- Đó là đề xuất của Bộ trưởng, Chủ nhiệm UB Dân tộc Giàng Seo Phử khi trả lời chất vấn trước UB Thường vụ QH hôm nay (13/3).

>> Hơn 300 nghìn hộ dân tộc thiểu số thiếu đất

Hàng loạt các vấn đề liên quan đến các chính sách hỗ trợ vùng sâu, vùng xa, dân tộc miền núi được đặt ra với Bộ trưởng Giàng Seo Phử, người tự nhận "lâu này không được phát biểu nên không được nói hết tâm tư, nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số, của người làm công tác dân tộc luôn hướng tới người nghèo, vùng thiếu số khó khăn".

{keywords}
Bộ trưởng, Chủ nhiệm UB Dân tộc Giàng Seo Phử: Khoảng cách thu nhập giữa vùng dân tộc và các cùng miền khác đang doãng ra. Ảnh: Xuân Linh

Việc thực hiện các chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn, ông Giàng Seo Phử chỉ ra, do nhiều lý do khác nhau mà "nói thẳng là do khó khăn chung của đất nước".

"Nhiều hạng mục công trình trên cả nước, trong đó có các công trình ở miền núi và thuộc chương trình 135 về phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, bị cắt giảm để tập trung vốn cho những vấn đề quan trọng, khiến nhiều nội dung trong chương trình đến nay chưa được triển khai do không có nguồn lực", ông Giàng Seo Phử nói.

Bộ trưởng Giàng Seo Phử cũng không ngại chỉ ra: Chính phủ đưa ra nhiều cơ chế, chính sách, trung bình hỗ trợ 1,5 tỷ đồng/xã/năm cho các xã nghèo, nhưng sau khi cân đối ngân sách, QH "đánh tụt" xuống còn 1 tỷ đồng/xã/năm.

"Nếu giờ QH thấy cần nâng lên thì là thẩm quyền của QH, chứ cá nhân tôi không thể báo cáo đâu là giải pháp đột phá cho thời gian tới được", ông Giàng Seo Phử thẳng thắn nói.

Bộ trưởng bày tỏ trăn trở khi các vùng dân tộc miền núi đều có công với cách mạng, mà sau mấy chục năm đổi mới, vẫn chưa được thụ hưởng bao nhiêu thành quả này, "khoảng cách chênh lệch về thu nhập, chưa dám nói là khoảng cách giàu nghèo, giữa vùng dân tộc và các vùng miền khác, đang ngày càng doãng ra". Theo ông, cần những chính sách thiết thực, quyết liệt, kịp thời hơn.

Chương trình 135, như ông Giàng Seo Phử cho biết, được Thủ tướng phê duyệt đến 2020, nhưng các chính sách cho dân tộc miền núi cơ bản là kết thúc năm 2015 vì "chính sách theo nhiệm kỳ". Bộ trưởng muốn thay đổi phương pháp xây dựng kế hoạch dài hơi, cụ thể là một chương trình mục tiêu quốc gia riêng cho các vùng dân tộc miền núi, vùng lõi nghèo, thiệt thòi nhất, chiếm đến 30% tỉ lệ nghèo chung của cả nước, với tỉ lệ riêng trong ngân sách.

Ông Giàng Seo Phử cũng đề nghị cơ quan chủ trì ở trung ương nhưng địa phương chịu trách nhiệm chính trong việc lên kế hoạch cụ thể, làm dứt điểm từng dự án, lồng ghép các chương trình...

Với vấn đề di dân tự do đến Tây Nguyên có nguy cơ gây mất trật tự xã hội mà ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đưa ra, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UB dân tộc phân tích: Có hai xu hướng di dân, một là từ nông thôn lên thành thị mà điển hình là Bến Tre, Nam Định, Thái Bình. Còn ở miền núi, hướng là từ Đông sang Tây, thậm chí sang Lào, tập trung đến những vùng còn nhiều đất màu mỡ, nhiều rừng.

"Ý thức của đồng bào dân tộc thiểu số về chấp hành pháp luật về đất đai, rừng đối với họ là chưa quan trọng lắm. Ta phải nắm đúng huyệt để xử lý, chứ đừng nặng về phê phán họ. Đưa dân dưới xuôi lên có thay thế được họ không, có chịu được cao nguyên đá Hà Giang mà bảo vệ được biên giới không? Chắc chắn không được", ông Giàng Seo Phử nói.

Bộ trưởng thẳng thắn đề xuất chính sách cấp gạo, mà theo ông là hiện đang thừa, cho đồng bào để họ trồng rừng và bảo vệ biên giới, gọi đây là cách đầu tư vào những vùng có nguy cơ di cư cao.

"Còn ở Tây Nguyên, đồng bào di dân đã đến rồi, thì đều là dân mình cả. Chính phủ cần hỗ trợ cho các tỉnh này quy hoạch lại, vì nông dân không thể trở lại quê cũ, cấp đất cho họ làm sinh kế, có thể thông qua xử lý đất nông lâm trường", ông Giàng Seo Phử nói.

Chia sẻ với Bộ trưởng, Chủ nhiệm UB Dân tộc, nhưng các ĐB vẫn chất vấn thẳng thắn.

Trưởng đoàn ĐBQH Thanh Hóa, ông Lê Nam nói: "Đồng bào bảo chính sách cho dân tộc miền núi 'nhiều như lông bò', lo hết mọi việc từ ăn ở, đi lại đến học hành. Như vậy sẽ làm triệt tiêu động lực, chủ động vươn lên thoát nghèo của họ. Nhưng chính sách nhiều mà lại tản mạn, manh mún, nhiều khi chỉ trên bàn giấy, không sát với tình hình địa phương".

ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) thì phản biện việc chính sách nhiều nhưng không có nguồn lực để thực hiện. "Luôn nói là do đất nước còn nghèo thì có thuyết phục được đồng bào không? Chính phủ cũng đang muốn xây sân bay hàng chục tỷ đôla mà nói nguồn vốn rất thuyết phục. Vậy làm sao thuyết phục QH là khi ban hành chính sách cho dân tộc thiểu số sẽ bố trí được nguồn lực?, ông Sinh nói.

Theo Bộ trưởng Giàng Seo Phử, đây là câu hỏi cho các bộ Tài chính, Kế hoạch Đầu tư. Nhưng ông vẫn nhấn mạnh: "Tôi không thoái thác trách nhiệm tham mưu, nhưng một phần trách nhiệm là của QH, quyết định đánh tụt định mức như trên cho thấy QH chưa thực sự quan tâm lĩnh vực này".

Tại phiên chất vấn, ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cũng nêu thực tế "đau lòng" ở các vùng dân tộc miền núi là những cây cầu treo hư hỏng, gãy đổ, nhiều nơi không có dân phải đu dây, chui túi nilon để qua sông suối.

Vấn đề này được chuyển cho Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng. Ông Thăng cho biết: Cả nước hiện cần 4.145 cây cầu dân sinh, cầu treo, vốn đầu tư khoảng 8.400 tỷ đồng. Bộ đã phân kỳ, làm những cầu cần thiết nhất trước, dự kiến hoàn thành năm 2017. Đề án xây cầu này đang được xin ý kiến các bộ ngành. Cần đa dạng hóa nguồn vốn, vận động từ các tổ chức xã hội, doanh nghiệp tư dân kết hợp với ngân sách nhà nước. Nhưng các địa phương cũng không nên ỷ lại mà chủ động bố trí các nguồn lực, đồng thời quy hoạch ổn định các khu dân cư.

Chung Hoàng