Lời toà soạn

Bằng kinh nghiệm thực chiến trên thương trường, bằng những trải nghiệm thấm cả mồ hôi và nước mắt, nhiều vị CEO của các tổ chức, doanh nghiệp đã đúc rút không ít bài học quý báu của bản thân và đồng nghiệp thành những cuốn sách có nội dung đa dạng. Viết sách là một phương thức hiệu quả để tổng hợp và truyền đạt kiến thức trong cộng đồng mà họ hướng tới. Thông điệp mà các CEO muốn gửi đến độc giả là muốn đạt được thành công, mỗi người phải không ngừng dấn thân và học hỏi.

Ông Lê Quốc Vinh hiện là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Truyền thông Lê (Le Group of Companies). Là người hay đọc, ông Lê Quốc Vinh yêu thích sách văn học, song cũng thường xuyên đọc sách về quản trị kinh doanh, sách chuyên ngành truyền thông, marketing để phục vụ công việc của mình.

lequocvinh4.jpg
Ông Lê Quốc Vinh và cuốn sách đầu tay của mình.

- Là người sáng lập nhiều tạp chí nổi tiếng Việt Nam, việc xuất bản sách với ông rất đơn giản?

Mỗi cuốn sách là sự chắt lọc từ kiến thức, kinh nghiệm và nhất là những triết lý và nguyên tắc được đúc rút qua một hành trình đủ lâu, đủ chiêm nghiệm, đủ kết quả bảo chứng.

Tôi viết nhiều, cũng có tên trong các cuốn sách của những tác giả khác. Tôi viết về đề tài gắn liền với hoạt động chuyên môn của mình, đó là xây dựng thương hiệu, quan hệ công chúng, báo chí và truyền thông. Tuy nhiên, chưa có cuốn nào hoàn thành, trừ tác phẩm đầu tay Khủng hoảng không bắt đầu từ truyền thông vừa ra mắt.

Như đã nói, không phải tôi không muốn viết sớm hơn, nhưng điều kiện chưa chín muồi và ít thời gian tập trung cho nó. Tôi là người cầu toàn. Ngay trong khi viết, nhiều điều đã xảy ra, những vụ việc mới, xu hướng công nghệ truyền thông khiến tôi phải cập nhật và xem xét lại, chỉnh sửa, thay thế. Đó là lý do tôi mất nhiều thời gian cho cuốn sách này.

Tôi đứng rất nhiều lớp, đào tạo về quản trị rủi ro và xử lý khủng hoảng cho doanh nghiệp, tổ chức xã hội và nhà nước, các trường đại học. Vì thế, tôi ý thức việc xây dựng tài liệu cho tác phẩm đầu tay suốt 10 năm qua. Nhưng thực sự ngồi viết, từ khâu lên khung sườn, mục lục cho cuốn sách đến khi được nhà xuất bản in ra là 2 năm, không hề đơn giản chút nào. 

May mắn tôi được truyền cảm hứng và hỗ trợ từ RIO Book, một công ty sách trẻ, đam mê và có ý thức làm việc nghiêm túc, chuyên nghiệp. Họ là những người liên tục trò chuyện, ghi âm, bóc băng, biên tập và thiết kế để Khủng hoảng không bắt đầu từ truyền thông ra đời.

- Mục đích viết sách của ông là gì?

Người thành công như doanh nhân, tỷ phú, hay chính trị gia, đến một lúc nào đó nhận ra rằng, thực tế từ cuộc đời kinh doanh sóng gió, những cuộc tranh đấu gian khổ của họ có thể trở thành bài học đắt giá cho các thế hệ mai sau.

Tôi tin rằng, phần lớn họ không có mục tiêu tiết lộ, phơi bày cuộc đời mà chia sẻ thông tin quan trọng để độc giả hiểu về con người, sự nghiệp, bao gồm cả những đắng cay và ngọt bùi của họ. Cuối cùng là gì? Họ viết sách nhằm mục đích chia sẻ, tôi cũng vậy thôi!

