PV. VietNamNet đã có cuộc trao đổi với TS. Lê Quốc Phương, nguyên Phó giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), về câu chuyện làm thế nào để bảo vệ hàng trong nước trước "cơn lốc" hàng ngoại ồ ạt tràn vào khi hàng rào thuế quan được gỡ bỏ.
Nước nào cũng áp hàng rào kỹ thuật
- Ông đánh giá thế nào về việc Việt Nam đang trở thành thị trường màu mỡ cho hàng hóa nhập khẩu của nước ngoài?
TS. Lê Quốc Phương: Hàng nhập khẩu vào nước ta rất nhiều, trong đó gồm cả những mặt hàng nước ta sản xuất được. Đây là vấn đề tồn tại từ lâu. Chúng ta đã tìm cách ứng phó nhưng chưa hiệu quả hoặc hiệu quả chỉ một phần. Nguyên nhân đầu tiên và là nguyên nhân chính là hàng nước ngoài có giá rẻ, chất lượng nhiều mặt hàng tương đương hàng trong nước.
Việt Nam đã mở cửa và hội nhập quốc tế thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTA). Trong các FTA ấy, thuế suất giảm bằng 0% hoặc có lộ trình giảm dần về 0%. Chúng ta cũng không được phép phân biệt đối xử với hàng nhập khẩu.
Khi hàng rào thuế quan được gỡ bỏ, nhiều nước gia tăng áp dụng các hàng rào kỹ thuật và các biện pháp phòng vệ thương mại, trong khi đó hàng rào kỹ thuật của nước ta lại gần như không có hoặc hàng rào rất mỏng.
Ví dụ với hàng thực phẩm, hàng rào kỹ thuật thường được các nước áp dụng là các biện pháp ATVSTP và kiểm dịch dịch động thực vật (SPS). Còn với hàng phi thực phẩm là các rào cản kỹ thuật đối với thương mại (TBT).
- Nhiều ngành hàng trong nước đã phải kêu cứu trước sức ép từ hàng nhập khẩu. Vì sao chúng ta chưa có biện pháp hữu hiệu để bảo vệ cho hàng sản xuất trong nước, thưa ông?
Điều này bao gồm cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, từ bản thân doanh nghiệp cũng như cơ quan nhà nước.
Nếu nước ta áp dụng các rào cản kỹ thuật đối với thương mại như TBT thì có thể một số DN sản xuất trong nước cũng không muốn. Bởi theo quy định của WTO cũng như các hiệp định thương mại tự do, một nước đặt ra các quy định liên quan đến TBT thì không được phân biệt với hàng nội địa hay hàng nhập khẩu. Tức là, đặt ra tiêu chuẩn TBT với hàng nhập khẩu thì hàng nội địa cũng phải đạt được tiêu chuẩn ấy.
Nhưng trong nước rất nhiều mặt hàng không đáp ứng được tiêu chuẩn đó. Chính DN đề nghị chưa áp dụng. Cho nên, chúng ta rất khó trong việc này. Nếu áp dụng thì nhiều DN có thể phá sản.
Cách các nước thường sử dụng mà ta chưa làm được nhiều là dựng hàng rào kỹ thuật. Việt Nam hay bất cứ nước nào khác có nền kinh tế mở đều phải sử dụng hàng rào kỹ thuật.
Hàng rào kỹ thuật là biện pháp được phép áp dụng nhưng phải hợp lý, cũng là để bảo vệ người tiêu dùng, nhà sản xuất trong nước. Ví dụ, thực phẩm nhập khẩu phải đạt tiêu chuẩn ATVSTP, các mặt hàng khác phải đảm bảo tiêu chuẩn về an toàn, về môi trường, tiêu chuẩn lao động... Các nước sử dụng rất nhiều loại tiêu chuẩn và được WTO cho phép.
