Những năm đần đây, bản Pu Lau (xã Mường Nhà, huyện Điện Biên) nổi tiếng với cây dứa mật, loại dứa thơm, ngọt, được nhiều nơi ưa chuộng. Và cây dứa đã trở thành cây trồng chủ lực phát triển kinh tế cho bản, giúp người dân thoát nghèo bền vững.

W-thào a giàng ĐB.jpg
Anh Thào A Giàng, Giám đốc HTX Dứa Mường Nhà, đang kiểm tra đồi dứa bản Pu Lau.

Dưới cái nắng oi ả của chiều hè tháng 4, vuợt qua hơn 40km đến bản Pu Lau, chúng tôi theo chân anh Thào A Giàng, Giám đốc HTX dứa Mường Nhà, tiếp tục vượt qua nhiều con dốc gập ghềnh để tận mắt chiêm ngưỡng những đồi dứa mật phủ kín trải dài xa típ tắp. Mỗi cây dứa đang cho ra quả đều tăm tắp báo hiệu một mùa dứa bội thu sắp tới gần.

Chỉ vào một khóm dứa trước mặt, anh Giàng cho biết, thời điểm này quả dứa đang ra hoa. Nhìn vào hoa dứa, tùy vào hoa to hay nhỏ để biết cây sẽ cho quả ở mức độ nào. Nếu hoa ra sớm và nở to thì chắc chắn quả dứa này sẽ phát triển to và ngược lại.

Theo Giám đốc HTX dứa Mường Nhà Thào A Giàng, trước đây bà con chủ yếu thấy cây dứa cho thu hoạch tốt nên đa số trồng tự phát, mạnh ai nấy trồng và tự mang đi tiêu thụ. 

Để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm giúp bà con yên tâm sản xuất, năm 2022, Hợp tác xã dứa Mường Nhà được thành lập và liên kết với các hộ dân phát triển, nhân rộng và bao tiêu sản phẩm cho người dân. 

dứa mật mường nhà.jpg
Quả dứa đang thời kỳ ra hoa.

Hiện nay, hợp tác xã đang thực hiện sản xuất, kinh doanh hơn 60ha dứa, sản lượng đạt 1.500 tấn/năm. Bản Pu Lau có 112 hộ dân, thì có hơn 70 hộ tham gia trồng dứa, nhà nào ít thì trồng 500-1.000m2, nhà nhiều thì vài héc ta dứa. Vùng trồng dứa tập trung tại bản Pu Lau với hơn 30ha. Năm 2023, doanh thu trồng dứa của hợp tác xã và các hộ dân bản Pu Lau đạt trên 5 tỷ đồng. 

“Từ ngày thành lập, hợp tác xã đã hướng dẫn bà con trồng dứa theo quy trình kỹ thuật để nâng cao năng suất cũng như chất lượng quả. Đến mùa thu hoạch, hợp tác xã sẽ nhận tiêu thụ toàn bộ sản lượng cho bà con, đồng thời liên kết với các công ty thu mua dứa. 

Nhờ được hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm, những năm gần đây sản phẩm dứa ngày càng chất lượng, giá cả ổn định, giúp nhiều hộ dân thoát nghèo. Hiện nay, diện tích dứa đang cho thu hoạch khoảng 40ha với sản lượng hằng năm đạt gần 200 tấn, thu từ 1,2 đến 1,5 tỷ đồng/năm”, anh Giàng cho hay.

W-đồi dứa mật 3.jpg
Dứa phủ kín từ chân đến đỉnh đồi nơi biên giới.

Ông Phạm Thái Sơn, chuyên viên phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên, cho biết: Trước đây, Mường Nhà là xã vùng cao, biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Điện Biên, và bản Pu Lau là bản khó khăn, nghèo đói nhất của xã. Bà con trong bản chỉ trông chờ vào trồng lúa, sắn, ngô nên đời sống còn nhiều khó khăn, tỷ lệ đói nghèo cao. 

Tuy nhiên, từ ngày xã triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển nông thôn mới, xoá đói giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xã Mường Nhà đã từng bước thay đổi đáng kể. Trong đó phải kể đến bản Pu Lau, bản tuy cách trung tâm xã Mường Nhà gần 15km nhưng những năm gần đây, giao thông khá thuận lợi, kinh tế - xã hội phát triển giúp nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc nơi đây. 

Khoảng 5 năm trở lại đây, nhờ sự chịu khó bám nương cải tạo đất trống, đồi núi bạc màu, từ những diện tích nương kém hiệu quả, bản người Mông Pu Lau đã chuyển đổi sang trồng giống dứa Lào. 

Như gia đình anh Vàng A Sống trước đây là một hộ nghèo ở bản Pu Lau. Trước đây, gia đình anh Sống có 7.000 m2 đất trồng lúa, ngô, tuy nhiên mỗi vụ, gia đình anh chỉ thu được khoảng  7 – 10 triệu đồng. Từ năm 2016, gia đình anh Sống chuyển sang trồng dứa và anh thấy việc trồng dứa không vất vả như trồng cây ngô. Chỉ cần tập trung chăm sóc cây vào giai đoạn đầu, khi cây sinh trưởng và phát triển rồi thì không cần chăm sóc nhiều, bón phân ít và cũng không dùng đến thuốc trừ sâu. Sau 3 năm, gia đình anh bắt đầu thu hoạch dứa và thu nhập tốt.

Vì thế, anh Sống đã mạnh dạn chuyển đổi gần 3.000 m2 đất trồng lúa nương sang trồng dứa mật, mỗi vụ gia đình anh thu nhập từ 40-50 triệu đồng. Đến nay, diện tích dứa của gia đình anh lên tới 7.000 m2, mỗi vụ dứa thu hoạch khoảng 10 đến 12 tấn quả/năm. Sau khi trừ chi phí gia đình anh thu về khoảng từ 40 - 50 triệu đồng.

Cây dứa mật có chất lượng tốt, tạo việc làm cho người dân, đặc biệt cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với các loại cây khác. cấp ủy, chính quyền huyện Điện Biên xác định đây là cây trồng chủ yếu để phát triển kinh tế ở vùng đất dốc, cây dứa cũng là thế mạnh để phát triển trở thành sản phẩm chủ lực trong xóa đói giảm nghèo của xã Mường Nhà cũng như bản Pu Lau. 

Nhờ cây dứa, từ một bản nghèo giáp biên giới, hiện nay đời sống của đồng bào người Mông bản Pu Lau ngày một khấm khá. Hiện toàn bản chỉ còn 1 hộ nghèo.

Khoảng thời gian từ cuối tháng 6 đến tháng 8 hằng năm là vào vụ thu hoạch dứa mật. Dứa được chia làm nhiều loại tùy kích cỡ to, nhỏ, giá dao động từ 8.000 - 12.000 đồng/kg.

mường nhà điện biên.jpg
Chủ trương của huyện Điện Biên sẽ phát triển cây dứa nơi đây thành một trong những sản phẩm OCOP tiêu biểu của địa phương.

Hiện toàn bản Pu Lau có 60 ha dứa đang trong giai đoạn thu hoạch. Theo tính toán, mỗi ha trồng khoảng 2,5 vạn cây, năng suất khoảng 17 – 18 tấn quả/ha, với giá bán 10.000 – 12.000 đồng/kg, thì mỗi ha trồng dứa sau khi trừ mọi chí phí người dân lãi khoảng 150 triệu đồng/ha. 

Đặc biệt, sau mỗi vụ, dứa ra cây con, người dân có thể tách chồi trồng mới nên vụ sau bà con chủ động được nguồn giống. Với hiệu quả kinh tế ban đầu, cây dứa đã và đang mở ra một hướng đi mới cho người dân bản Pu Lau nói riêng và xã Mường Nhà nói chung.

W-quả dứa mường nhà.jpg
Từ những diện tích nương kém hiệu quả, bà con dân tộc Mông ở Mường Nhà đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng giống dứa mật cho năng suất cao. 

Hiện nay, chủ trương của huyện Điện Biên là sẽ phát triển dứa nơi đây thành một trong những sản phẩm OCOP tiêu biểu của địa phương. Để thực hiện mục tiêu này, huyện đã triển khai mô hình thâm canh dứa trên diện tích 4 ha tại bản Pu Lau, xã Mường Nhà. 

Mục đích của mô hình nhằm chuyển giao khoa học kĩ thuật cho nông dân trong sản xuất và thâm canh dứa ăn quả, giúp nâng cao năng xuất, sản lượng và đặc biệt là hướng người nông dân sản xuất 100% theo hướng hữu cơ. Cây dứa ở đây được phát triển theo hướng tự nhiên, vì thế dứa chín thành nhiều đợt chứ không chín đại trà, không tạo sức ép mùa vụ quá lớn như các loại cây trồng khác. 

Thanh Nga và nhóm PV, BTV