Cao Bảo Anh – nghiên cứu sinh ngành miễn dịch học tại ĐH Harvard là cựu học sinh Trường Phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM). Bảo Anh từng được báo chí trong và ngoài nước nhắc đến khi trở thành thủ khoa và choàng quốc kỳ Việt Nam trên vai trong lễ tốt nghiệp của ĐH Toronto năm 2015.

{keywords}
Cao Bảo Anh và quốc kỳ Việt Nam trong lễ tốt nghiệp ĐH Toronto (Canada) năm 2015

Còn giữa năm nay, Bảo Anh cho ra đời cuốn sách Hệ miễn dịch – kiệt tác của sự sống. Cuốn sách được nhắc tới nhiều trong mùa dịch Covid-19 bởi cách chia sẻ kiến thức khoa học giản dị, hấp dẫn. 

“Bằng cách xem mỗi tế bào như một sự sống có mục đích có trí tuệ thay vì một thứ vô tri vô giác, xem mỗi tương tác là một cuộc hội thoại thay vì những cuộc giao dịch hóa học hay vật lý, những kiến thức trước đây vốn phức tạp bỗng trở nên gần gũi như những câu chuyện đời thường. Và ngược lại, khi nhận ra có một cộng đồng đang ở ngay trong mình, tôi nhận ra rằng bản chất của đời sống là hợp tác, là cùng nhau cộng sự và cống hiến cho những điều cao cả hơn bản thân mình” - Bảo Anh chia sẻ.

{keywords}
Sách Hệ miễn dịch - kiệt tác của sự sống. Ảnh: Zenbooks.

Không để tuổi trẻ “chết” hoài phí

Nhắc lại bài nói chuyện với học sinh năng khiếu về "Những đáng lẽ của tuổi trẻ", Bảo Anh cười và nói rằng đây cũng chính là thông điệp Bảo Anh dành cho chính mình: Phải cố gắng thật nhiều để không phải kết thúc trong muôn vàn cái đáng lẽ khác nhau.

"Đầu tiên là “Đáng lẽ nên bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân”".

Bởi “Thất bại đầu tiên của rất nhiều bạn trẻ là không bao giờ tìm ra được khả năng đích thực của mình. Có thể các bạn luôn đi theo định hướng của gia đình, hay đi theo trào lưu xã hội trong khi hoàn toàn bỏ mặc năng lực tiềm ẩn trong mình. Do đó, bước đầu tiên luôn là tìm ra một mảng chuyên môn, một chủ đề phù hợp với năng lực và niềm đam mê của bản thân. Gọi là vùng an toàn vì đó là nơi chúng ta có chỗ đứng, được khuyến khích, được động viên để phát triển.

Nhưng khi tìm được vùng an toàn, đạt được một số thành tích nhất định, thử thách tiếp theo là có dám bước ra để tiếp tục phát triển tiếp hay không. Không dám bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân mình là bắt nguồn từ nỗi sợ thất bại là thử thách tiếp theo.  

Điều này rất phổ biến ở các bạn đạt được các thành tích từ rất sớm - như tôi hay các em học sinh chuyên chẳng hạn. Nếu như vùng an toàn là điểm khởi đầu, điểm xuất phát thì dám bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân chính là bắt đầu cuộc hành trình thực sự - cuộc hành trình của sự phát triển bản thân".

{keywords}
Nghiên cứu sinh Cao Bảo Anh

Điều thứ hai, là “Đáng lẽ nên học cách hợp tác tốt hơn”.

Theo Bảo Anh, với một học sinh chuyên, hay có lẽ nói chung trong suốt những năm học phổ thông đều cho rằng thành tích là thành tích cá nhân. Do đó, tính cạnh tranh hay tâm lý thành công của người khác là thất bại của mình hay thành công là phải đẩy người khác đến thất bại rất phổ biến. Nhưng đi học lên cao, hay đi làm, mới thấm thía là mọi nỗ lực, mọi công việc đều là hợp tác.

“Bản chất của sự sống là hợp tác. Những thành công lớn lao đều đến từ những nỗ lực của những con người cùng chung lý tưởng. Do đó, chúng ta cần phải tìm được những người cùng chí hướng, học cách hợp tác và chiến đấu vì một chiến thắng chung, một chiến thắng cao hơn chiến thắng của bản thân” – Bảo Anh đúc kết.

Và “đáng lẽ” thứ ba, đó là “nên theo đuổi lý tưởng thay vì đơn thuần chỉ là thành tựu trước mắt”.

Nếu chỉ tập trung vào những thành tựu trước mắt – được công nhận là giỏi, vì thành tích, vì tiền bạc, vậy thì khi những điều này biến mất chúng ta cũng không đi tiếp được.

“Lấy từ kinh nghiệm của bản thân mình, luôn có động lực được khen là giỏi, vậy khi bắt đầu bị chê là hoảng lên, đau khổ, muốn bỏ cuộc. Hay những câu chuyện khởi nghiệp nổi tiếng cũng vậy – động lực tiền bạc chắc chắn là có, những những người tiên phong họ luôn theo đuổi một lý tưởng nào đó lớn hơn tiền bạc. Điều này giúp họ đứng lên được sau mỗi thất bại – khi họ không những không kiếm được tiền mà còn phải mất tiền chẳng hạn”.

Do đó, Bảo Anh cho rằng các em học sinh ít nhất cũng phải cố gắng trả lời câu hỏi: “Tại sao mình làm điều này? Mình hướng đến lý tưởng nào?”. Có thể chưa tìm được câu trả lời đúng ngay, nhưng cứ tiếp tục tìm thì sẽ càng gần với câu trả lời đúng hơn. Còn ngược lại, khi dừng tìm câu trả lời, từ bỏ hoàn toàn lý tưởng của mình, để theo đuổi những thành công trước mắt, theo đuổi những xu hướng của xã hội, đó chính là lúc chúng ta đang phí hoài tuổi trẻ.

Không có công thức cụ thể cho Harvard

Trở thành nghiên cứu sinh của ĐH Harvard có lẽ là mơ ước của rất nhiều người trẻ. 

Khi học thạc sĩ ở Canada, anh vẫn luôn hướng tới Harvard. Tuy nhiên, Bảo Anh gặp không ít khó khăn.

“Đó là vấn đề đến từ tư duy của bản thân. Học xong đại học, tôi vẫn có tư duy “đánh nhanh thắng nhanh, trong khi đó, khi làm nghiên cứu rồi mới thấy nhiều vấn đề, thực sự khó khăn và vất vả. Khi đó, tôi không đủ khả năng đối diện với khiếm khuyết nên rơi vào khủng hoảng".

Tuy nhiên, với sự cố gắng và quyết tâm cao, Bảo Anh đã may mắn được nhận vào Harvard.

{keywords}
Cao Bảo Anh trong phòng thí nghiệm tại Boston

Nhìn lại quãng đường đã trải qua, Bảo Anh khẳng định: Không có công thức cụ thể cho Harvard.

Trước hết, để tìm được học bổng đều cần 3 yếu tố: Thành tích – Kinh nghiệm – Thư giới thiệu.

"Ba yếu tố trên đều phải được tích tũy từ rất sớm. Do đó, các bạn học sinh muốn theo đuổi con đường này phải xác định từ sớm – thường là năm 2 hay năm 3 chẳng hạn. Có người thậm chí đã đi làm, hay dành vài năm sau tốt nghiệp để xác định hướng đi tiếp theo, đồng thời chuẩn bị hồ sơ cho mình" - anh đưa lời khuyên.

Cái khó ở đây, theo Bảo Anh, việc rất nhiều người giỏi, có kinh nghiệm, được giới thiệu bởi những thầy cô có tiếng nộp vào Harvard khiến cho độ cạnh tranh cao hơn.

"Nhưng dù khó hay dễ, điều đầu tiền đều phải bắt đầu chuẩn bị để vượt qua những cái “đáng lẽ” của tuổi trẻ và kể lại câu chuyện của mình một cách mạnh mẽ và thuyết phục... Đừng sợ thất bại và phải cố gắng hết sức.

Ngân Anh

Tiến sĩ Harvard 37 tuổi là ứng viên trẻ nhất đạt chuẩn Giáo sư 2020

Tiến sĩ Harvard 37 tuổi là ứng viên trẻ nhất đạt chuẩn Giáo sư 2020

Theo danh sách công bố của Hội đồng GS Nhà nước, ứng viên trẻ nhất đạt chuẩn giáo sư năm 2020 là TS. Lê Anh Vinh, 37 tuổi. Ông Vinh là Tiến sĩ ĐH Harvard và hiện là người phụ trách Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.