Báo cáo được công bố bởi nền tảng tuyển dụng hàng đầu Zhilian Zhaopin và Đại học Tế Nam (Sơn Đông), cho thấy nhu cầu về công việc tự do đã tăng lên trong quý đầu tiên của năm 2023, ngay cả khi nhu cầu thị trường của những công việc như vậy đã giảm dần kể từ đỉnh điểm của đại dịch.
Cụ thể, theo báo cáo, ngày càng nhiều người trẻ tìm việc ở Trung Quốc, bao gồm nhiều người có bằng đại học, đang tìm kiếm “việc làm linh hoạt”.
Trong khi khoảng 60% tin tuyển dụng công việc linh hoạt không yêu cầu trình độ học vấn, 45,5% người tìm việc linh hoạt có bằng đại học và 6,2% có bằng thạc sĩ, so với mức 42,6% và 5,4% tương ứng ở những người tìm kiếm việc làm truyền thống.
“Những người tìm việc linh hoạt có nhiều khả năng ‘hạ cấp’, nghĩa là trình độ vốn nhân lực của họ cao hơn yêu cầu của vị trí họ ứng tuyển, dẫn đến tình trạng không đủ tiêu chuẩn”, theo báo cáo.
Sự gia tăng này có thể xuất phát từ những nguyên nhân như thay đổi sở thích công việc, tiến bộ công nghệ hay sự không chắc chắn về kinh tế.
Sự gia tăng của ngành thương mại điện tử và các chuẩn mực làm việc từ xa cũng đóng một vai trò quan trọng. Xu hướng này nhấn mạnh một bộ phận ngày càng tăng của lực lượng lao động coi trọng tính linh hoạt trong sắp xếp công việc, thúc đẩy nhu cầu điều chỉnh các chính sách và cơ hội việc làm.
Dựa trên phân tích các tin tuyển dụng và hồ sơ xin việc nộp trên trang web của Zhilian Zhaopin từ tháng 1/2018 đến tháng 5/2023, báo cáo tập trung vào công việc tự do trong nền kinh tế kỹ thuật số của Trung Quốc, bao gồm cả lái xe giao hàng và phát trực tiếp (livestreaming).
Những công việc có thời gian linh hoạt, cạnh tranh vừa phải trở nên phổ biến trong thời kỳ đại dịch khi các ngành công nghiệp truyền thống phải chịu lệnh phong tỏa và hạn chế.
Tuy nhiên, trong khi tỷ lệ những công việc như vậy đã giảm so với tất cả các vị trí tuyển dụng trong quý I năm 2023 sau khi dỡ bỏ các hạn chế về đại dịch, tỷ lệ người tìm kiếm những công việc như vậy đã tăng trở lại từ 21,4% vào cuối năm ngoái, lên 23,2% trong 3 tháng đầu năm nay.
"Sự sụt giảm số lượng tuyển dụng cho công việc linh hoạt về thời gian có thể phản ánh sự phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch", theo các nghiên cứu trình bày trong báo cáo.
Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên thành thị Trung Quốc đã tăng vọt trong năm 2023, khiến chính phủ nước này đã kêu gọi sinh viên tốt nghiệp cởi mở hơn với các kênh tìm việc làm thay thế.
Các chuyên gia đã nhấn mạnh vấn đề "sinh viên tốt nghiệp đại học không thể tìm kiếm việc làm", theo đó sinh viên tốt nghiệp không đủ tiêu chuẩn cho công việc dành cho họ.
Trên thực tế, nhiều trường đại học đang không cung cấp đủ những kỹ năng cần thiết để sinh viên mới tốt nghiệp thành công trên thị trường lao động.
Những loại hình việc làm linh hoạt mới này đặc biệt hấp dẫn đối với giới trẻ Trung Quốc, với khoảng một nửa số người tìm việc linh hoạt dưới 25 tuổi, so với 38% của những người tìm việc truyền thống.
Những công việc như vậy thường mang lại ít lợi ích xã hội hơn so với những công việc truyền thống. Theo báo cáo, chỉ có 19,3% công việc linh hoạt được bảo hiểm xã hội chi trả, so với 55,4% ở thị trường việc làm truyền thống. Trong khi đó, mức độ sinh viên tốt nghiệp phù hợp cho cả công việc truyền thống và công việc linh hoạt đã giảm đáng kể từ khi đại dịch bắt đầu.
Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, số lượng “lao động linh hoạt” đạt xấp xỉ 200 triệu vào năm 2021, bao gồm 4 triệu tài xế giao đồ ăn và hơn 1,6 triệu lao động liên quan đến phát trực tiếp.
Tử Huy
Trung Quốc cải cách kỳ thi nhằm hạn chế việc học thuộc lòngTrung Quốc - Ủy ban Giáo dục thành phố Bắc Kinh thông báo thay đổi cách tính điểm kỳ thi cấp 3 từ năm 2025 nhằm giảm áp lực cho học sinh và hạn chế việc học thuộc lòng.