Ngày 22/11/2024, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Cao Bằng phối hợp với Viện Chiến lược thông tin và truyền thông tổ chức Hội thảo Chuyển đổi số tỉnh Cao Bằng năm 2024.
Hội thảo thông tin các chuyên đề về định hướng triển khai Chiến lược dữ liệu quốc gia đến năm 2030, thúc đẩy triển khai thực hiện Chiến lược dữ liệu quốc gia đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo; Thúc đẩy các nền tảng số phục vụ du lịch, chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch; Chuyển đổi số để doanh nghiệp, hợp tác xã nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất.
Cùng với đó là các vấn đề về an ninh mạng; Giải pháp tăng cường quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử; Phát triển hạ tầng viễn thông để xóa vùng lõm sóng di động, phục vụ quá trình chuyển đổi số; Bảo đảm an toàn thông tin trong kết nối chia sẻ dữ liệu phục vụ chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số...
Ông Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Cao Bằng cho biết, Hội thảo Chuyển đổi số tỉnh Cao Bằng 2024 là cơ hội để tỉnh tiếp tục mở rộng tầm nhìn, quan điểm, khẳng định vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số trong giai đoạn mới. Đồng thời giúp tỉnh trao đổi, học tập và chia sẻ kinh nghiệm về giải pháp công nghệ, sản phẩm dịch vụ phục vụ xây dựng chính quyền điện tử, phát triển kinh tế số.
Trong thời gian qua, công tác chuyển đổi số tại tỉnh Cao Bằng đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Điển hình như: kiến trúc nền tảng của chính quyền điện tử, chính quyền số Cao Bằng dần được hình thành; các hệ thống thông tin trọng yếu, dùng chung được triển khai đồng bộ, kết nối liên thông 4 cấp.
Tỉnh tích cực thực hiện liên thông, kết nối, chia sẻ và khai thác dữ liệu, nhất là kết nối, liên thông dữ liệu giữa Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ triển khai Đề án 06.
Cao Bằng được đánh giá là một trong các tỉnh thực hiện tốt công tác làm sạch dữ liệu dân cư, đảm bảo “đúng - đủ - sạch - sống”. Chất lượng và hiệu quả cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao.
Trong 10 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến của tỉnh Cao Bằng đạt 74,9%. Internet cáp quang tốc độ cao đã phủ đến 100% trung tâm xã, phường, thị trấn.
100% doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử; gần 89% dân số toàn tỉnh có điện thoại thông minh; 98% dân số có sổ sức khỏe điện tử.
Nhiều bệnh viện, trường học, tổ chức, doanh nghiệp ứng dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Đặc biệt, mới đây tỉnh đã tổ chức công bố, triển khai nền tảng Công dân số Cao Bằng.
Để thực hiện tốt công tác chuyển đổi số thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng đề nghị, mỗi cơ quan, địa phương trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao hơn nữa nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân về vai trò, ý nghĩa, lợi ích của chuyển đổi số.
Xây dựng chương trình hành động, kế hoạch, lộ trình chuyển đổi số; triển khai nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm, bài bản, thực chất, hiệu quả phù hợp với nguồn lực của địa phương và nhu cầu thực tiễn của xã hội.
Tiếp tục huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực sẵn có, tranh thủ sự giúp đỡ, chỉ đạo, hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương để tiến hành chuyển đổi số.
Trong quá trình thực hiện nhất quán quan điểm "lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, làm mục tiêu, động lực cho chuyển đổi số"; cung cấp dịch vụ chất lượng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp; bảo đảm người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng kết quả, hiệu quả từ các hoạt động chuyển đổi số.