UBND tỉnh Cao Bằng mới đây đã tổ chức Lễ công bố các nền tảng số: Công dân số Cao Bằng, Nông dân Việt Nam; Chiến dịch ra quân cao điểm hướng dẫn cài đặt sử dụng các nền tảng số.

Theo đó, nền tảng Công dân số Cao Bằng được xác định là một kênh tổng hợp kết nối giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền; là kênh hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong việc khai thác, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt... Đây là một trong những nhiệm vụ ưu tiên triển khai theo Đề án Chuyển đổi số tỉnh Cao Bằng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. 

Cao Bằng
Lễ công bố và đưa vào sử dụng nền tảng Công dân số Cao Bằng và Nông dân Việt Nam.

Với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ: "Người dân và doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số", nền tảng Công dân số Cao Bằng được triển khai nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, minh bạch hóa quy trình hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Được biết, nền tảng Công dân số tỉnh Cao Bằng có các chức năng: Cung cấp dịch vụ công trực tuyến; Phản ánh, kiến nghị; Thông tin tin tức, sự kiện, cảnh báo, ứng phó linh hoạt với các tình huống khẩn cấp; Thanh toán trực tuyến; Cung cấp các thông tin dịch vụ khác như danh bạ các cơ quan chức năng của tỉnh, các dịch vụ an sinh xã hội, trợ lý ảo, camera công cộng giúp người dân dễ dàng tìm kiếm các thông tin, truy cập dịch vụ cần thiết.

Thông qua nền tảng Công dân số Cao Bằng mang lại lợi ích quan trọng cho lãnh đạo chính quyền các cấp, giúp lãnh đạo quản lý, điều hành và tương tác với người dân, doanh nghiệp hiệu quả như: quản lý dữ liệu; minh bạch hóa thủ tục hành chính; ra quyết định kịp thời, nhanh chóng giải quyết các vấn đề cấp bách của người dân; tăng cường tương tác với người dân.

Đối với nền tảng số Nông dân Việt Nam (còn gọi là App Nông dân Việt Nam) được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam ra mắt và đưa vào sử dụng từ tháng 12/2023 tại Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028. 

Nền tảng số Nông dân Việt Nam gồm 4 khối chức năng chính gồm: Công tác Hội, Tin nhắn, Bảng tin, Khám phá. Việc triển khai nền tảng số Nông dân Việt Nam nhằm tạo lập một cơ sở dữ liệu điện tử đồng bộ, quản lý các thông tin của tổ chức hội, thông tin cán bộ, hội viên, kết nối các thông tin liên quan đến cán bộ, hội viên; thống kê số lượng, chất lượng hội viên, hộ hội viên sản xuất, kinh doanh trên địa bàn…

Qua gần một năm triển khai, nền tảng số Nông dân Việt Nam đã thu hút trên 2 triệu cán bộ, hội viên, nông dân tham gia; tại tỉnh Cao Bằng có trên 13 nghìn cán bộ, hội viên nông dân đã cài đặt, kích hoạt và sử dụng nền tảng số.

Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh, dù điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn, song với quyết tâm chính trị, bằng sự đổi mới, sáng tạo, tỉnh Cao Bằng đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh chuyển đổi số tổng thể và toàn diện trên cả 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, trong đó xã hội số bao gồm: công dân số, kết nối số và văn hóa số. 

Tỉnh đã chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì triển khai xây dựng nền tảng Công dân số Cao Bằng; đồng thời, chỉ đạo triển khai nền tảng Nông dân Việt Nam theo hướng dẫn của Trung ương Hội Nông dân.

Ngoài ra, tỉnh Cao Bằng cũng phát động chiến dịch ra quân cao điểm hướng dẫn cài đặt sử dụng các nền tảng số trên địa bàn toàn tỉnh, với lực lượng nòng cốt là các tổ chuyển đổi số cộng đồng để hướng dẫn, hỗ trợ người dân cài đặt và sử dụng các nền tảng số, công nghệ số với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người”. 

Qua đó, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các nhiệm vụ về chuyển đổi số, thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chương trình, kế hoạch chuyển đổi số của tỉnh. Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các địa phương và người dân Cao Bằng về vai trò, ý nghĩa, lợi ích của chuyển đổi số.