Tài nguyên du lịch phong phú

Cao Bằng được thiên nhiên ban tặng vẻ đẹp, không chỉ mang nhiều giá trị đa dạng sinh học độc đáo, các giá trị di sản địa chất, địa mạo, mà còn là nơi hội tụ của nhiều di tích lịch sử, khảo cổ học nổi tiếng.

Bên cạnh đó, tỉnh Cao Bằng còn là vùng đất có bề dày lịch sử, là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, là “cái nôi” của cách mạng Việt Nam, được Bác Hồ lựa chọn để trở về trực tiếp lãnh đạo cách mạng sau hơn 30 năm bôn ba đi tìm đường cứu nước.

Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 95,3% dân số toàn tỉnh. Mỗi dân tộc thiểu số đều có những phong tục, tập quán với nét sinh hoạt văn hóa rất riêng, độc đáo, phong phú, tạo nên sự giao hòa văn hóa giữa các dân tộc anh em, hình thành văn hóa đa dân tộc và đậm đà bản sắc của vùng đất Cao Bằng...

Tỉnh Cao Bằng sở hữu tài nguyên du lịch phong phú, riêng có, với hơn 200 di tích, trong đó 98 di tích được xếp hạng (3 di tích quốc gia đặc biệt: Khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó, Khu di tích quốc gia đặc biệt Rừng Trần Hưng Đạo, Khu di tích quốc gia đặc biệt Địa điểm chiến thắng Biên giới năm 1950; 25 di tích cấp quốc gia; 68 di tích cấp tỉnh); 2 bảo vật quốc gia; 4 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận 1 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại...

Tỉnh Cao Bằng còn có hơn 2.000 di sản văn hóa phi vật thể; trong đó tiếng nói, chữ viết có 6 di sản, ngữ văn dân gian có 150 di sản, tập quán xã hội và tín ngưỡng có 745 di sản, lễ hội truyền thống có 200 di sản, nghề thủ công truyền thống có 112 di sản, tri thức dân gian có 487 di sản, nghệ thuật trình diễn dân gian 300 di sản...

Cao Bằng có những thắng cảnh say đắm lòng người, như thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, Mắt Thần núi (huyện Trùng Khánh), Quần thể hồ Thăng Hen (huyện Quảng Hòa) với hệ thống hang động ngầm rất hấp dẫn du khách quốc tế... Trong đó, có những di sản có giá trị nổi bật về hệ sinh thái, với sự hiện diện của nhiều giống loài quý hiếm, như Khu bảo tồn loài vượn Cao Vít (huyện Trùng Khánh), Vườn quốc gia Phja Oắc - Phja Đén (huyện Nguyên Bình) với đặc trưng rừng rêu và đa dạng sinh học, nơi sinh sống của trên 90 loài thực vật và 58 loài động vật quý hiếm...

Cao Bằng có những thắng cảnh say đắm lòng người, như thác Bản Giốc

Vùng đất này có nhiều đặc sản, văn hóa ẩm thực độc đáo, trong đó nổi bật như: lê Đông Khê lọt vào tốp trái cây nổi tiếng nhất Việt Nam năm 2012, bánh Coóng phù Cao Bằng, xôi Trám, hạt dẻ lọt tốp 100 món ăn đặc sản nổi tiếng Việt Nam.

Với những giá trị về địa chất, địa mạo, lịch sử mang đậm bản sắc văn hóa, tháng 4/2018, Công viên địa chất Non nước Cao Bằng đã được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu với diện tích trên 3.000km2, sở hữu những giá trị về địa chất, địa mạo, lịch sử mang đậm bản sắc văn hóa với hơn 130 điểm di sản và ba tuyến trải nghiệm. Việc xây dựng thành công danh hiệu công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng đã mở ra cho du lịch Cao Bằng nhiều cơ hội mới, đem đến những đóng góp rất tích cực, hiệu quả đột phá cho ngành du lịch của địa phương.

Biến tiềm năng thành thế mạnh du lịch để thúc đẩy phát triển KT-XH

Để biến tiềm năng thành thế mạnh thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, Đảng bộ tỉnh Cao Bằng đã chỉ đạo, lãnh đạo công tác gìn giữ, phát huy những nét văn hóa độc đáo của các dân tộc thiểu số, của non nước, nguồn tài nguyên dồi dào tỉnh Cao Bằng, tạo tiền đề, cơ sở cho phát triển du lịch.

Tỉnh ủy Cao Bằng đã chỉ đạo ngành văn hóa và các đơn vị liên quan triển khai nhiều giải pháp thiết thực để các di sản văn hóa trở thành nguồn lực góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tiêu biểu như duy trì và phục dựng các làng nghề truyền thống (nghề rèn thủ công truyền thống của đồng bào Nùng An; nghề đan lát mây tre của người Tày, Nùng; nghề dệt thổ cẩm, làm hương...).

Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc được thực hiện thông qua các chương trình, đề án, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, như “Nghiên cứu, phục dựng đám cưới dân tộc Dao đỏ tỉnh Cao Bằng”, “Khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Lễ Thuổn Puôn của người Sán Chỉ ở Cao Bằng”, “Nghiên cứu, đề xuất giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị dân ca dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao tỉnh Cao Bằng”, “Nghi lễ đám cưới của người Lô Lô trên địa bàn tỉnh Cao Bằng”; khôi phục 4 lễ hội dân gian truyền thống (Lễ hội Háng Tán, Lễ hội Lồng tồng, Lễ hội Co Sầu, Lễ hội Bó Puông)...

Bên cạnh đó, Tỉnh Cao Bằng đã thực hiện các dự án, đề tài nghiên cứu khoa học, như “Sưu tầm, nghiên cứu dân ca, dân vũ của người Dao đỏ tỉnh Cao Bằng”, “Sưu tầm, nghiên cứu dân ca, dân vũ của người Sán Chỉ tỉnh Cao Bằng”, “Biên soạn tài liệu giảng dạy một số làn điệu dân ca dân tộc Tày, Nùng tỉnh Cao Bằng” áp dụng giảng dạy tại Trường Năng khiếu nghệ thuật và thể thao tỉnh. Xây dựng kịch bản và nâng cấp các lễ hội: Chùa Sùng Phúc (thị trấn Thanh Nhật, huyện Hạ Lang), Đền Kỳ Sầm (xã Vĩnh Quang, thành phố Cao Bằng), Lễ hội Thanh Minh gắn kết làng nghề truyền thống tại xã Phúc Sen (huyện Quảng Hòa), Lễ hội Nàng Hai (xã Tiên Thành, huyện Quảng Hòa). Phục dựng các lễ hội dân gian truyền thống, như Lễ hội Lồng tồng, Lễ hội Bó Puông...

Hệ thống di tích lịch sử cách mạng, văn hóa và các danh lam, thắng cảnh... được tỉnh quan tâm giữ gìn, tôn tạo. Các giá trị văn hóa, văn học và nghệ thuật; dân ca, dân nhạc, dân vũ dân gian truyền thống được nghiên cứu, sưu tầm, khôi phục và phát huy giá trị.

Tỉnh thường xuyên tập trung rà soát các mục tiêu, nhiệm vụ, xây dựng chương trình, kế hoạch với các nhóm giải pháp sát thực tiễn của từng địa phương, đơn vị để tổ chức thực hiện có hiệu quả, như kế hoạch thực hiện các đề án “Chương trình hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2030” trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, “Bảo tồn phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay trên địa bàn tỉnh Cao Bằng năm 2021”, “Phát triển du lịch tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2035”, nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”...

Khát vọng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Ngành du lịch được Đảng bộ, chính quyền tỉnh Cao Bằng quan tâm, chú trọng phát triển với các cơ chế, chính sách phù hợp, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, địa phương và nhân dân để cùng hiện thực hóa mục tiêu và khát vọng phát triển du lịch tỉnh Cao Bằng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng bền vững.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cao Bằng nhiệm kỳ 2016 - 2020 xác định du lịch là 1 trong 6 chương trình trọng tâm của tỉnh.

Thực hiện mục tiêu này, tỉnh Cao Bằng đã xây dựng lộ trình phù hợp, với điểm nhấn quan trọng là Chương trình số 10-CTr/TU, ngày 29-4-2016, của Tỉnh ủy Cao Bằng về phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020. Qua 5 năm thực hiện, chương trình đã mang lại những kết quả tích cực, thay đổi cơ bản diện mạo du lịch Cao Bằng.

Kết cấu hạ tầng du lịch, dịch vụ được quan tâm đầu tư, nâng cấp. Công tác quy hoạch du lịch trên địa bàn tỉnh cơ bản được hoàn thành. Bước đầu tập trung đầu tư xây dựng một số khu, điểm du lịch quan trọng, tạo được nền móng cơ bản về hạ tầng giao thông phục vụ các tuyến du lịch chính trong tỉnh. Lượng khách, doanh thu và tăng trưởng du lịch có sự phát triển vượt bậc.

Kế thừa kết quả đạt được của giai đoạn trước cùng với tâm thế, khát vọng xây dựng thương hiệu du lịch Cao Bằng, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Cao Bằng đã cụ thể hóa Nghị quyết thành hành động, thể hiện rõ nét nhất trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, trong đó xác định du lịch - dịch vụ bền vững là 1 trong 3 đột phá chiến lược.

