Sau khi tốt nghiệp Đại học Stanford (Mỹ), Rahul Pandey công tác ở Pinterest (mạng xã hội hình ảnh) được 2,5 năm. Năm 2017, anh lựa chọn làm việc tại Facebook với tư cách là kỹ sư phần mềm bởi lời đề nghị hấp dẫn và dự án thú vị, hứa hẹn cơ hội phát triển đầy tiềm năng.

Mức lương Facebook đưa ra để chiêu mộ Rahul là 390.000 USD/năm (khoảng 9,5 tỷ đồng). Trong đó, lương cơ bản 170.000 USD (4,1 tỷ đồng), thưởng hợp đồng 45.000 USD (1,1 tỷ đồng), thưởng cổ phiếu 150.000 USD (3,6 tỷ đồng) và thưởng hàng năm 15%.

Chàng kỹ sư tiết lộ lý do từ bỏ mức lương 20,1 tỷ đồng tại Facebook - 1

Rahul Pandey nhận được lời mời làm việc tại Facebook với mức lương đáng mơ ước (Ảnh: NetEase).

Rahul Pandey phải đối mặt với nhiều khó khăn trong những tháng đầu làm kỹ sư tại Facebook. Việc vật lộn với công việc, thích nghi môi trường, văn hóa công ty đã khiến chàng kỹ sư mệt mỏi và áp lực.

Sau một thời gian cố gắng, anh dần thích nghi và được thăng chức lên vị trí kỹ sư cấp cao tại Facebook. Nhận thấy cơ hội phát triển mạnh mẽ đến từ việc tận dụng sự hợp tác trong nhóm, Rahul liên hệ với các đồng đội và trưởng nhóm công nghệ khác để hiểu rõ hơn về công việc của họ, tìm cách cải thiện hiệu suất công việc.

Sau hai năm làm việc tại Facebook, chàng kỹ sư đã xây dựng một nguyên tắc nội bộ được áp dụng trong toàn tổ chức và giúp các kỹ sư tiết kiệm được rất nhiều thời gian.

Vừa có kiến thức nghề nghiệp, vừa sở hữu năng lực lãnh đạo, Rahul góp mặt trong danh sách nhân viên xuất sắc của năm hai lần liên tiếp. Phần thưởng cho anh là khoản cổ phần công ty với trị giá 250.000 USD (hơn 6 tỷ đồng) đến từ giám đốc cấp cao.

Năm 2021, mức lương của Rahul là 830.000 USD (20,1 tỷ đồng) và số cổ phần tích lũy của anh cũng đạt tới hơn 600.000 USD (14,5 tỷ đồng). Thời điểm này, anh được xếp vào top những người có thu nhập cao nhất nước Mỹ. 

Trong 5 năm làm việc tại Facebook, tổng thu nhập của Rahul đã đạt tới 2,79 triệu USD (67,7 tỷ đồng).

Chàng kỹ sư tiết lộ lý do từ bỏ mức lương 20,1 tỷ đồng tại Facebook - 2

Rahul (trái) quyết định nghỉ việc để khởi nghiệp (Ảnh: NetEase).

Tuy nhiên, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Rahul khám phá thêm môi trường bên ngoài Facebook. "Sau gần 10 năm làm việc trong lĩnh vực công nghệ, tôi đã đạt được một mức độ tự do tài chính nhất định. Tôi nhận ra, mình có thể học hỏi được nhiều điều hơn thế nữa ngoài kỹ thuật", anh chia sẻ.

Đầu năm 2022, Rahul từ bỏ mức lương đáng mơ ước vì áp lực công việc và tư duy thay đổi, không thể có tiếng nói chung cùng đồng nghiệp. Sau khoảng 10 năm làm việc trong lĩnh vực công nghệ, tích lũy đủ kinh nghiệm và tài chính, Rahul Pandey quyết định thành lập công ty riêng để khởi nghiệp.

Công ty của anh có tên Taro, chuyên về mảng tư vấn doanh nghiệp, chia sẻ kiến thức và kỹ năng cần thiết, giúp các kỹ sư phần mềm phát triển sự nghiệp của họ. 

Là cựu kỹ sư phần mềm cao cấp của Facebook từng rất thành công, Rahul chia sẻ câu chuyện của bản thân để giúp mọi người có thêm động lực.

"Hiện tại, nhiều kỹ sư phần mềm bị mắc kẹt trong công việc. Họ cứ chăm chỉ làm việc và không nhận ra những khuyết điểm, thiếu sót để trở thành kỹ sư cấp cao hay người quản lý. Tôi hy vọng, thông qua những chia sẻ của mình, họ có những thay đổi tích cực và đạt tới thành công", Rahul nói.

Theo Dân trí