Mọi người dân đều được hưởng lợi
Chính phủ chuyển đổi số để quản lý và phục vụ nhân dân tốt hơn. Chính phủ số nhờ dữ liệu số và công nghệ số thấu hiểu người dân hơn, vì vậy, cung cấp dịch vụ số tốt hơn, chăm sóc người dân tốt hơn.
Đơn cử như một đứa trẻ khi sinh ra được cấp một mã định danh duy nhất, đến kỳ thì gia đình nhận được thông báo đi tiêm phòng từ chính quyền. Chính quyền dựa trên số liệu dân cư để quyết định phân bổ cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục, tránh nơi bị thừa, nơi lại thiếu khi những đứa trẻ đến tuổi đi học. Đến tuổi trưởng thành thì công dân đó tự động nhận được căn cước công dân. Khi dịch bệnh bùng phát thì họ kịp thời nhận được cảnh báo, chăm sóc y tế.
Chính phủ số giúp chính quyền hoạt động hiệu lực, hiệu quả và minh bạch hơn còn giúp bảo vệ người dân tốt hơn. Như trường hợp cách nay hơn 2 năm, một bé trai bị bắt cóc đã nhanh chóng được các lực lượng chức năng tìm thấy sau chưa đầy 24g. Nhờ camera giám sát thông minh và phân tích dữ liệu, cơ quan chức năng nhanh chóng khoanh vùng, xác định và truy vết đối tượng.
Hay như trong đợt dịch bệnh vừa qua, nhiều bà con vùng trồng vải ở Bắc Giang vẫn tiếp cận được thị trường và tiến hành chốt đơn giao dịch qua sàn thương mại điện tử.
Không ít home stay của bà con DTTS ngay lúc này đang được khách du lịch ở các nước chốt đơn, cho dù họ vẫn đang ở cách nửa vòng trái đất.
Kinh tế số cho phép mỗi người dân có thể tiếp cận toàn bộ thị trường một cách nhanh chóng theo cách chưa từng có. Không có hạn chế nào trong việc mở các sàn giao dịch thương mại điện tử cũng như các website thương mại điện tử. Sàn hay website thương mại điện tử cũng có thể hình dung như một cửa hàng hay một siêu thị bán hàng của doanh nghiệp hay cá nhân trên môi trường số, quan trọng là thực thể hàng hóa được lưu thông từ vùng miền này đến các vùng miền khác, chứ không phải là vị trí mở Sàn thương mại điện tử vùng núi cao, nông thôn hay thành thị.
Nếu như trước đây, người dân mang hàng ra chợ bán thì chỉ tiếp cận được vài chục đến vài trăm người trong khu vực địa lý hạn chế của mình. Còn hiện nay, với thương mại điện tử, người dân có thể bán hàng cho hàng triệu người, trên toàn thế giới.
Mỗi người dân với chiếc điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình một đường cáp quang, là có thể trở thành một doanh nghiệp, là có thể tiếp cận cả thế giới.
Đồng bào vùng sâu, vùng qua trước đây mỗi khi không ra được chợ, thường chỉ biết thở dài, nhìn nông sản của mình hư đi khi không có người mua, giờ đây, họ có thể giữ sản phẩm ở trên vườn, trên nương và ghi hình cho khách hàng lựa chọn, rồi đợi khách hàng chốt. Khi nhận được đơn hàng qua mạng, nông sản được đóng gói, theo xe xuống xuôi, bà con không cần phải chạy ngược chạy xuôi.
Hệ thống bưu chính, chuyển phát sẽ tới nhận và giao hàng tới tận tay người mua. Không cần phải mua một chiếc tủ đông lạnh, bớt rủi ro rau quả hư hong phải bán với giá thấp. Thậm chí việc ứng dụng công nghệ số còn giúp bà con dân tộc thiểu số có thể thu hoạch sản phẩm đúng thời điểm.
Xóa bỏ khoảng cách rào cản
Chuyển đổi số có thể giúp xóa nhòa khoảng cách địa lý, mang đến cơ hội bình đẳng cho người dân về tiếp cận dịch vụ, mang lại một loạt những tiến bộ lớn về chất lượng cuộc sống.
Trong cuộc khủng hoảng do Covid-19, hàng triệu người trên thế giới không được tiếp cận với mạng Internet. Người dân ở các khu vực xa xôi đã phải chịu thiệt thòi hơn do khó tiếp cận với dịch vụ y tế, giáo dục do khoảng cách về mặt địa lý.
Đơn cử như một học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú ở Hà Giang có thể được học ôn thi đại học trực tuyến với những thầy giáo giỏi nhất ở Hà Nội giống như học sinh THPT ở Hà Nội qua nền tảng Viettel Study hay VnEdu.
Khi dịch Covid-19 bùng phát, các trường học trên cả nước phải tạm thời đóng cửa, song với phương châm “ngừng đến trường, không dừng học”, các trường đã chuyển sang tổ chức dạy học trực tuyến kết hợp dạy học trên truyền hình.
Người dân có thể sống khỏe mạnh hơn nhờ các hình thức chăm sóc y tế kịp thời, vui vẻ hơn với các hình thức giải trí đa dạng và an toàn hơn.
Người dân cả nước tại bất cứ đâu đều có cơ hội tiếp cận, sử dụng dịch vụ y tế chất lượng cao nhất của tuyến trên ngay tại tuyến cơ sở, hạn chế việc chuyển tuyến, quá tải, tập trung đông bệnh nhân tại tuyến trên. Thậm chí người dân ở nhà cũng có thể được bác sĩ tuyến trên khám, hỗ trợ tư vấn, điều trị thông qua các thiết bị điện tử thông minh.
Đại dịch Covid-19 vừa qua đã cho thấy rõ sự bất bình đẳng kỹ thuật số đối với các khu vực nông thôn và vùng sâu vùng xa khi đối mặt với mối đe dọa thực sự do thiếu kết nối và thông tin. Vì thế, có thể khẳng định, chuyển đổi số là cơ hội để thu hẹp khoảng cách khoảng cách địa lý và xóa bỏ các rào cản xã hội, là cơ hội để cộng đồng DTTS có thêm cơ hội thụ hưởng các thành quả của tiến bộ.
Vũ Lụa, Ánh Tuyết, Hà Quốc Tiến