Kết quả thi của Quốc Anh |
Cho luyện IELTS để con... bớt buồn
Đầu năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cậu bé Quốc Anh - khi đó học lớp 4 Trường Tiểu học Nguyễn Hữu Cảnh (TP. Long Xuyên, An Giang) - đành tạm xa trường lớp.
Thấy con ở nhà có vẻ hơi buồn, chị Thanh quyết định cho con đi luyện thi IELTS.
“Con vốn dĩ rất thích đề IELTS vì qua các bài đọc, bài nghe con học được nhiều thứ khác nữa. Vì vậy, mình cho con học thứ mà con thích, để bé đỡ chán trong thời gian không được gặp bạn bè” - chị Thanh lý giải.
Quốc Anh ôn luyện từ tháng 2 đến tháng 8. Tuy nhiên, vì dịch bệnh mà trung tâm phải tạm dừng hoạt động nên có đến 3 tháng em hoàn toàn tự ôn tập.
Mỗi ngày, cậu bé dành 2 giờ cho việc ôn luyện. Cậu làm bài tập trong bộ Cambrige IELTS để luyện nghe và đọc. Để luyện viết, cậu học từ thầy giáo, các kênh Youtube và một ứng dụng "check" lỗi. Ngoài ra, Quốc Anh cũng tham gia một số nhóm học Tiếng Anh để luyện nói.
Đến giai đoạn nước rút, cậu tập trung làm các bài thi thử.
Quốc Anh là cậu bé "hậu đậu, giản dị, tình cảm và trách nhiệm" |
Tuy vậy, khi Quốc Anh đăng ký dự thi, thấy cậu bé còn quá nhỏ, Hội đồng Anh đã khuyên em không nên thi trong năm nay.
Quốc Anh sau đó đã gọi điện trực tiếp: "Con nghĩ việc đi thi của mình không ảnh hưởng tới ai và con hoàn toàn vui vẻ, tự nguyện, vì con muốn đánh dấu cột mốc 10 tuổi của mình. Nếu không cho con đi thi, con sẽ rất thất vọng!".
Cuối cùng, mong muốn của cậu bé được chấp nhận.
Không ngại Ipad, 7 tuổi mới đi học trung tâm
Việc Quốc Anh đạt điểm thi như vậy không phải chỉ là công sức ôn luyện trong vòng 6 tháng, mà là quả ngọt của hành trình 8 năm.
Không ít gia đình cho con tiếp cận với Tiếng Anh từ rất sớm, từ khi mới 3-4 tuổi.
Cũng không ít phụ huynh tìm cách cho con tránh xa các thiết bị điện tử.
Thế nhưng, gia đình chị Kim Thanh bắt đầu cho Quốc Anh và em gái là Mỹ Anh (năm nay lên 4 tuổi) sử dụng Ipad để tiếp xúc với Tiếng Anh từ khoảng 2,5-3 tuổi.
Hai anh em Quốc Anh và Mỹ Anh |
Theo chị Thanh, thiết bị điện tử chỉ là công cụ, và nó thực sự hữu ích nếu sử dụng đúng cách.
“Mục đích ban đầu của gia đình hướng tới là “chơi mà học”, nên Ipad của riêng con được cài các ứng dụng mà ba mẹ đã chọn lọc, được đặt mật khẩu để giới hạn”.
Đặc biệt, anh chị cũng rất nghiêm túc thực hiện quy tắc “ba mẹ không dùng Ipad, điện thoại để giải trí trước mặt bé”.
Bố của Quốc Anh - anh Phạm Trung Hiếu là nhân viên bán hàng, chị Huỳnh Kim Thanh là giáo viên Vật lý ở trường THPT. Vốn liếng Tiếng Anh của hai người – như chị Thanh nói là ở mức dưới cơ bản. Tuy nhiên, anh chị đã tìm các phương pháp khác nhau để con được tiếp xúc với ngoại ngữ.
Mỗi ngày, chị Thanh dành 60 phút để hỗ trợ các bé trong việc học.
