- Bộ Tài chính đề xuất sẽ cắt 10% chi thường xuyên của các bộ ngành, cơ quan Trung ương trong năm 2016 so với dự toán năm 2015. Nếu vậy, con số này tính theo giá trị tuyệt đối sẽ tương đương hơn 76 ngàn tỷ đồng.

Thông tin này được Bộ Tài chính nêu ra trong báo cáo gửi Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016 cụ thể với các lĩnh vực này.

Trong báo cáo vừa gửi đầu tháng 9 này, Bộ Tài chính cho hay, năm 2016 sẽ phải giãn, giảm chi một số nhiệm vụ. Trong đó, bộ này sẽ triệt để giảm chi thường xuyên cho các bộ ngành cơ quan Trung ương trừ các khoản chi cho con người và nhiệm vụ đặc thù.

{keywords}

Bộ Tài chính đề xuất sẽ cắt 10% chi thường xuyên của các bộ ngành, cơ quan trung ương trong năm 2016 so với dự toán năm 2015

Dự toán ngân sách năm 2015 được Quốc hội thông qua cho thấy, chi thường xuyên năm nay được duyệt là 777 ngàn tỷ đồng. Nếu loại trừ 10 ngàn tỷ đồng là chi cải cách tiền lương và 150 ngàn tỷ đồng là chi trả nợ và viện trợ thì các bộ ngành cơ quan Trung ương được chi tiêu 767 ngàn tỷ đồng, gọi chung là chi cho phát triển sự nghiệp kinh tế xã hội quốc phòng an ninh và quản lý hành chính.

Nếu lấy con số dự kiến cắt 10% chi thường xuyên như trên thì mức giảm giá trị tuyệt đối có thể lên tới hơn 76 ngàn tỷ đồng.

Ngoài ra, Bộ Tài chính còn dự kiến giảm 50% các khoản chi cho các chương trình dự án đã được cấp có thẩm quyền quyết định.

Cũng với tinh thần siết chặt chi như vậy, Bộ này khẳng định năm 2016 sẽ vẫn khó đạt tỷ lệ chi cho một số lĩnh vực quan trọng mà Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu. Cụ thể như tỷ lệ chi cho giáo dục đào tạo phải đạt 20%, chi cho khoa học công nghệ đạt 2%, cho lĩnh vực văn hoá thể thao du lịch đạt 1,8% tổng chi ngân sách sẽ không được đáp ứng đủ.

Các lĩnh vực quan trọng này sẽ được bố trí theo khả năng cân đối của ngân sách Nhà nước.

Đề xuất này dựa trên nguyên tắc phải tiếp tục tái cơ cấu chi ngân sách Nhà nước trong năm 2016, bố trí chi đầu tư phát triển hợp lý, ưu tiên các nhiệm vụ an ninh quốc phòng. Đặc biệt, rà soát các lĩnh vực để bố trí chi có trọng tâm, trọng điểm, kết hợp với triển khai cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp và lộ trình giá dịch vụ công.

Theo thông cáo mới đây của Bộ Tài chính, 8 tháng qua, ngân sách đã chi 733,3 ngàn tỷ đồng với mức bội chi là 115 ngàn tỷ đồng. Trong đó, riêng chi thường xuyên đã là 511,65 tỷ đồng, bằng 66,7% dự toán và tăng 5,8% so với cùng kỳ 2014.

Phạm Huyền