Tại TP. Đà Nẵng, âu thuyền và cảng cá Thọ Quang là điểm đến của ngư dân các tỉnh miền Trung. Mỗi ngày, nơi đây tiếp nhận hàng chục lượt tàu cá cập cảng và xuất bến với lượng hải sản khoảng 150 tấn/ngày. 
Công tác kiểm soát tàu cá cập cảng, giám sát sản lượng qua cảng được thực hiện chặt chẽ. Trong đó, Văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá TP. Đà Nẵng được thành lập gồm đại diện Chi cục Thủy sản, Bộ đội Biên phòng, Ban Quản lý Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang. Cơ quan này kiểm tra, kiểm soát 24/24 giờ các tàu cá và hướng dẫn, hỗ trợ ngư dân chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.
Đến nay, riêng TP. Đà Nẵng đã có 576/594 tàu chiều dài từ 15m trở lên đã lắp thiết bị giám sát hành trình theo quy định. Số tàu còn lại chưa lắp với các lý do như tạm dừng hành nghề khai thác, đang làm thủ tục đăng ký cấp thiết bị giám sát...
Tại cảng cá Thọ Quang, không chỉ tàu Đà Nẵng mà còn đón số lượng lớn tàu từ các tỉnh khác đến. Mỗi chuyến tàu cập bến, lực lượng chức năng kiểm tra kỹ, nếu phát hiện tàu khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định sẽ xử lý nghiêm.
Ông Đặng Duy Hải, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản TP. Đà Nẵng, cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, đơn vị đã phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, xử phạt hành chính 53 trường hợp tàu cá vi phạm tập trung ở các lỗi như mất kết nối, khai thác sai vùng...

Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Trung Chinh cũng vừa chỉ đạo các cấp ngành, địa phương liên quan nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Lãnh đạo TP yêu cầu đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông, tuyên truyền, tập huấn, phổ biến Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn thi hành, các quy định, giải pháp trọng tâm về chống khai thác IUU.

Sở NN-PTNT Đà Nẵng được giao chủ trì tổng kiểm tra hiện trạng các tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12m trở lên (vùng lộng, vùng khơi) không đủ điều kiện hoạt động khai thác thủy sản. Đặc biệt, phải đảm bảo theo dõi, giám sát được hoạt động của tàu cá. Các ngành liên quan hướng dẫn, yêu cầu chủ tàu cá thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về quản lý tàu cá, hoặc làm thủ tục xóa đăng ký tàu cá. Thanh tra, kiểm tra chuyên ngành các doanh nghiệp trên địa bàn TP có nhập khẩu nguyên liệu thủy sản khai thác để chế biến, xuất khẩu sang thị trường châu Âu...

Trong khi đó, Bình Định là một trong những tỉnh có số lượng tàu đánh bắt xa bờ rất lớn. Tỉnh này đang tăng cường các giải pháp giải quyết dứt điểm khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Toàn tỉnh Bình Định hiện có 5.651 tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên được đăng ký. Trong đó, vùng bờ có 1.425 tàu, vùng lộng có 931 tàu và vùng khơi có 3.292 tàu. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh đã cấp phép được 4.924/5.651 tàu cá, chiếm 87,1% trên tổng số tàu cá đã đăng ký.
Hiện nay, 3.258/3.292 tàu cá (chiếm 98,97%) có chiều dài từ 15m trở lên đã được trang bị thiết bị giám sát hành trình theo quy định. Số còn lại 34 tàu cá bị hư hỏng, nằm bờ, không hoạt động sản xuất.
Cảng cá Quy Nhơn là một trong những cảng cá lớn của tỉnh Bình Định. Mỗi ngày, cảng cá này có hơn 850 lượt tàu xuất bến và rời bến. Tất cả những tàu trên 15m ra vào cảng cá Quy Nhơn đều được Trạm Kiểm soát Biên phòng Mũi Tấn, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Quy Nhơn, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định kiểm tra cụ thể, chặt chẽ hoạt động thiết bị giám sát hành trình và các giấy tờ liên quan trước khi ra vào bến.
Tỉnh Bình Định thường xuyên tổ chức rà soát tàu cá hoạt động ở các tỉnh này, tổ chức ký kết Quy chế phối hợp với các tỉnh trong công tác quản lý tàu cá hoạt động khai thác thủy sản trên biển.
Thượng úy Trần Đặng Bình Đạt, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng Mũi Tấn, cho biết thông qua hệ thống giám sát hành trình, lực lượng chức năng có thể biết được 100% các phương tiện 15m trở lên đang hoạt động ở khu vực nào. Từ đó, có thể kiểm soát và hỗ trợ các phương tiện khi cần thiết.
Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, thông tin, đến nay, tỉnh đã tổ chức 5 đoàn công tác gặp gỡ ngư dân có tàu cá thường xuyên di chuyển ngư trường hoạt động ở các tỉnh phía Nam để tuyên truyền, vận động ngư dân ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài.

Diễm Phúc, Hồ Giáp, Quang Phong, Nguyễn Hồng Hạnh, Nguyễn Hoàng Hà