếp hạng sức mạnh tương đối của hơn 20 quốc gia trong khu vực, Mỹ vẫn là quốc gia có ảnh hưởng lớn nhất trên nhiều thước đo, bao gồm năng lực quân sự và quyền lực văn hoá. Tuy nhiên, trong một lĩnh vực – các mối quan hệ kinh tế, được Viện Lowy định nghĩa là “tầm ảnh hưởng và khả năng đòn bẩy qua sự phụ thuộc kinh tế” (của các nước bé đối với nước lớn) – Trung Quốc đã bỏ xa Mỹ về quyền lực khu vực.

Khoảng cách quyền lực giữa Mỹ và Trung Quốc đặc biệt lớn trong một thước đo cụ thể, đó là ngoại giao kinh tế. Lý do chính giải thích lợi thế của Trung Quốc là việc Mỹ vắng mặt trong hai hiệp định thương mại chính của khu vực; (1) Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) – là hiệp định thương mại đa phương lớn nhất thế giới, và (2) Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Ngược lại, chính quyền Tổng thống Biden đã tuyên bố rằng Mỹ sẽ không theo đuổi các hiệp định thương mại chính thức. Hy vọng lớn nhất của Mỹ trong khu vực, sáng kiến Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF), cũng đang không chắc chắn sau khi các nhà đàm phán Mỹ rút lại thoả thuận “thu hoạch sớm” về các biện pháp thương mại dự kiến được ký tại San Francisco vào giữa tháng 11, trong thời gian APEC diễn ra.

Do vậy, cuộc cạnh tranh kinh tế Mỹ - Trung sẽ tiếp tục trong năm 2024, bất chấp những lời trấn an của Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình tại hội nghị APEC là hai cường quốc sẽ hợp tác với nhau để quản lý cạnh tranh một cách ổn định. Những nhận định của các nhà quan sát phương Tây cho rằng lý do để hoài nghi những lời hứa hẹn này không chỉ đến từ phía Trung Quốc. Thay vào đó, chính sách kinh tế của Mỹ đang ngày càng trở nên đơn phương và bảo hộ hơn, không chỉ đe dọa nền kinh tế toàn cầu hoá của thế kỷ 21 mà cũng sẽ góp phần lớn trong việc làm cuộc cạnh tranh này trở nên căng thẳng hơn.

Cụ thể, Mỹ đã áp dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nhằm hạn chế khả năng tiếp cận của Trung Quốc với chất bán dẫn (chip) tiên tiến. Chính sách này, được ban hành vào tháng 10/2022 và tăng cường vào tháng 10 năm sau, với các hạn chế được thắt chặt hơn nữa, dự kiến sẽ tiếp tục trong năm 2024. Mặc dù chính quyền Biden khẳng định rằng các biện pháp kiểm soát này được thiết lập nhằm bảo vệ công nghệ nhạy cảm và an ninh quốc gia Mỹ, chúng cũng phản ánh sự cạnh tranh chiến lược rộng lớn hơn giữa hai quốc gia. Bộ trưởng Thương mại Mỹ cho biết việc cập nhật các biện pháp kiểm soát này có thể được thực hiện hàng năm, dựa trên những đột phá mới của Trung Quốc. Mặc dù Trung Quốc chưa đưa ra những biện pháp đáp trả quy mô lớn, Bắc Kinh có thể hạn chế quyền tiếp cận của Mỹ với nguồn kim loại đất hiếm dồi dào của nước này, một nguyên liệu thiết yếu cho quá trình sản xuất chất bán dẫn.

Những biện pháp này sẽ có ảnh hưởng sâu rộng hơn đến nền thương mại toàn cầu và quá trình chuyển giao công nghệ, không chỉ giữa Mỹ và Trung Quốc mà còn trên khắp Châu Á – Thái Bình Dương. Các quốc gia trung bình trong khu vực sẽ phải đối mặt với lựa chọn về việc ủng hộ phe nào khi ngành công nghệ toàn cầu, không chỉ bán dẫn, ngày càng phân tách trong năm 2024. Điều này là do những chuỗi cung ứng đã góp phần lớn trong việc giúp các quốc gia Châu Á tham gia vào nền kinh tế toàn cầu bắt đầu tan rã, đưa những quốc gia như Việt Nam, Malaysia, hay cả các quốc gia phát triển như Hàn Quốc vào một tình thế tiến thoái lưỡng nan.

Cuộc cạnh tranh quân sự ở Châu Á – Thái Bình Dương cũng sẽ bước vào giai đoạn căng thẳng hơn trong năm 2024. Mỹ đang tăng cường ngân sách quốc phòng, chủ yếu tập trung vào việc chống lại khả năng quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc. Khoản ngân sách này bao gồm mức tăng 3,2% trong năm tài chính 2023 lên đến 842 tỷ USD, và dự kiến sẽ tăng hơn nữa trong 2024. Sự gia tăng này được xác định trong Chiến lược Quốc phòng và Chiến lược An ninh Quốc gia của Mỹ, cả hai đều nhấn mạnh vào tầm quan trọng chiến lược của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

screenshot 2023 12 27 at 171826.png
Mỹ sẽ tiếp tục tăng cường ngân sách cho quốc phòng trong năm 2024.

