Trong Kỳ thi Kỹ năng nghề ASEAN lần thứ X tổ chức tại Hà Nội năm 2014, chàng trai dân tộc Tày Trần Văn Huân đã xuất sắc giành được tấm Huy chương Vàng. Con đường đi đến thành công này của Huân không hề "trải đầy hoa hồng".

{keywords}
Trần Văn Huân và huấn luyện viên Hoàng Nhân Thắng trong kỳ thi Kỹ năng nghề Asean 2014.

Chinh phục giấc mơ Huy chương Vàng kỹ năng nghề

Gia đình Huân thuộc diện nghèo của thôn Đồng Mặn (Vĩnh Khương, Sơn Động, Bắc Giang), bố mẹ làm nông nghiệp và chăn nuôi gia súc, gia cầm nhỏ lẻ. Tuổi thơ Huân là những ngày dài theo bố mẹ ra đồng, đi chăn bò.

Hàng ngày, Huân chứng kiến bao sự vất vả của bố mẹ. Trời nắng chang chang, cua cá ngoi lên bờ mà bố mẹ anh vẫn phải xuống ruộng cấy. Khuôn mặt sưng phù vì cúi quá lâu.

Do đó, anh đã tự đặt mục tiêu cho mình cố gắng học nghề để có điều kiện phụ giúp gia đình, thay đổi cuộc sống.  

Học hết lớp 9, Huân đăng ký vào học lớp 10 tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên và dạy nghề huyện Sơn Động. Để đến được trường, Huân phải vượt qua quãng đường rừng gập ghềnh. Tuy vậy, mưa lũ hay giá rét chưa bao giờ khiến Huân nhụt chí bỏ học một ngày nào.

Thời điểm này, Trung tâm Giáo dục thường xuyên và dạy nghề Sơn Động liên kết với trường Cao đẳng Công nghệ Nông lâm Đông Bắc (Lạng Sơn) mở lớp Gia công chế biến sản phẩm mộc.

Huân đăng ký tham gia với mơ ước sẽ mở được một xưởng sản xuất đồ mộc tại nhà. Đây cũng là nghề truyền thống ở khu vực quê Huân.

Thời gian học nghề với kết quả xuất sắc, Huân được các thầy giáo trường Cao đẳng Công nghệ và Nông lâm Đông Bắc nhận thấy có nhiều tố chất nên đã đưa anh vào đội tuyển Học sinh giỏi của trường, bồi dưỡng kiến thức thi Kỹ năng nghề.

“Ngay từ khi học nghề, tôi đã định hướng con đường đi của mình và kiên trì theo đuổi mục tiêu đó. Đặc biệt khi được chọn bồi dưỡng thi học sinh giỏi nghề, tôi luôn hướng đến việc chinh phục tấm Huy chương để làm rạng danh quê hương, đất nước”, Huân xúc động nói.

Mỗi ngày, sau giờ học văn hóa anh đến khu thực hành của xưởng mộc làm việc và luyện tập, tìm tòi những kiến thức mới cũng như áp dụng chúng vào công việc chế tác gỗ.

Thầy Hoàng Nhân Thắng, giảng viên khoa Mộc mỹ nghệ của trường, huấn luyện viên của Huân chia sẻ: “Huân là học sinh có kỹ năng nghề tốt, nắm bắt công nghệ nhạy bén và có tính sáng tạo trong chế tác đồ gỗ.

Quá trình huấn luyện, chúng tôi đánh giá rất cao sự nghiêm túc cũng như sự cầu tiến của Huân. Hầu như ngày nào thầy và trò cũng ở xưởng đến khuya mới về”.

{keywords}
Với sản phẩm làm nhanh nhất, đẹp nhất, Huân xuất sắc giành được Huy chương Vàng Kỹ năng nghề Asean.

Tháng 02/2014, Huân đạt giải Nhất thi tay nghề giỏi do Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức. Anh tiếp tục được chọn vào đội tuyển của Bộ.

