Ngày 17/3, anh  N.V.M. 23 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội đến một bệnh viện tư kiểm tra sức khỏe để đi xin việc. Kết quả siêu âm tim cho thấy bệnh nhân bị dày thành tim, biến chứng do tăng huyết áp nhưng anh M. không biết.

Vào thời điểm đó, huyết áp của anh M. lên 150/100mmHg. Bác sĩ cho biết, ở độ tuổi 23, với chỉ số như vậy, bệnh nhân có nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim bất cứ lúc nào.

Anh M. chia sẻ, anh ở trọ trên Hà Nội, rất lười nấu ăn và đều gọi đồ ăn sẵn. Ngoài ra, anh chưa bao giờ tập thể dục. Thậm chí, chỗ làm và chỗ ở cách nhau chưa tới 1km, anh vẫn đi xe máy. Anh cho rằng công việc bận rộn, thích tiện lợi nên không quan tâm chế độ ăn uống và vận động. 

Bệnh nhân khám tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Ảnh: Phương Thúy

Theo Thạc sĩ, bác sĩ Khổng Tiến Bình - Trưởng khoa Nội - Can thiệp tim mạch, hô hấp, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, bệnh lý tăng huyết áp ở người trẻ ngày càng đáng báo động nhưng người dân lại chủ quan.

Bệnh viện từng tiếp nhận bệnh nhân mới 32 tuổi vào viện cấp cứu do xuất huyết não. Người nhà cho biết trước đó, bệnh nhân bị tăng huyết áp nhưng không điều trị theo đơn của bác sĩ mà uống thực phẩm chức năng dẫn tới huyết áp không được kiểm soát gây ra biến chứng xuất huyết não. Bệnh nhân đã không qua khỏi.

Bác sĩ Bình giải thích, bệnh lý tăng huyết áp là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên thế giới. Hiện nay, hơn 1 tỷ người bị tăng huyết áp và số người mắc ngày càng tăng lên. Mỗi năm, tăng huyết áp gây tử vong cho 4,9 triệu người vì bệnh tim thiếu máu cục bộ, 2 triệu người vì đột quỵ chảy máu não và 1,5 triệu người vì đột quỵ thiếu máu não.

Tại Việt Nam, số liệu mới nhất có khoảng 25,1% người trên 25 tuổi tăng huyết áp. Trong đó, số người biết mình tăng huyết áp và điều trị rất thấp, chỉ chiếm 34,2% và kiểm soát tốt huyết áp chỉ có 11% số bệnh nhân. Những bệnh nhân trẻ như trên nếu không phát hiện tình trạng tăng huyết áp sớm thì dễ dẫn tới các vấn đề nguy hiểm, đặc biệt là biến chứng tim mạch gây đột quỵ não, nhồi máu não, phình lóc động mạch, suy thận, suy thị lực.

Theo bác sĩ Bình, có hai yếu tố gây ra tăng huyết áp nguyên phát: 

Yếu tố không thể điều chỉnh: tuổi tác, chủng tộc, di truyền. Nếu gia đình có người tăng huyết áp thì con cái cũng dễ mắc bệnh này hơn.

Yếu tố có thể điều chỉnh: ăn nhiều muối, hút thuốc lá, uống rượu mạnh, thiếu vận động, stress. Đặc biệt là tình trạng thừa cân béo phì, những người có chỉ số khối cơ thể BMI từ 23 trở lên rất dễ bị tăng huyết áp.

Tăng huyết áp thứ phát có thể do các bệnh lý liên quan tới thận, mạch máu, nội tiết. Người mắc bệnh viêm cầu thận, sỏi thận, hẹp động mạch thận, bệnh cường giáp, bệnh tuyến yên, u vỏ hoặc tủy thượng thận. Bệnh lý về mạch máu và tim như hở van động mạch chủ, hẹp eo động mạch chủ, takayasu. Phụ nữ bị nhiễm độc thai nghén.

Để phòng tăng huyết áp, người dân cần lưu ý thực hiện các biện pháp an toàn như có chế độ ăn hợp lý. Có thể áp dụng chế độ ăn theo phương pháp DASH, cắt giảm muối, duy trì cân nặng hợp lý, hạn chế uống bia rượu, ngừng hút thuốc lá, thuốc lào. Tăng cường hoạt động thể lực ở  mức độ thích hợp, tránh lo âu, căng thẳng thần kinh. Đo và kiểm tra huyết áp thường xuyên đúng cách để phát hiện sớm và theo dõi tăng huyết áp. Khi bạn bị tăng huyết áp, cần uống thuốc và tuân thủ liệu trình điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ.