Đại biểu Tô Văn Tám, thường trực Ủy ban Pháp luật, đặt hàng loạt câu hỏi, vì sao giá nhà ở xã hội quá cao so với thu nhập của người dân; liệu có thể đưa giá nhà ở xã hội về đúng với thu nhập của người lao động thu nhập thấp hay không, trong thời gian bao lâu?

Bộ trưởng thừa nhận tất cả các nguyên nhân trên khi cho biết nhà ở xã hội mới đạt 36% so với nhu cầu và chỉ ra hàng loạt nguyên nhân như nguồn cung, nguồn vốn chưa được đảm bảo; quỹ đất hạn chế; thiếu chính sách ưu đãi nhà đầu tư; quy trình, thủ tục xây dựng phức tạp.

Ông cam kết: "Thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh sửa đổi quy định pháp luật để thu hút nguồn lực, cố gắng đáp ứng mục tiêu đảm bảo nhà ở cho người thu nhập thấp".

Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trả lời chất vấn

Vấn đề đại biểu đặt ra là rất đúng và trúng. Có được mái nhà để sống và nuôi dưỡng thế hệ tương lai giờ đã trở nên giấc mơ dường như không thể với tới đối với rất nhiều người, đặc biệt là công nhân, công chức nhà nước và người nghèo đô thị.

Người ta tính, chắt chiu, tiết kiệm cả trăm năm thì một người công nhân may ra mới mua được nhà. Nhưng tôi cho rằng, tính toán đó còn tương đối lạc quan khi tham khảo mức thu nhập bình quân của người lao động chỉ vỏn vẹn hơn 4,1 triệu đồng năm 2021, theo GSO. Mức thu nhập đó thì ăn còn chưa đủ, huống hồ mua nhà!

Ông Nghị, trong vai trò là tư lệnh xây dựng, cũng đã nỗ lực không ngừng để giúp đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội của người dân qua chương trình 1,4 triệu căn nhà ở xã hội, nhà cho công nhân đến năm 2030. Chương trình này cần ít nhất 1,13 triệu tỷ đồng. Thế nhưng, từ nay đến năm 2030, cả nước cần khoảng 2,4 triệu căn nhà ở xã hội, nhà công nhân. Những con số đó cho thấy cung cầu cách xa nhau đến nhường nào.

Vấn đề “giá nhà ở xã hội quá cao so với thu nhập của người dân” của đại biểu Tô Văn Tám là rất đúng với thực tế. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận một thực tế khác, giá nhà đất ở nhiều quốc gia khác trong khu vực thậm chí còn cao hơn của Việt Nam.

Những câu hỏi của đại biểu đòi hỏi câu trả lời từ rất nhiều bộ ngành khác, các tư lệnh khác chứ một mình tư lệnh xây dựng thật khó giải quyết.

Ví dụ, ngay trong dự thảo Luật đất đai sửa đổi, luồng quan điểm 'đền bù xứng đáng' cho người bị thu hồi đất đang thắng thế, và đó là điều đúng đắn để mang lại sự công bằng, hài hòa xã hội. Nhưng chính điều đó cho thấy, giá “quyền sử dụng đất” sẽ theo thị trường. Sẽ không còn đất rẻ, làm sao người thu nhập thấp với tới được!

Hiện nay, luật quy định các khu đô thị cần dành 20% quỹ đất để xây nhà xã hội. Cách tiếp cận đó đang đặt trách nhiệm của nhà nước lên vai chủ đầu tư. Mặt khác, nó cho thấy tính chất cào bằng, phi thị trường và không khả thi.

Chúng ta đang thực hiện chính sách đất đai “thuộc sở hữu toàn dân”, Nhà nước đang sở hữu nhiều đất đai và nguồn thu ngân sách từ bán đất lên đến vài chục ngàn tỷ đồng mỗi năm. Nguồn đất đai này cần có cơ chế ưu đãi từ nhà nước để kéo giá nhà đất xuống.

Xây dựng nhà ở xã hội vẫn cần tuân theo các quy luật giá trị, cung cầu của thị trường. Tuy nhiên, nhà nước sẽ điều tiết bằng các chính sách khác về thuế, cho vay, bảo lãnh, trợ giá và đặc biệt là ưu đãi đất đai. Đó mới là cách tiếp cận bền vững.

Điều đó đòi hỏi sự kết hợp chính sách tổng thể của rất nhiều ngành, nhiều cấp như Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên Môi trường, Ngân hàng Nhà nước và các địa phương chứ không riêng Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị.

Đầu cơ hay đầu tư đất đaiKết luận về việc quản lý và sử dụng đất đai tại hội nghị Trung ương 5, Tổng bí thư chỉ đạo: “Kiên quyết khắc phục tình trạng đầu cơ đất, sử dụng đất không đúng mục đích, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực, gây khiếu kiện, bức xúc trong nhân dân”.