Tháng 5/2014, chàng trai dân tộc Tày đạt giải Nhất kỳ thi Kỹ năng nghề Quốc gia, được chọn vào đội tuyển Quốc gia và đại diện cho Việt Nam thi Kỹ năng nghề ASEAN ở lĩnh vực mộc.

Huân kể lại, thời gian đó anh gặp khá nhiều áp lực vì các đối thủ của nước khác được đánh giá là “nặng kí”, thời gian huấn luyện lại gấp rút.

Thầy cô Trung tâm GDTX-DN Sơn Động và trường Cao đẳng Công nghệ Nông lâm Đông Bắc đã động viên, trấn an cũng như tạo điều kiện cho anh tham gia cuộc thi tốt nhất.

Kỳ thi Kỹ năng nghề ASEAN năm đó do Việt Nam đăng cai tổ chức có 10 nước tham gia. 

Cuối tháng 10/2014, với việc hoàn thành sản phẩm tủ gỗ đầu giường trong thời gian nhanh nhất, đẹp nhất, Trần Văn Huân đã giành được Huy chương Vàng trong tổng số 15 Huy chương Vàng của đoàn Việt Nam, góp phần đưa đoàn học sinh Việt Nam đứng thứ Nhất khu vực Đông Nam Á.

{keywords}
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao Huy chương vàng cho học sinh đạt giải cuộc thi tay nghề giỏi ASEAN lần thứ 10.

Với thành tích đó, Huân còn được nhận Huy hiệu Tuổi trẻ sáng tạo của Ban chấp hành Trung ương Đoàn, Bằng khen của Bộ Trưởng Bộ NN&PTNT, Bộ LAO ĐỘNG-TBXH, đặc biệt là Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Sau đó Huân tiếp tục được chọn vào đội tuyển Việt Nam tham gia Kỳ thi Kỹ năng nghề Thế giới tổ chức vào tháng 8/2015. Tại kỳ thi này, tuy không giành được huy chương nhưng anh được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc.

Học nghề là cánh cửa vững chắc vào đời

Sau khi gặt hái được thành công, Huân quay về Trung tâm GDTX-DN Sơn Động hoàn thành nốt chương trình phổ thông. Tốt nghiệp, Huân được trường Cao đẳng Nông lâm Đông Bắc mời về làm việc, đào tạo các em học sinh trong khoa Mộc Mỹ nghệ.

{keywords}
Huân khẳng định, học nghề là con đường vững chắc vào đời. 

Công việc phù hợp với chuyên ngành và kiến thức Huân được học, hứa hẹn nhiều thuận lợi. Trong tương lai anh có thể trở thành huấn luyện viên cho các học sinh giỏi thi tay nghề.

Tuy vậy, khát vọng vươn ra biển lớn đã khiến Huân quyết định lên đường sang Nhật Bản học tập và làm việc về ngành gỗ. 

Cuộc sống bên Nhật nhiều vất vả nhưng Huân tin rằng, với kiến thức được nâng cao từng ngày, khi về nước anh sẽ có cơ hội phát triển hơn nữa. 

{keywords}
Huân (quần áo thể thao) cùng bạn bè bên Nhật Bản.

Nhớ lại Kỳ thi Kỹ năng nghề Thế giới năm 2015, Huân khẳng định, Việt Nam hoàn toàn có tiềm năng giành được thành tích cao tại đấu trường này. Năm đó, anh chỉ thiếu một chút điểm là mang được Huy chương về. 

"Đó cũng là bài học quý báu cho tôi cũng như các huấn luyện viên, rút ra kinh nghiệm để nâng tầm chất lượng tay nghề cho các thí sinh vào các kỳ thi trong tương lai", Huân nói.

Huân chia sẻ thêm, sau này về nước, anh sẽ thực hiện nốt ước mơ còn dang dở là mở xưởng mộc.

"Nếu có lời khuyên cho các bạn trẻ, tôi chỉ muốn các bạn hiểu rằng, học nghề cũng là một cánh cửa vững chắc vào đời. Tôi thấy mình đã đúng khi lựa chọn học nghề", Huân tâm sự. 

Quang Sơn