concai.png
Hai bố con Nan Zhong và Stanley 

Stanley Zhong mới tốt nghiệp một trường trung học California (Mỹ) năm 2023. Chàng trai 18 tuổi là một học sinh nổi bật, đạt 1590/1600 chứng chỉ SAT, GPA xuất sắc.

Tuy nhiên, khi nộp đơn vào chuyên ngành khoa học máy tính của 18 trường đại học ở Mỹ thì có đến 16 trường từ chối cậu, trong đó có cả Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Đại học Stanford, Đại học Michigan, Đại học Wisconsin... Chỉ có 2 trường nhận cậu là Đại học Texas ở Austin (UT) và Đại học Maryland. 

Khi‏ Stanley Zhong quyết định sẽ vào Đại học Texas cũng là lúc cậu bất ngờ nhận được lời mời làm kỹ sư phần mềm tại Google. Đây là công việc không yêu cầu bằng đại học nhưng kinh nghiệm thực tế được đánh giá cao.

Tin này khiến những người xung quanh bất ngờ nhưng bố của Stanley lại xem đó là điều hiển nhiên, theo CNBC.

Là một kỹ sư, ông Nan Zhong sớm nhận ra khả năng của con. Ông chia sẻ rằng Stanley biết viết mã lập trình lúc 10 tuổi.

"Tôi thấy con lập trình từ khi 10 tuổi. Suốt quá trình đó, con đã gây cho tôi rất nhiều cú sốc vì khả năng ấy. Đến bây giờ, tôi không quá bất ngờ khi con được nhận vào làm ở Google. Cậu bé đã quá tuyệt vời suốt quãng thời gian qua", ông nói.

Quy tắc số 1 của ông khi nuôi dạy con trai thành tài chính là không can thiệp vào đời sống, quyết định lựa chọn của đứa trẻ.

Cung cấp tài nguyên, để con tự do khám phá

Việc cha mẹ không can thiệp, không có nghĩa là tách rời khỏi cuộc sống của con hoặc không có trách nhiệm hay thiếu quy tắc. Ông Nan chia sẻ điều đó có nghĩa là cho phép con trai tự do khám phá đam mê của mình.

"Nếu con cần gì, chúng tôi sẽ giúp, ở phía sau soi đường cho con. Nhưng đối với việc con sẽ đi bao xa, đi trên con đường nào hay hướng thay đổi sao, sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào con", ông nói.

Ông Nan lấy ví dụ với trải nghiệm của Stanley cùng môn cờ vua khi cậu bé 4 tuổi. Lúc 6 tuổi, Stanley đã giành chiến thắng trong Giải vô địch tiểu bang Washington cho nhóm tuổi của mình và đứng thứ 9 trong giải vô địch quốc gia.

Ông Nan thuê huấn luyện viên cho Stanley và cậu bé miệt mài luyện tập. Nhưng đến một ngày, cậu tuyên bố với với huấn luyện viên rằng sẽ từ giã cờ vua.

Ông Nan không hiểu tại sao con trai mình muốn từ bỏ môn thể thao đã dành nhiều năm để luyện tập, nhưng ông vẫn hoàn toàn đồng ý.

"Chúng tôi tôn trọng con. Tôi nghĩ con đã quyết định làm điều gì đó khác hơn. Bất kể khi nào con muốn theo đuổi điều gì, chúng tôi cung cấp các tài nguyên cần thiết để con tiến lên nhanh chóng. Mọi việc còn lại là con tự mình cố gắng hoàn thành", ông cho biết.

concai1.png

Giúp con có "may mắn"

Ông Nan cũng làm việc tại Google. Ông khẳng định mình không tham gia vào bất kỳ quy trình tuyển dụng nào. Mọi thứ đều được giữ kín tuyệt đối.

Hành trình của Stanley đến Google bắt đầu từ 5 năm trước, khi cậu thành lập RabbitSign. Dự án này của cậu đã gây ấn tượng với nhà tuyển dụng Google. Nhưng thời điểm đó, cậu còn quá nhỏ để được nhận vào làm việc tại công ty này.

Khi gần tốt nghiệp cấp 3, cậu nhận được thư mời từ nhà tuyển dụng Amazon Web Services. Nhưng việc này chỉ khiến cậu nhớ đến nhà tuyển dụng Google. Chàng trai lập tức liên hệ với Google và nhắc về lời mời năm xưa.

Stanley liên hệ lại, khởi động quá trình phỏng vấn mới. Qua cuộc phỏng vấn, chàng trai đã tạo được ấn tượng tốt và được nhận vào làm việc. Ông Nan chỉ hướng dẫn con cần chuẩn bị gì để hoàn thành thật tốt các nhiệm vụ. Phần còn lại là do chàng trai trẻ quyết định.

Một phần công việc của ông Nan, với tư cách người cha, là giúp con trai mình chuẩn bị cho những khoảnh khắc "may mắn". Để khi chúng đến, Stanley có thể tận dụng thành công.

Nuôi dưỡng tinh thần phấn đấu để thành công

Các chiến lược của ông Nan phù hợp với nghiên cứu từ chuyên gia về nuôi dạy con cái Jennifer Breheny Wallace. Chuyện gia cho biết cách nuôi dạy tốt nhất chính là để con trở thành những người cố gắng một cách lành mạnh.

Điều này có nghĩa là bố mẹ giúp con phấn đấu lành mạnh, có động lực tự thân để thành công, không coi thành tích quyết định giá trị con người.

Từ đó, giúp trẻ cảm thấy mình được đánh giá cao vì chính bản thân con, chứ không phải vì điểm số hay giải thưởng. Đồng thời bố mẹ thể hiện niềm tin tưởng vào con. Nói cách khác, con trẻ cần biết rằng mình quan trọng.

Jennifer Breheny Wallace cho biết: "Đây là cách để bố mẹ bảo vệ con khỏi căng thẳng, lo lắng, trầm cảm. Cố gắng lành mạnh nhưng không có nghĩa sẽ không thất bại, nhưng nó như một chiếc phao nâng con lên, khiến con kiên cường hơn".

Bằng cách ủng hộ con trong những thời điểm khó khăn, bố mẹ khẳng định rằng con có thể hồi phục sau những thất bại.

Ví dụ, khi Stanley không được nhiều trường đại học nhận, ông Nan đã bắt đầu đề xuất các trường đại học tăng tính minh bạch về các quyết định bằng cách nêu lý do từ chối.

"Chúng tôi đã gửi thư viết rằng xin vui lòng cho biết thêm ứng viên thiếu điều kiện gì. Bởi nếu không rõ ràng, tôi nghĩ bố mẹ chỉ cảm thấy như mình thất bại, còn bọn trẻ thì cảm thấy như bị bỏ rơi trong bóng tối", ông nói.