Lộ trình của chị như sau: Trên 2 tuổi, các bé làm quen qua Youtube để biết về từ đơn, câu đơn giản, các bài hát, câu chuyện ngắn.
Hơn 3 tuổi, các bé sử dụng ứng dụng đọc sách online, bắt đầu nghe chuyện kể qua loa, tivi...
Đến 4 tuổi, Quốc Anh được khuyến khích nói nhiều hơn. Chị Thanh cho con đến CLB Tiếng Anh, nói về những gì con thích và tìm học liệu theo yêu cầu của con…
Dù tự học, Quốc Anh đã có thể giao tiếp thoải mái với người nước ngoài từ khi còn nhỏ |
Tự học với sự định hướng của mẹ và qua chương trình phổ thông online, Quốc Anh có vốn từ phong phú, kiến thức đa dạng về nhiều lĩnh vực.
Theo chị, học ở nhà giúp con được rèn khả năng tự học, tiết kiệm được cho bản thân con và gia đình thời gian di chuyển.
Khi con 7 tuổi (lớp 2), nhận thấy con có khả năng tự học độc lập, chị mới cho con tới trung tâm.
Niềm vui trở thành “thầy giáo nhí”
Từ vài tháng nay, Quốc Anh tham gia vào một dự án cộng đồng. Ở đây, Quốc Anh "đứng lớp" để hướng dẫn học Tiếng Anh cho nhiều người khác. Trong số này, có một trường hợp khá đặc biệt.
Đó là cậu bé hơn Quốc Anh một vài tuổi, không may hỏng một mắt. Nhà xa trung tâm, mẹ cậu bé biết trang Facebook của chị Thanh nên nhờ định hướng học Tiếng Anh cho bé. Quốc Anh nhận hỗ trợ, và cậu bé đó đã trở thành học viên tích cực và thường xuyên nhất của em.
“Dù bận cách mấy Quốc Anh cũng giữ lời hứa đồng hành với bạn. Trong vòng hai tháng vừa qua, con hỗ trợ người bạn đến từ Lai Châu mỗi tuần 5 buổi (và hiện nay là 3 buổi), mỗi buổi 60 phút. Con từ chối khá nhiều lời đề nghị hấp dẫn khác để dành thời gian cho anh bạn chưa từng gặp này. Đổi lại, anh bạn ấy rất nỗ lực và tiến bộ rất nhiều” – chị Thanh kể lại.
Đồng hành với Quốc Anh trên con đường học tập là ba mẹ và cả cô em gái nhỏ |
Mặc dù cho con ôn luyện và thi từ sớm, nhưng chị Thanh khẳng định khuyến nghị về độ tuổi thi IELTS là hợp lý.
“Bài thi ngoài việc sử dụng Tiếng Anh còn phải có vốn kiến thức về tự nhiên, xã hội tương đối tốt nên không mấy phù hợp với các bạn chưa quen lập luận, chưa có tư duy phản biện. Hơn nữa, việc thi IELTS quá sớm là không cần thiết, vì con cũng chẳng dùng chứng chỉ này vào việc gì, gây lãng phí đôi khi làm các bé chán Tiếng Anh”.
Và với các bé còn nhỏ tuổi, có cho luyện IELTS hay không là còn tùy thuộc vào việc con có thích hay không.
Chị Thanh cũng cho rằng, hiện nay, cơ hội học tập là dành cho mọi người, không nhất thiết phải có quá nhiều điều kiện và ở thành phố lớn.
"Gia đình chỉ cần có thiết bị kết nối mạng, cả bố mẹ và con cái ham học, cầu thị và tử tế là có kết quả tốt” - chị nói.
Ngân Anh
Nghiên cứu sinh Việt ở Harvard và những 'đáng lẽ' của tuổi trẻ
Theo Cao Bảo Anh, nghiên cứu sinh tại ĐH Harvard, để chinh phục học bổng, cần vượt qua những cái “đáng lẽ” của tuổi trẻ và kể lại câu chuyện của mình một cách mạnh mẽ và thuyết phục...