Trong năm 2024, Mỹ sẽ đầu tư vào việc xây dựng lực lượng quân sự có khả năng đối phó tốt hơn, tăng cường khả năng phòng thủ tại các địa điểm chiến lược như Hawaii và Guam, và nâng cao mức độ phức tạp của các cuộc tập trận với các quốc gia đối tác để chuẩn bị cho những tình huống xung đột trực tiếp. Điều này được thể hiện qua mức tăng 40% cho ngân sách của Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương, tập trung vào xây dựng lực lượng quân sự mạnh mẽ hơn và tăng cường hợp tác với các đồng minh trong khu vực.

Về phía Trung Quốc, điều quan trọng nhất để theo dõi trong năm 2024 sẽ là những nỗ lực của Bắc Kinh trong việc xây dựng “Cộng đồng Hàng hải chung Tương lai” (MCSF) tại Châu Á – Thái Bình Dương. Chiến lược này là một phần của mục tiêu rộng lớn hơn của Trung Quốc nhằm tăng cường ảnh hưởng ở Đông Nam Á, bao gồm ba trụ cột chính: an ninh hoá, văn minh hoá, và kinh tế hoá. Dưới trụ cột “an ninh hoá”, việc tuần tra và diễn tập chung với các nước ASEAN được xem là mục tiêu quan trọng, và sẽ bắt đầu từ các khu vực biển lân cận và dần mở rộng. Các ví dụ bao gồm tuần tra chung trên sông Mê Kông với Lào, Myanmar, và Thái Lan, cũng như các cuộc tập trận đa phương như Aman Youyi. Trong khi đó, trụ cột “văn minh” sẽ tập trung vào khảo cổ hàng hải và ngoại giao di sản, nhằm tìm kiếm các vụ đắm tàu ở Biển Đông và quảng bá các địa điểm di sản văn hoá liên quan đến lịch sử hàng hải của Trung Quốc. Những nỗ lực này dự kiến sẽ tăng cường trong năm 2024, để củng cố chính sách hàng hải của Bắc Kinh và thúc đẩy quan hệ với các nước dọc theo Con đường tơ lụa trên biển.

Ngoài cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung, Châu Á – Thái Bình Dương cũng sẽ là một điểm nóng quan trọng trong xu hướng phát triển nền kinh tế thế giới trong năm 2024. Các nhà phân tích và nhà sản xuất đặt kỳ vọng rằng nhu cầu thị trường điện tử sẽ tăng mạnh trong năm 2024, một tín hiệu tích cực cho nhiều chính phủ trong khu vực. Chu kỳ suy thoái của ngành điện tử trong năm 2023 đã gây áp lực lên sự tăng trưởng của một số nền kinh tế, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore. Mức xuất khẩu của khu vực đã giảm trong năm 2023. Ở Hàn Quốc, Singapore và Việt Nam, Standard and Poor (S&P) dự báo sẽ có sự phục hồi trong mức xuất khẩu vào năm 2024, giúp tăng tốc độ tăng trưởng GDP thực tế vượt qua mức dự báo cho năm 2023.

Mặc dù vậy, báo cáo của S&P cũng cho biết rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế tổng thể ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương có thể chậm lại trong năm tới. Có khả năng nhu cầu thị trường nội địa của các nền kinh tế lớn sẽ tăng với tốc độ chậm hơn trong năm 2024. Sức mạnh tương đối của nhu cầu tiêu dùng ở các quốc gia trong khu vực trong năm 2023 chủ yếu do sự phục hồi trong chi tiêu sau khi các biện pháp chống dịch COVID-19 được gỡ bỏ – đặc biệt là ở Trung Quốc và Nhật Bản, hai nền kinh tế cuối cùng mở cửa trở lại với nền kinh tế toàn cầu. Sau đợt phục hồi này, động lực tăng trưởng dần chậm lại, và tốc độ tăng trưởng chi tiêu dự kiến sẽ hạ xuống mức thấp hơn trong năm 2024.

china briefing shanghai industry economics and policy.jpg
Kinh tế Trung Quốc sẽ có nhiều biến động trong năm 2024? Ảnh: China Briefing

Cuối cùng, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với tình hình kinh tế còn nhiều biến động trong năm 2024. Dự kiến mức tăng trưởng GDP của nước này sẽ ở mức khoảng 5% trong năm, khi Bắc Kinh dự báo nền kinh tế vẫn đang trong quá trình phục hồi sau COVID-19. Tuy nhiên, việc đạt được mục tiêu này có thể đối mặt với thách thức từ ảnh hưởng của các vấn đề khác trong nước như tỷ lệ thất nghiệp thanh niên cao, mức nợ chính quyền địa phương cao, và ngành sản xuất công nghiệp đang suy giảm. Trong năm 2023, sự phát triển của nền kinh tế Trung Quốc đã chủ yếu dựa vào tiêu dùng nội địa, khác biệt so với những năm trước khi phụ thuộc vào xuất khẩu, bất động sản, và xây dựng.

Sự thay đổi này có thể được xem là nỗ lực của Bắc Kinh nhằm xây dựng một nền kinh tế nội địa và kiên cường hơn, nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến các nước láng giềng. Qua việc xuất khẩu hàng hoá trung gian và nguyên liệu thô cho ngành sản xuất của Trung Quốc, các quốc gia này đã phụ thuộc vào nền kinh tế của Bắc Kinh. Do đó, xu hướng phát triển kinh tế hiện tại của Trung Quốc có thể tạo nên những rủi ro lớn cho các quốc gia láng giềng trong năm 2024.

Đón đọc Phần 3