“Ban đầu mình dự tính đạp xe qua nhiều quốc gia hơn nữa. Tuy nhiên, do bị chấn thương ở mắt cá chân khi vui chơi ngoài suối cùng trẻ em địa phương tại Lào, mình buộc phải kết thúc sớm hành trình khi mới đi qua Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan”, anh Phạm Công Luật (31 tuổi, quê Quảng Trị, hiện sống ở TPHCM) nói.

Anh Luật bắt đầu chuyến đi từ giữa tháng 3/2024. Trước đó, anh từng gây chú ý khi đạp xe khắp 63 tỉnh thành để dọn rác.

440047891_3653325581581803_7364161783547577980_n.jpg
Anh Luật ấp ủ kế hoạch đạp xe qua nhiều quốc gia Đông Nam Á từ vài năm trước và mất khoảng 4 tháng để xây dựng lịch trình. Trong hình, anh đang dừng chân ở đèo Kasi (Lào) - con đèo cao và "khó nhằn" nhất trong hành trình

Chàng trai 31 tuổi cho hay, vì đã trải qua nhiều hành trình lớn nhỏ, hành lý và vật dụng cơ bản, thiết yếu sẵn có nên anh không tốn nhiều thời gian, công sức cho quá trình chuẩn bị trước chuyến đi. Anh chỉ mang thêm một bộ áo dài và chiếc nón lá để mặc trong dịp đặc biệt, khi ghé thăm các quốc gia khác nhau.

“Có 3 lý do thôi thúc mình thực hiện hành trình đạp xe này. Một là xuất phát từ mong muốn được trải nghiệm, ngắm nhìn thế giới và vượt qua giới hạn bản thân. Hai là, lan tỏa những thông điệp, hình ảnh tích cực của Việt Nam tới bạn bè quốc tế.

Cuối cùng là truyền cảm hứng cho các bạn trẻ nỗ lực theo đuổi đam mê và mạnh dạn khám phá nhiều hơn để kết nối và mở mang tầm hiểu biết”, anh Luật chia sẻ.

449704893_3693733550874339_4328311070986505321_n.jpg
Bạn "đồng hành" đặc biệt của anh Luật trong hành trình đạp xe qua 4 quốc gia Đông Nam Á

Ngày 14/3, anh bắt đầu khởi hành từ TPHCM, đi các tỉnh miền Tây, nhập cảnh vào Campuchia, rồi tiếp tục hành trình khám phá Lào và Thái Lan.

Tổng quãng đường mà chàng trai quê Quảng Trị di chuyển hai chiều là 5.000km. Trung bình, anh dành khoảng 1 tháng ở mỗi quốc gia và may mắn khi được hòa mình vào nhiều hoạt động văn hóa như lễ Song Kran (lễ hội té nước) ở Thái Lan và trải nghiệm tháng Ramadan (tháng linh thiêng nhất trong năm của người Hồi giáo) ở Campuchia.

436425632_3662884190625942_8659368129173889563_n.jpg
Chàng trai 31 tuổi cắm trại, nghỉ qua đêm khi ở Lào

Anh chia sẻ, trong số các quốc gia đã đi qua, Thái Lan là điểm đến để lại ấn tượng sâu đậm nhất. “Thái Lan đẹp từ cảnh vật đến con người. Ở đây, mọi người rất thân thiện và kiên nhẫn, luôn sẵn sàng giúp đỡ bất cứ ai.

Trong thời gian khám phá tại đây, mình còn được người bản địa giúp sửa xe, cho đi nhờ hay có người còn mời về nhà họ ngủ lại”, chàng trai 31 tuổi kể.

chang trai Viet dap xe qua 4 quoc gia DNA 3.jpg
Bữa ăn tràn ngập món ngon mà chàng trai Quảng Trị được thưởng thức tại một ngôi chùa ở Thái Lan trong dịp lễ Song Kran

Anh cũng tiết lộ, thời gian đạp xe xuyên Thái Lan, anh còn được các nhà sư cho ngủ nhờ trong chùa, hay được cảnh sát địa phương hỗ trợ chỗ nghỉ qua đêm ở đồn cảnh sát. “Nhiều người sẵn sàng cho mình ngủ lại. Đặc biệt, mình được các nhà sư và cảnh sát Thái Lan giúp đỡ rất nhiều để có chỗ tá túc qua đêm”, anh nói thêm.

