Nghị quyết số 06-NQ/TU (03/11/2021) của Tỉnh uỷ Cao Bằng về phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định rõ chuyển đổi số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, thường xuyên của cả hệ thống chính trị.
Để thực hiện nhiệm vụ trên, thời gian qua, tỉnh Cao Bằng đã tiến hành triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh về chuyển đổi số, cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tiên phong, đi đầu trong việc thực hiện cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số để nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt để xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, chuyển đổi số của tỉnh.
Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị của tỉnh cũng quan tâm đến chuyển đổi số nhằm nâng cao các Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông (ICT-INDEX).
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về cải cách hành chính, chuyển đổi số nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, người dân, doanh nghiệp về sự cần thiết và tính cấp thiết của cải cách hành chính, chuyển đổi số; tạo sự chuyển biến có tính đột phá, mang lại hiệu quả thiết thực, nâng cao sự hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.
Cao Bằng nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cộng và chất lượng đời sống cộng đồng bằng cách ứng dụng hiệu quả công nghệ số.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, thúc đẩy hoàn thành xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp; đề xuất các giải pháp, sáng kiến, cách làm hay, hiệu quả trong thực hiện cải cách hành chính, chuyển đổi gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Tỉnh triển khai mô hình tổ công nghệ số cộng đồng tại các địa phương để thực hiện các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng công nghệ số, trong đó chú trọng hướng dẫn người dân tiếp cận và sử dụng dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước.
Các phong trào thi đua “Đẩy mạnh cải cách hành chính gắn liền với chuyển đổi số” được các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh quan tâm chú trọng, tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, nghiêm túc, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, sâu rộng về nhận thức và trách nhiệm việc thực hiện cải cách hành chính, chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tính đến 31/7/2024, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Cao Bằng đang cung cấp 1.570 dịch vụ công trực tuyến toàn trình và dịch vụ công trực tuyến một phần. Trong đó, dịch vụ công trực tuyến một phần chiếm 23,58%; dịch vụ công trực tuyến toàn trình chiếm 64,97%; 11,45% thủ tục hành chính chưa được nâng lên dịch vụ công trực tuyến toàn trình hay một phần.
Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh hoạt động ổn định kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các hệ thống của các bộ ngành đảm bảo an toàn, an ninh thông tin theo hướng dẫn của Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông phục vụ tra cứu, xác thực thông tin từ Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh đến hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các hệ thống của các bộ ngành.
Trong đó, tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến đạt 71,55%; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến có giao dịch thanh toán trực tuyến đạt 48,29%; tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến đạt 42,35%; tỷ lệ hồ sơ kết quả điện tử đạt 68,99%; tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt 68,5%.