- Sách có vai trò như thế nào trong cuộc sống và công việc của ông?

Tôi thích sách văn học. Nếu được chọn, để xây dựng tâm hồn và định hướng cuộc sống, tôi sẽ đọc sách văn học nhiều hơn. Nhưng vì công việc quản lý cũng như chuyên môn, tôi cần đọc nhiều loại sách khác, đặc biệt là về quản trị và marketing, truyền thông.

Như thế để thấy rằng, sách đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống xã hội và công việc. Chúng cho tôi thấy quan điểm, tư tưởng khác nhau, những phát kiến và thông tin mình chưa được biết. Kể cả những tranh luận chưa có hồi kết cũng giúp tôi thêm cách nhìn mới. 

lequocvinh1.jpg
"Sách đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống xã hội và công việc", ông Lê Quốc Vinh nhấn mạnh. 

- Cuốn sách nào ông thấy hay và khuyên độc giả tìm đọc?

Tôi thấy có nhiều sách hay và may mắn đã đọc chúng. Hai cuốn đang định hình những triết lý của tôi về chiến lược xây dựng thương hiệu nhân bản - một chủ đề tôi nói khá nhiều trong cuốn sách đầu tay, đó là Bắt đầu với câu hỏi tại sao và Trò chơi vô cực.

Hai tác phẩm này của tác giả Simon Sinek đều thể hiện quan điểm nhất quán về ý nghĩa của việc xây dựng mục đích xã hội lớn lao cho các doanh nghiệp, lấy đó làm tôn chỉ và động lực phát triển. 

Xuất thân trong gia đình văn chương, tủ sách nhà tôi đầy đủ các tiểu thuyết của Nga, Trung Quốc... Với tôi, đọc sách văn học là thưởng thức, cảm nhận câu chữ, ngôn từ. Còn khi đọc sách kinh doanh, tôi không câu nệ nhiều về văn phong, ngôn từ nữa. Vì thế, với tôi sách nào thấy hay và có giá trị, tuỳ thuộc nhu cầu.

Khi nghiên cứu các xu hướng, tôi sẽ lựa chọn cuốn cần cho công việc về tư vấn và giảng dạy. Ví dụ, bây giờ nói nhiều đến công nghệ, blockchain, AI... thì mình phải đọc những thứ đấy, để nói chuyện với các học viên. Đọc là nhu cầu tự thân, cũng nên tự tạo áp lực để đọc theo kiểu như vậy. 

Ngày trẻ, tôi đọc sách theo kiểu nghiền ngẫm. Bây giờ, tôi phải đọc theo phương pháp nhanh, lĩnh hội nội dung cốt lõi là chính, vì thời gian có hạn. Tôi hay "đọc" sách nói vì thấy nhanh. Tất nhiên, nghe thì không thể lưu lại được thông tin cần thiết. Lúc cần, tôi phải đọc lại sách in.

- Ông định hướng việc đọc sách cho các con như thế nào?

Tôi không có ảnh hưởng trực tiếp đến thói quen đọc sách của con cái. Hay nói đúng hơn, tôi không cố tình có một định hướng cụ thể. May mắn là các cháu đều thích đọc.

Ngày xưa khi còn nhỏ, các con rất thích đọc truyện tranh, lớn lên một chút lại đổi sang gu khác. Tức là, cách đọc của giới trẻ bây giờ thay đổi rất nhanh, có thể năm trước thế này nhưng năm sau đã khác.

Con trai lớn của tôi mê sách, từ nhỏ đã tự mua để đọc. Giờ cháu thích đọc sách tiếng Anh bằng Kindle để hấp thụ những kiến thức mới. Con út lại thích đọc những gì mang tính công nghệ, khám phá. 

Tôi nghĩ, đó là ảnh hưởng của văn hoá trong gia đình, tự nhiên thấm vào thói quen hàng ngày của các cháu. 

(Ảnh: NVCC)