Những ngày này, nhà anh Nguyễn Huy Hoàng ở Thanh Lãm, Phú Lương, Hà Đông (Hà Nội) lúc nào cũng tất bật. Cả nhà anh Hoàng gồm 5 người lớn mỗi người mỗi việc, luôn chân luôn tay để cho ra những mẻ bánh chưng xanh phục vụ mọi người.

“Sáng ra, 3h là cả nhà đã lục đục dậy để làm. Người rửa lá dong, người đãi đậu, đãi gạo, người gói bánh, người luộc bánh, người vớt bánh. Sau đó, người tổng hợp đơn đặt hàng của khách và đặt ship để ship cho khách. Ngày nào nhà mình cũng tất bật như thế từ sáng đến khuya. Tối khuya thì thay phiên nhau trông để ngủ nghỉ một chút”, anh Hoàng kể.

{keywords}
Bánh chưng xanh được nhiều khách đặt ngày Tết 

Anh Hoàng cho hay, cứ đến thời điểm giáp Tết hàng năm nhà anh lại bận tối mắt. Rất nhiều bà nội trợ đặt bánh chưng Tết nhà anh. “Năm trước, chưa có dịch Covid-19, họ thường tìm đến tận nơi để mua hay đặt hàng. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều người hạn chế bày vẽ không gói bánh chưng tại nhà nên gọi điện hay nhắn Zalo, facebook để đặt mua bánh chưng Tết. Khách đặt chỉ cần để lại địa chỉ cụ thể, số lượng bánh cần, sau 1-2 ngày nhà mình sẽ ship. Với những người đặt số lượng lớn thì phải chuyển tiền đặt cọc trước khoảng 30-50%”.

Anh Hoàng nói thêm, khách đặt bánh chưng ăn Tết thời điểm này không chỉ là người quanh vùng mà còn là khách mua sỉ từ khắp nơi. Vì thế, những mẻ bánh chưng nhà anh sau khi ra lò đều phải được ép kỹ để đảm bảo vận chuyển xa cũng không bị thiu, hỏng.

"Những ngày thường, nhà mình chỉ làm 100-200 chiếc để bán lẻ và giao cho các hàng bán đồ ăn sáng. Những ngày giáp Tết, mỗi ngày nhà mình phải gói cả nghìn cái mới đủ phục vụ khách. Làm đã vất vả rồi, còn phải để ý nghe điện thoại đặt hàng và ship cho khách nữa. Vì thế, ai cũng luôn chân luôn tay”, anh Hoàng nói.

{keywords}
Thời điểm này, mỗi ngày nhà anh Hoàng bán ra hàng nghìn chiếc bánh chưng 

Với bánh chưng ăn Tết, nhà anh Hoàng gói hai loại, đó là bánh chưng vuông và bánh chưng dài.

“Nhiều người thì thích ăn bánh chưng xanh hình vuông kiểu truyền thống. Có gia đình lại đặt bánh chưng dài để tiện cắt ra rán, hấp lại. Một chiếc bánh chưng nặng khoảng 1kg có giá 70.000 đồng/chiếc, mua lẻ cũng như mua buôn. Khách lấy nhiều vài chục chiếc mới giá giảm một chút”, anh Hoàng chia sẻ.

Theo anh Hoàng, bánh chưng nhà anh được nhiều người đặt mua vì thơm ngon nhờ mọi nguyên liệu từ gạo nếp, lá dong đến thịt lợn gói bánh đều được tuyển chọn kỹ càng, làm sạch sẽ. Nhất là khâu luộc bánh, anh luôn luộc đủ 12 tiếng. Do đó, mẻ bánh nào cũng rất mềm, dền không bị nhão nát hay mất đi vị ngon.

{keywords}
Nhà anh luôn luộc bánh chưng đủ 12 tiếng.

 

{keywords}
Bánh chưng thơm ngon, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm 

Chia sẻ về cách luộc bánh chưng ngon, không bị biến dạng, bóp méo, người đàn ông nhiều năm gói bánh chưng bán Tết này mách nước: “Nhiều người cứ nghĩ luộc bánh chưng đơn giản nhưng rất khó vì thời gian luộc lâu. Muốn mẻ bánh luộc ngon, trước khi xếp bánh vào nồi, phải xếp một lớp cuống lá dong bên dưới đáy xoong để bánh không bị cháy và bị dính dưới đáy nồi. Lúc này mới xếp bánh chặt để bánh được giữ cố định, khi nước sôi cũng không bị vỡ.

Đặc biệt, sau khi nồi bánh chưng luộc đã sôi thì phải giảm lửa. Chỉ để lửa củi hay lửa than vừa trong suốt quá trình luộc bánh. Trong vòng 10-12 tiếng này, phải liên tục thêm nước để bánh ngập trong nước. Khi vớt bánh chưng ra, phải rửa sạch để vỏ ngoài bánh không bị nhớt. Sau đó, xếp bánh chồng lên nhau. Dùng vật nặng đè lên bánh để ép nước. Quá trình này rất quan trọng, giúp bánh chưng không bị nhão và bảo quản được khoảng 2 tuần”.

Anh cũng cho hay, từ 21 tháng Chạp, nhà anh bắt đầu cấp tập gói bánh chưng phục vụ Tết và chỉ nhận đơn đến hết 29. Ngày 30 anh trả ít đơn còn lại. Mẻ bánh nào xong anh giao cho khách ngay, không vì hám lời mà gói bánh sớm. Bởi bánh xuống chất lượng thì năm sau sẽ không giữ được khách.

Thảo Nguyên