Song, trong suốt một hành trình dài, anh Luật thừa nhận không thể tránh khỏi những sự cố. Có ngày, anh “nằm bẹp” trong một căn nhà hoang ven đường vì ngộ độc thực phẩm, rối loạn tiêu hóa và phải uống nước liên tục để “cầm hơi” do không thể bổ sung thức ăn.

Lần khác, anh gặp chấn thương ở mắt cá chân trong lần vui chơi ở suối nước cùng các em nhỏ tại Lào và phải nghỉ ngơi nửa tháng. Tuy nhiên, mắt cá chân vẫn liên tục đau nhức khi chịu áp lực hay vận động mạnh, nên anh phải kết thúc sớm hành trình.

“Lần đó, khi đang ở Lào, mình đi tắm sông cùng lũ trẻ thì không may chân va phải đá. Dù đã nghỉ ngơi 2 tuần nhưng chân vẫn đau âm ỉ. Vì vậy, mình đành dừng lại hành trình ở Bangkok, Thái Lan rồi đạp xe qua Campuchia để về Việt Nam”.

Anh Luật khẳng định, dù gặp sự cố “nhớ đời” và không ít lần rơi vào cảnh “màn trời chiếu đất”, nhưng 3 tháng rong ruổi qua nhiều quốc gia đã mang lại cho bản thân những trải nghiệm “có tiền cũng khó mua”.

chang trai Viet dap xe qua 4 quoc gia DNA.jpg
Anh Luật dừng xe dọc đường, chụp tặng các em nhỏ ở Lào những tấm ảnh kỷ niệm

Không chỉ được chiêm ngưỡng cảnh đẹp, trải nghiệm ẩm thực địa phương, anh còn có cơ hội tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa.

Ví dụ như tham gia buổi giao lưu cùng học sinh cấp 3 tại một ngôi trường làng ở Thái Lan để chia sẻ về hành trình đạp xe khắp Đông Nam Á. Tại buổi lễ đó, anh đã đội nón lá và mặc áo dài, hi vọng lan tỏa rộng rãi hình ảnh đẹp của người Việt Nam.

Trong chuyến đi này, anh Luật còn chung tay gây quỹ cho một dự án dạy tiếng Anh dành cho trẻ em ở Lào, hỗ trợ mua xe Tuk Tuk chở học sinh cùng giáo viên đến lớp.

450622957_3699608523620175_2261964584398074602_n.jpg
Chàng trai Việt check-in tại Quảng trường Vientiane, Lào

Chàng trai trẻ tiết lộ, tổng chi phí cho hành trình đạp xe qua 4 quốc gia là khoảng 30 triệu đồng. Anh thừa nhận có chút luyến tiếc khi chưa thể đi được xa hơn, như đến Malaysia hoặc Singapore.

“Đây vẫn là hành trình dài và đáng nhớ nhất của mình cho đến hiện tại. Và mình hoàn toàn tự hào với những gì đã trải qua. Mình học hỏi được nhiều thứ từ những người bạn xa lạ vô tình gặp trên đường, từ những địa điểm đã ghé thăm hay cả từ những trải nghiệm bản thân đã có”, 9X bày tỏ.

Dù có ý kiến nhận xét hành trình đạp xe đường dài giống du lịch “hành xác”, nhưng theo quan điểm của anh Luật, trải nghiệm này có nhiều mặt tích cực. Ví dụ như: Tiết kiệm chi phí hơn so với sử dụng các phương tiện khác; Không khó khăn về mặt giấy tờ thông hành; Chủ động hành trình theo ý muốn; Thân thiện với môi trường; Tăng kết nối với mọi người xung quanh và rèn luyện được cả về tinh thần lẫn thể chất.

Anh nhấn mạnh thêm, hoạt động này cũng đòi hỏi yêu cầu về sức bền và thể lực, đồng thời người tham gia phải có nhiều kinh nghiệm và kỹ năng để xử lý sự cố dọc đường… Anh khuyên mỗi người nên lựa chọn cho mình những hành trình phù hợp cả về kinh tế lẫn sức khỏe và tinh thần.

Ảnh: Luật Phạm