Nhìn chung, hàng rào kỹ thuật của chúng ta đã có nhưng rất yếu. Cho nên, hàng nhập khẩu vẫn tràn vào rất nhiều, đe dọa sản xuất trong nước. Tất nhiên, chúng ta hiện tương đối an tâm vì nhập khẩu 90% là tư liệu sản xuất, chỉ 10% là hàng tiêu dùng. Nhưng ngay cả các mặt hàng là tư liệu sản xuất nhập về cũng có khả năng bóp chết hàng trong nước.
"Mở toang cửa mà không có gì bảo vệ thì rất nguy hiểm"
- Một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn bất thường, có dấu hiệu bán phá giá thì Việt Nam có nên áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại không, thưa ông?
Năm 2017, Bộ Công Thương đã thành lập Cục Phòng vệ thương mại, tách ra từ Cục Quản lý cạnh tranh. Đây là một công cụ nhằm hỗ trợ cho các nhà sản xuất trong nước khi có hiện tượng gia tăng hàng nhập khẩu một cách bất thường hay đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho hàng sản xuất trong nước.
Cục Phòng vệ thương mại đã làm được một số vụ việc chống bán phá giá, nhưng số vụ còn ít, trong khi các nước làm với hàng hóa Việt Nam rất nhiều. Hàng Việt Nam vào Mỹ, Ấn Độ, EU, đều gặp phải các biện pháp phòng vệ thương mại. Khi chúng ta xuất khẩu ồ ạt một mặt hàng nào đó, nếu trong vòng 1 năm tăng quá 10% hoặc 20%, các nước sẽ tiến hành điều tra, căn cứ đơn đề nghị của các DN nước họ.
Năng lực phòng vệ thương mại của Việt Nam vẫn yếu vì DN Việt Nam chưa quen với việc này.
Hơn nữa, năng lực điều tra, khởi kiện, đưa ra biện pháp phòng vệ thương mại tương đối yếu. Cục Phòng vệ thương mại là đơn vị thành lập chưa lâu, mọi thứ từ con số 0. 6 năm qua, cơ quan này bắt đầu làm được một số vụ nhưng còn rất ít. Năng lực của cơ quan quản lý nhà nước còn yếu kém, sự phối hợp giữa cơ quan nhà nước và DN còn chưa chặt chẽ.
Bản thân DN còn yếu, nhất là DN nhỏ và vừa. Khi hàng nhập vào nhiều, các DN cũng không biết phải xử lý thế nào. Trong nhiều trường hợp, theo đuổi các vụ kiện chống bán phá giá rất tốn kém, phải thuê luật sư, chuyên gia. Chúng ta chưa đủ năng lực, trình độ, chưa có sự chuẩn bị nhiều.
Tóm lại, trong bối cảnh đang “mở toang cửa”, chúng ta phải nâng cao năng lực phòng vệ thương mại, và hàng rào kỹ thuật. Nếu mở cửa mà không có gì bảo vệ thì rất nguy hiểm cho nền sản xuất trong nước.
Thép là một ví dụ khá điển hình của việc phải chịu sức ép từ hàng nhập khẩu. Thép có thời kỳ nhập chủ yếu từ Trung Quốc. Thậm chí thép Trung Quốc muốn đội lốt hàng Việt Nam để xuất đi nước khác vì thép Trung Quốc bị áp thuế rất cao. Giờ đây, việc nhập khẩu thép vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
- Như vậy, các bộ ngành cần phải chú ý hơn đến việc xây dựng các hàng rào kỹ thuật để bảo vệ nền sản xuất trong nước, thưa ông?
Hàng rào kỹ thuật còn kém, hàng rào thuế quan bị hạ xuống rất thấp đã tạo điều kiện cho thép nước ngoài tràn vào. Do vậy, chúng ta phải tập trung nghiên cứu, đưa ra những biện pháp về hàng rào kỹ thuật, về phòng vệ thương mại để bảo vệ hàng trong nước.
Bản thân các DN trong nước cũng phải nâng cao năng lực, đáp ứng các tiêu chuẩn cao và cũng phải nâng cao nhận thức, sự hiểu biết về các biện pháp phòng vệ thương mại. Đó là điều cần làm để có thể bảo vệ được sản xuất trước sức ép từ hàng nhập khẩu.
- Xin cảm ơn ông!