Nhiều dấu hiệu tích cực

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến ngày 15/9 đã có buổi kiểm tra, làm việc với tỉnh Quảng Nam về công tác phòng chống khai thác thủy sản bất hợp pháp không báo cáo theo quy định (IUU).

Theo Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam Ngô Tấn, hoạt động chống khai thác IUU tại Quảng Nam thời gian qua đạt được một số kết quả tốt. 100% tàu cá trên địa bàn tỉnh đã sơn màu cabin tàu để đánh dấu tàu cá theo đúng quy định. Tổng số tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên được Chi cục Thủy sản thẩm định và cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATVSTP là 638/648 tàu, chiếm tỷ lệ 98,4%.

Tại tỉnh, 641 tàu cá từ 15m trở lên đã lắp thiết bị giám sát hành trình, chiếm 99%. 7 tàu cá còn lại là do đóng theo Nghị định 67, tàu ở tỉnh khác, tàu có công suất dưới 90CV và tàu có công suất nhưng không hoạt động.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến làm việc tại tỉnh Quảng Nam.

Tỉnh cũng thực hiện phân quyền quản lý khai thác, sử dụng, xử lý dữ liệu giám sát tàu cá cho các đơn vị liên quan để theo dõi hoạt động tàu cá, xác nhận sản lượng thủy sản, phòng chống thiên tai, xử lý tranh chấp trên biển và ngăn ngừa tàu vi phạm vùng biển nước ngoài... 2 năm gần đây, Quảng Nam không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt và bị xử lý.

“Chi cục Thủy sản đã phân công phòng chuyên môn tổ chức trực theo dõi, giám sát, phối hợp xử lý thông tin tàu cá mất tín hiệu kết nối trên biển, tàu cá vi phạm vùng khai thác hải sản theo quy định. Hiện trang thiết bị để trực theo dõi, giám sát tàu cá tương đối đầy đủ”, ông Tấn cho hay.

Từ đầu năm đến ngày 8/9, tổng sản lượng thủy sản xác nhận là gần 229 tấn, trong đó, cá ngừ sọc dưa: 118,35 tấn; cá vây vàng: 19,42 tấn; cá ngừ bò: 22,89 tấn.

Ông Ngô Tấn cho hay, trong năm 2023, có 34 vụ tàu mất tín hiệu 10 ngày trở lên, các vụ việc đã được xử lý. Từ năm 2022 đến ngày 12/9/2023, địa phương đã tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chuyên ngành xử phạt hành chính 244 vụ vi phạm quy định trong hoạt động khai thác IUU với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 3 tỷ đồng.

Nhiệm vụ IUU là cấp bách

Tuy nhiên, những hạn chế mà cơ quan chức năng địa phương gặp phải là tỷ lệ tàu cá có chiều dài dưới 15m được cấp đăng ký, giấy phép khai thác thủy sản, đăng kiểm còn thấp; việc cập nhật dữ liệu tàu cá vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNfishbase) chưa kịp thời.

Ông Tấn chỉ rõ: “Tỷ lệ kiểm soát sản lượng khai thác của các tàu cá hoạt động vùng khơi xuất nhập qua cửa biển An Hòa chưa đảm bảo yêu cầu đặt ra. Sổ sách ghi chép chưa rõ ràng, phối hợp trao đổi thông tin chưa kịp thời dẫn đến chưa đảm bảo độ tin cậy trong việc kiểm soát tàu cá ra vào cảng, giám sát sản lượng thủy sản từ khai thác bốc dỡ qua cảng.

Ngoài ra, việc lưu trữ hồ sơ chưa khoa học dẫn đến truy xuất hồ sơ phục vụ cho công tác kiểm tra chưa kịp thời. Tàu cá không thông báo trước khi cập cảng vẫn cho cập cảng bốc dỡ thủy sản từ khai thác nhưng không xử lý theo quy định”.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT nhận định, nhiệm vụ gỡ thẻ vàng IUU đang là cấp bách.

Từ đó, tỉnh Quảng Nam kiến nghị Bộ NN-PTNT tham mưu Chính phủ có cơ chế hỗ trợ cho những tàu cá đang hoạt động khai thác thủy sản, trong vùng ranh giới cho phép khai thác thủy sản trên biển của tàu cá Việt Nam nhưng bị nước ngoài bắt giữ, giúp ngư dân yên tâm bám biển.

Đồng thời, tham mưu Chính phủ đàm phán, ký kết Hiệp định hợp tác nghề cá với Philippines, nội dung chính là cho phép tàu câu mực khơi (mực xà), được phép hoạt động khai thác đối tượng mực xà tại một số vùng biển khơi của nước bạn.

Xem xét đầu tư xây dựng cảng cá Hồng Triều, tại xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên trở thành cảng cá Loại II. Với nữa, sớm ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn thiết bị nhật ký điện tử và các quy định liên quan.

Làm việc tại địa phương, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá cao công tác phòng chống khai thác thủy sản bất hợp pháp không báo cáo theo quy định của Quảng Nam. Tuy nhiên, tỉnh cần giải quyết những tồn tại để đợt thanh tra lần thứ 4 của EC vào tháng 10 tới không gặp lúng túng, bị động.

“Đặc biệt, công tác quản lý tàu cá phải giám sát chặt chẽ, sâu sát chỉ đạo, hướng dẫn ngư dân ghi nhật ký khai thác đầy đủ, chính xác, không đối phó; kiểm tra, rà soát lại việc đăng kiểm tàu cá, mất kết nối chủ động. Đảm bảo việc xử phạt hành chính đúng hành vi, đúng mức phạt và đúng người phạt”, Thứ trưởng nói.

Ông Phùng Đức Tiến nhận định, nhiệm vụ IUU là cấp bách, ảnh hưởng đến vị thế, kinh tế của nước ta trên trường quốc tế. Do đó, Quảng Nam cũng như các tỉnh thành khác cần quan tâm và có cơ chế đầu tư hệ thống hạ tầng thủy sản. Khi hạ tầng thủy sản sẵn sàng, việc quản lý đội tàu, truy xuất nguồn gốc cũng như kiểm soát, xử lý hành chính sẽ đảm bảo đúng quy định.

Tỉnh Quảng Nam có 9 nghiệp đoàn nghề cá với 720 tàu/4.879 lao động; 158 tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển với 1.040 tàu/8.063 lao động tham gia đã góp phần hỗ trợ sản xuất, cứu nạn, cứu hộ khi có tai nạn, thiên tai trên biển. Tổng sản lượng thủy sản khai thác đến nay (11/9/2023) đạt hơn 74.250 tấn/95.000 tấn (đạt 64,74% kế hoạch năm 2023).

 Nguyễn Công Sáng, Đỗ Hồng Khanh, Nguyễn Thu Hà