Đầu năm ngoái, Ban Chỉ đạo thực hiện các nội dung đột phá tỉnh ban hành Kế hoạch số 11-KH/BCĐ thực hiện nội dung đột phá về phát triển du lịch - dịch vụ bền vững giai đoạn 2022 - 2025, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội về vị trí, vai trò và ý nghĩa của ngành du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Quá trình thực hiện nội dung đột phá chiến lược đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn tại tỉnh Cao Bằng có thêm thuận lợi bởi được kế thừa, phát huy kết quả đạt được từ giai đoạn trước cũng như các cơ chế, chính sách phù hợp, tạo động lực cho du lịch phát triển trong giai đoạn hiện nay.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng công tác xúc tiến quảng bá du lịch ngày càng được quan tâm, đẩy mạnh với nhiều hình thức đa dạng, phong phú với sự tham gia vào cuộc của các cấp, các ngành. 

Ngoài ra, các hoạt động liên kết, hợp tác luôn được tăng cường, tạo cơ hội cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tìm kiếm thị trường, thúc đẩy hoạt động xúc tiến đầu tư thương mại, góp phần khai thác, mở rộng thị trường du lịch trong nước và quốc tế.

Song bên cạnh những thuận lợi, tỉnh Cao Bằng đang đối mặt với nhiều khó khăn nhất định. Quy mô nền kinh tế của tỉnh còn nhỏ, hạ tầng kinh tế - xã hội (giao thông, du lịch - dịch vụ, cửa khẩu, đô thị, nông thôn...) còn yếu và thiếu đồng bộ. Thực tế, hạ tầng giao thông đã và đang là điểm nghẽn lớn tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến hoạt động kêu gọi đầu tư và thu hút khách du lịch đến tỉnh Cao Bằng. Tỉnh Cao Bằng là địa phương không có đường thủy, đường sắt, sân bay và chưa có đường cao tốc, chỉ có duy nhất đường bộ được thiết kế với trọng tải và lưu lượng xe còn hạn chế, vì vậy, khách du lịch khó tiếp cận các điểm đến, mất nhiều thời gian cho việc di chuyển.

Cơ chế, chính sách của tỉnh chưa thực sự thông thoáng, chưa đủ hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư chiến lược. Phần lớn các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh hoạt động với quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp, khả năng nguồn vốn và kinh nghiệm quản lý chưa đáp ứng nhu cầu. Cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ du lịch còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Đặc biệt, địa bàn tỉnh thiếu cơ sở lưu trú du lịch cao cấp, cơ sở cung cấp dịch vụ vui chơi giải trí, mua sắm. Tính đến nay, tỉnh Cao Bằng có 296 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó duy nhất có 1 cơ sở đạt tiêu chuẩn 3 sao, 19 cơ sở đạt tiêu chuẩn 2 sao, 64 cơ sở đạt tiêu chuẩn 1 sao; còn lại là các nhà nghỉ, homestay...

Nguồn nhân lực du lịch chưa đáp ứng về số lượng, năng lực, nhất là lực lượng hướng dẫn viên du lịch quốc tế. Đội ngũ quản lý du lịch các cấp còn thiếu, đặc biệt ở cơ sở hầu hết là kiêm nhiệm, đa số chưa qua đào tạo nghiệp vụ nên tham mưu chuyên môn chưa sâu. Hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch thiếu chiến lược lâu dài và hiệu quả. Các sản phẩm gắn với hoạt động du lịch chưa phong phú, đa dạng và chưa tạo sự khác biệt với các địa phương trong vùng. Một số cấp ủy, chính quyền chưa thực sự vào cuộc và quyết liệt chỉ đạo thực hiện nên hiệu quả một số hoạt động chưa cao. Nhận thức của cán bộ, đảng viên, người dân địa phương về du lịch, nhất là tại các vùng phát triển khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh chưa cao.

Đễ tháo gỡ những bất cập đang trì níu để đưa du lịch Cao Bằng cất cánh vươn xa trong tương lai, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, xác định:

Từng bước đưa du lịch Cao Bằng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng tỉnh Cao Bằng trở thành trung tâm du lịch của các tỉnh khu vực trung du, miền núi phía Bắc. Phấn đấu đến năm 2025, tỉnh Cao Bằng đón khoảng 3 triệu khách du lịch, trong đó đạt 2,7 triệu lượt khách du lịch nội địa. Thu nhập xã hội từ du lịch đạt trên 3.000 tỷ đồng. Phấn đấu Khu du lịch thác Bản Giốc đạt tiêu chí trở thành Khu du lịch quốc gia.

Hòa An